Khi Singapore chuyển sang làm nông nghiệp

405
Thầy trò trường NTU khoe công trình nghiên cứu dùng lông gà để chế tạo khay đựng trứng. Ảnh: NTU.
Singapore là nước có nền kinh tế mở nhất thế giới, trong số các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Diện tích chỉ 7.800 km2 (gấp 3,5 lần diện tích TP.HCM), dân số 5,5 triệu người mà GDP hàng năm là 337 tỷ USD với GDP đầu người là 64.000 USD (gấp 23 lần Việt Nam).
Đảo quốc nhỏ này là trung tâm tài chính khu vực “Asia’s Infrastructure Exchange” (ra mắt từ năm 2017, trụ vững đến nay) và là hệ sinh thái mạnh mẽ toàn bộ chuỗi giá trị tài chính ngân hàng và các dịch vụ chuyên nghiệp khác. Nay bỗng dưng Singapore chuyển sang làm nông nghiệp?
Hai đại học lớn là mũi tiến công quan trọng
Bản tin mới của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) gây cho tôi sự bất ngờ thú vị: Tái sử dụng chất thải chăn nuôi gà để làm ra khay đựng trứng. Nhìn bức ảnh các thầy trò hớn hở cầm trên tay mấy quả trứng gà và khay đựng trứng gà, ai nấy cười tươi sáng rỡ vì nghiên cứu thành công, càng thấy ngộ nghĩnh.
NTU hợp tác với công ty Leong Hup Singapore Pte Ltd cùng nhau xây dựng các quy trình tạo bước đột phá quan trọng là thay thế các polymer tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ (mà khi sản xuất sẽ tạo ra khí thải nhà kính) bằng khay trứng làm bằng keratin trích xuất từ lông gà.
Giáo sư William Chen, Giám đốc Khoa Thực phẩm học của NTU giải thích: “Dự án đã chứng minh rõ ràng rằng lông vũ không nên chỉ được xem là một sản phẩm phế thải. Theo mô hình kinh tế tuần hoàn, lông vũ lại là nguồn nguyên liệu thô có giá trị. Lông gà được sử dụng làm vật liệu composite, giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường vì có thể tái chế”.
Mỗi năm, hàng tỷ kí lô lông gà từ các nhà máy chế biến gia cầm bị thải bỏ, đem chôn trong các bãi chôn lấp hoặc đốt, chắc chắn làm phát thải khí nhà kính. Vật liệu làm từ lông gà bền và dẻo hơn so với vật liệu làm từ polyme tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Phương pháp mới được phát hiện này chính là giải pháp của kinh tế xanh. Bên cạnh dùng lông vũ làm khay đựng trứng, một bước đột phá khác của Nanyang là đem chất thải sinh học như máu và xương gia cầm vào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm làm thành thịt gà. Chất thải hữu cơ từ quá trình chế biến gia cầm chứa các axit amin, vitamin, glucose, muối vô cơ và các yếu tố tăng trưởng. Đây là môi trường lý tưởng cho môi trường nuôi cấy tế bào tạo ra các loại thịt dựa trên tế bào.
Mà cũng không chỉ có NTU, mới đây Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã mở Trung tâm Nghiên cứu về nông nghiệp đô thị bền vững. Trung tâm này tập hợp năng lực chuyên môn đa dạng của các nhà nghiên cứu trong toàn NUS để “đóng góp đáng kể vào chương trình thực hiện chính sách lương thực của Singapore, tạo ra một chương trình nghiên cứu có tính cạnh tranh toàn cầu về canh tác bền vững ở đô thị kết hợp nông nghiệp thông minh”, Giáo sư Tan Eng Chye, Chủ tịch NUS cho biết.
Một nhóm giáo sư và nhà nghiên cứu tập trung vào canh tác đô thị bền vững, có kinh nghiệm trong nhiều chủ đề, bao gồm khoa học thực vật, gen và chỉnh sửa gen, vi sinh, khoa học thực phẩm, vật liệu và công nghệ cảm biến, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)…
Một ngôi nhà đặc biệt khoảng 200 mét vuông trồng cây trong nhà để nghiên cứu bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2023. Nơi đây sẽ có quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm tiên tiến của NUS để nghiên cứu di truyền học phân tử, bao gồm cả chỉnh sửa gen. Các biện pháp can thiệp sau thu hoạch cũng có thể giúp cải thiện giá trị dinh dưỡng và an toàn vi sinh vật của thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những cách mới để nhân giống cây trồng, để tạo ra các giống rau ăn lá có các đặc điểm hoạt động tốt trong môi trường được kiểm soát. Điều này được thực hiện để nâng cao chất lượng và năng suất nông nghiệp. Nhóm nghiên cứu cũng đã chế tạo ra chế phẩm sinh học của vi khuẩn giúp cây trồng phát triển trong các tình huống canh tác khác nhau.
NUS cho biết đã bố trí 16 nhà nghiên cứu từ các khoa sinh học, công nghệ thực phẩm, y sinh, kỹ thuật điện và khoa học máy tính để giám sát khoảng 10 dự án nghiên cứu.
Chương trình an ninh lương thực quốc gia
Hai trường đại học lớn nhất của Singapore là những thành tố trong hệ sinh thái của Singapore nhằm thực hiện chiến lược an ninh lương thực của quốc gia này nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực.  Tuy nhiên, họ không khai hoang trồng lúa, đem máy cày vỡ đất trồng rau (mà họ cũng chẳng có đất). Và Singapore đã làm nông nghiệp theo cách của mình.
Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) là một tổ chức trực thuộc Bộ Môi trường và phát triển bền vững Singapore, tổ chức thực hiện và giám sát an toàn thực phẩm và an ninh lương thực, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho Singapore.
Chiến lược an ninh lương thực của Singapore có ba nhánh chính:
– Đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu. Hiện nay họ phải nhập 90% thực phẩm.
– Phát triển địa phương – Tăng cường sản xuất địa phương, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu và làm một vùng đệm trong trường hợp nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Singapore đang nỗ lực nhiều mặt phát triển không gian trồng trọt, đẩy mạnh nông nghiệp trong đô thị.
– Phát triển ở nước ngoài, hỗ trợ các công ty Singapore xuất khẩu các giải pháp thực phẩm đô thị sang các nước khác rồi thu lợi và sau đó có thể xuất khẩu lương thực trở lại Singapore. Một số trang trại địa phương đã đầu tư vào Australia, Brunei, Hong Kong, Thái Lan và Trung Quốc.
Để thực hiện các nội dung trên, SFA đang thúc đẩy:
(1) Phát triển không gian cho nông nghiệp (tăng diện tích trồng trọt tại đô thị, trên các sân thượng các tòa nhà hay các khu đất chưa tận dụng).
(2) Áp dụng các công nghệ mới của thực phẩm, tập trung nhất là đẩy mạnh nền công nghiệp protein thay thế.

CEO Sandhya Sriram của công ty Shiok Meats với sản phẩm chế biến từ thịt tôm hùm nhân tạo. Các loại thịt cua và thịt tôm hùm được nuôi cấy từ phòng thí nghiệm của Shiok Meats sẽ được bày bán thương mại từ cuối năm nay. Ảnh: Straits Times.

Hai nhánh chính đang được kích hoạt mạnh mẽ
Cũng theo như các định hướng chính, và theo cách làm truyền thống của Singapore khi tung ra chiến lượng kinh tế mới luôn luôn là: nghiên cứu khoa học và thị trường, xem xét các khía cạnh pháp lý, chuẩn bị tiền bạc và nhân lực. Sau đó mới bắt tay làm. Có thể thấy họ đang đẩy mạnh hai nhánh hoạt động sau cho phát triển nông nghiệp kiểu Singapre:
a/ Về nông nghiệp đô thị
Các quốc gia thường coi hoạch định chính sách nông nghiệp đô thị là một phần của hệ thống lương thực địa phương lớn hơn và có thể khuyến khích các hoạt động liên quan để hỗ trợ các nhà chế biến, phân phối và tiếp thị nông sản. Các trung tâm thực phẩm chỉ là một ví dụ về cách nhiều khía cạnh của hệ thống thực phẩm có thể được đặt tại một địa điểm.
Mục đích chính của Nông nghiệp đô thị là gì? Nông nghiệp đô thị cho phép phát triển nhiều loại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội cho các cộng đồng xung quanh. Nông nghiệp đô thị có thể giảm chi phí vận chuyển, giúp giảm lượng nước chảy ra do lượng mưa lớn, và dẫn đến chất lượng không khí tốt hơn. Đặc biệt đối với Singapore, vấn đề không có đất canh tác là vấn nạn lớn nhất.
Vì thế, trồng thực phẩm trong các trang trại đô thị trên mái nhà các chung cư, ở các bãi đậu xe để tái sử dụng hay tận dụng không gian ngoài trời nội thất tòa nhà (được trang bị thêm) cũng là chìa khóa để phát triển diện tích trồng trọt.
b/ Về ngành mới: công nghiệp đạm thay thế.
Chuyên gia về phát triển bền vững Steve Howard thuộc quỹ Temasek nói với đài CNBC rằng: Khoảng 80% đất nông nghiệp trên thế giới đã được sử dụng cho động vật, và ở một số thị trường 80% ngũ cốc được dùng cho gia súc ăn. Nếu mô hình tiêu dùng thay đổi thì có thể chuyển các nguồn lực này ra khỏi chăn nuôi. Và người ta càng dùng nhiều protein thực vật thì an ninh lương thực càng được bảo đảm hơn. “Chúng tôi phải thực sự tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn thực phẩm. Sử dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp cũng sẽ tốt cho an ninh lương thực”, ông Howard nói.
SFA đã thành lập Nhóm công tác chuyên gia về an toàn thực phẩm mới vào tháng 3.2020 do Trưởng Trung tâm Quản lý Chất lượng thực phẩm chủ trì, bao gồm các chuyên gia về chất độc thực phẩm, vi sinh học, dinh dưỡng, dịch tễ học, chính sách y tế công cộng, khoa học thực phẩm và công nghệ thực phẩm. SFA đã đánh giá là gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Eat Just của Mỹ là an toàn và đã được thương mại hóa cho người tiêu dùng.
SFA đặt mục tiêu tăng sản lượng trồng trọt ở đô thị hay các địa phương và nuôi cấy ở phòng thí nghiệm phải đạt được mục tiêu “30 lên 30”, nghĩa là tăng cường năng lực ngành công nghiệp thực phẩm và sản xuất nông nghiệp để đến năm 2030, Singapore có thể tự cung cấp 30% thực phẩm, thay vì chỉ lo được có 10% như hiện nay.
Những tiến bộ về công nghệ, những sáng kiến mới từ bối cảnh kinh tế xã hội của Singapore, với sự đầu tư nhân lực và tiền của của chính phủ sẽ là chìa khóa để mở ra tiềm năng của ngành nông sản thực phẩm của nước này, để “phát triển nhiều hơn với ít nguồn lực hơn”, một cách bền vững.
Kim Hạnh (Theo TGHN)