Khởi nghiệp xanh – Góc nhìn về sinh kế

Ông Hoàng Sơn Công - Tác giả bài viết (bìa phải) cùng các bạn trẻ khởi nghiệp
BSA và Chương trình Khởi nghiệp xanh không chỉ dành cho các câu chuyện về khởi nghiệp, mà còn tạo tác động rất lớn đến một phạm vi rộng lớn hơn, đó là chuyện về sinh kế. Rồi từ đó, rất nhiều giá trị truyền thống của văn hóa các vùng miền đã được gìn giữ và phát triển.
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thanh niên đã diễn ra rộng khắp trên toàn quốc ở nhiều lĩnh vực. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ trong việc tạo tác động vào nguồn nhân lực trẻ, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chương trình Khởi nghiệp xanh của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) là một chương trình có chất lượng rất cao, được xem là vườn ươm những doanh nông trẻ tuổi, tài năng và có khát vọng cống hiến. Từ mái nhà BSA, đã có hàng trăm dự án khởi nghiệp xanh được ươm tạo, dìu dắt trong cả hành trình khởi nghiệp đầy bỡ ngỡ và khó khăn, để rồi dần trưởng thành, tạo nền tảng vững vàng cho những thế hệ khởi nghiệp sau bước tiếp.
Từ góc độ một chuyên gia đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động của BSA trong suốt 5 năm qua (2018 – 2023), tôi may mắn có được những góc quan sát rộng và chi tiết trong các hoạt động. Tôi nhận thấy BSA và Chương trình Khởi nghiệp xanh không chỉ dành cho các câu chuyện về khởi nghiệp, mà còn tạo tác động rất lớn đến một phạm vi rộng lớn hơn, đó là chuyện về sinh kế.
Thứ nhất, rất nhiều nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các tỉnh, thành, vùng, miền khi tham gia vào Chương trình Khởi nghiệp xanh có xuất phát điểm từ chuyện sinh kế của bản thân hoặc hộ gia đình. Một bài toán bắt buộc phải có lời giải cho các khởi nghiệp trẻ chính là tồn tại trên thị trường, tạo được thu nhập cho bản thân và gia đình trước khi mở rộng doanh nghiệp. Trong những câu chuyện đó, có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ nghề truyền thống từ các gia đình đã được nâng cấp từ sinh kế thành khởi nghiệp của các bạn trẻ. Từ đó, rất nhiều giá trị truyền thống của văn hóa các vùng miền đã được gìn giữ và phát triển.
Thứ hai, tiêu chí cộng đồng và sử dụng hiệu quả các tài nguyên bản địa luôn là những tiêu chí được coi trọng trong các cuộc thi khởi nghiệp trong hành trình khởi nghiệp xanh qua nhiều năm. Từ tiêu chí sàng lọc này, các khởi nghiệp trẻ dù không thuộc nhóm phát triển từ sinh kế cá nhân, hộ gia đình vẫn luôn có các yếu tố phát triển cộng đồng bền vững tại địa phương. Hành trình khởi nghiệp của các thanh niên trẻ qua định hướng của các cuộc thi đã có những sự gắn bó chặt chẽ với việc tạo ra việc làm, thu nhập cho các đối tượng yếu thế của địa phương, hoặc phát huy những tài nguyên bản địa chưa được khai thác hiệu quả nhằm tạo ra cơ hội việc làm bền vững cho người dân tại các vùng, miền.
Thứ ba, trong các cuộc thi khởi nghiệp xanh, câu chuyện văn hóa bản địa luôn là một đề tài nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia trong mạng lưới của BSA. Đội ngũ chuyên gia đồng hành (mentor) của BSA đã chia sẻ tích cực và sâu sắc các nguồn lực của cá nhân, tổ chức mình đang công tác với các khởi nghiệp. Chính vì lẽ đó, tầm nhìn của các khởi nghiệp trẻ được mở rộng và việc kết nối với các nguồn lực về cho địa phương trở nên thuận lợi, dễ dàng. Đặc biệt, các chương trình khởi nghiệp tại các vùng cao, vùng có các đồng bào dân tộc thiểu số tạo ra những tác động rất cụ thể tới sinh kế của người dân, nhất là các dự án du lịch cộng đồng, phát triển nghề truyền thống có bản sắc văn hóa lâu đời hay việc sử dụng lao động là các nghệ nhân dân gian.
Thứ tư, hành trình của các khởi nghiệp trẻ qua các mùa thi không chỉ dừng lại ở các sự kiện cụ thể mà còn được hỗ trợ kéo dài từ năm này qua năm khác. Các dự án khởi nghiệp theo vùng được hỗ trợ bởi các chương trình đồng hành dài hạn, từ đó đã tạo nên những cộng đồng khởi nghiệp thành công bền vững tại các địa phương trong mối quan hệ tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau. Có nhiều chủ dự án khởi nghiệp đã tham dự nhiều lần các cuộc thi mỗi năm, với những nội dung khởi nghiệp mới có tính tác động sinh kế địa phương trên nền tảng của những thành công ban đầu.
Hành trình Khởi nghiệp xanh của BSA không chỉ giới hạn trong phạm vi hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên đổi mới sáng tạo, mà còn có những chương trình liên kết phát triển sinh kế trực tiếp cho các đối tượng người yếu thế. Đặc biệt, trong chương trình hợp tác của BSA với tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) năm 2019, dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (gọi tắt là TMSV) đã tạo tác động rất lớn tới các gia đình có người thân gặp nạn tại nước ngoài. Dự án đã tạo ra những tác động tích cực, rõ ràng đến những sinh kế của những người bị tổn thương, hỗ trợ họ phục hồi tâm lý và kinh tế để xoa dịu những nỗi đau mất mát. Không những vậy, nhiều người trong số họ đã trở thành những tấm gương điển hình về kinh tế của địa phương để hỗ trợ những hộ gia đình ở phạm vi lân cận, cụ thể là các dự án tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…
Có thể hình tượng hóa câu chuyện Chương trình Khởi nghiệp xanh của BSA với góc nhìn sinh kế giống như một mạng lưới mở rộng, trong đó các đầu mối là các khởi nghiệp trẻ được bồi dưỡng, hỗ trợ liên tục và hiệu quả. Từ đó, họ dần trưởng thành và kế thừa tinh thần cộng đồng của BSA, tác động đến các sinh kế địa phương thông qua hoạt động kinh tế và văn hóa.
Đó có lẽ là tầm nhìn dài hạn đầy tính nhân văn của BSA trong hành trình của mình, tạo nên sự khác biệt, đo lường bằng những cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Hoàng Sơn Công
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ, Phó viện trưởng Viện Phát triển tài năng Việt Nam
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)