Không đủ sức cạnh tranh, Citigroup rút khỏi mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam

888
Tiêu điểm: 
Không đủ sức cạnh tranh, Citigroup rút khỏi mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam
Ngân hàng của Mỹ sẽ dừng mảng ngân hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam và 12 thị trường khác để tập trung vào mảng quản lý tài sản hay dịch vụ khách hàng cao cấp. Các thị trường bị tạm ngưng hoạt động gồm có: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Bahrain, Ba Lan và Nga. 
Bốn trung tâm quản lý tài sản của Citigroup ở Singapore, Hong Kong, Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) và London sẽ quản lý các hoạt động của các thị trưởng này. Citigroup sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ tại các thị trường này cho nhóm khách hàng doanh nghiệp. 
“Điều này giúp chúng tôi nắm bắt được sự tăng trưởng mạnh mẽ và lợi nhuận hấp dẫn mà hoạt động quản lý tài sản mang lại” – theo lời CEO Jan Fraser, người vừa tiếp quản vị trí mới không lâu. 
“Chúng tôi không có quy mô cần thiết để cạnh tranh với những đối thủ lớn tại 13 thị trường này. Thay vào đó, chúng tôi tin nguồn lực sẽ được sử dụng tốt hơn với lĩnh vực quản lý tài sản và các khách hàng doanh nghiệp”, bà Fraser phát biểu.
Thông báo báo chí của Citigroup đã không nói rõ thời điểm nào sẽ “đóng cửa” mảng dịch vụ bán lẻ và có “sang nhượng” lượng khách hàng tại các thị trường trên cho một ngân hàng nào khác hay không. 
Cittigroup là một trong những tổ chức tài chính quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam, hoạt động dưới tên gọi First National City Bank trong giai đoạn 1972-1975. Năm 1993, ngân hàng tái lập hoạt động với văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội. Citi cũng là ngân hàng Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài với đầy đủ chức năng và dịch vụ tại Hà Nội năm 1994 chuẩn bị cho giai đoạn thương mại Việt – Mỹ bùng nổ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. 
Citigroup mở chi nhánh thứ hai tại TP.HCM vào năm 1998. 
Sự rút lui của Citigroup khỏi mảng bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang là dấu hỏi dù rằng ngân hàng thừa nhận “không đủ sức cạnh tranh”. Các ngân hàng Việt Nam vẫn đạt lợi nhuận khủng từ mảng bán các hợp đồng, chính sách bảo hiểm (bancassurance) và cho vay tiêu dùng trong năm vừa qua dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn hoạt động hiệu quả. 
Còn ở mảng khách hàng doanh nghiệp và quản lý tài sản? 
Nếu không tăng cường sự hiện diện trực tiếp tại TP.HCM và Hà Nội, điều hành từ thị trường bên ngoài Việt Nam như Singapore hay Hong Kong mảng quản lý tài sản ở Việt Nam, thì liệu Citigroup đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng Việt Nam đang chuyển mạnh sang mảng thị trường này, đặc biệt là mảng quản lý tài sản. Ngân hàng Quân Đội (MB) đã thành lập bộ phận khai thác mảng quản lý tài sản phân khúc cao cấp từ năm 2019. Nhiều ngân hàng trong nước cũng đã noi gương ngân hàng này. 

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,1 – 55,48 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 230.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệnh hai đầu là 380.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.762,2 USD/ounce, tăng 25,8 USD/ounce, tương đương 1,49% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm trong khi căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga leo thang khiến cho sức hấp dẫn của vàng tăng lên.
2/ Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I/2021. Theo đó, sự bùng phát lần thứ 3 của dịch Covid-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động, khiến nhiều lao động, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Được biết, trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng góp phần thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động nhằm thích nghi với các diễn biến khó lường của đại dịch.
3/ Ban tổ chức vừa công bố kết quả chung cuộc bảng Việt Nam cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á năm 2020 – 2021. Theo đó, tại bảng đấu của các đội Việt Nam, nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã xuất sắc dành giải ba chung cuộc với dự án Bottled Nectar Nipa, Mật dừa nước đóng chai. Hult Prize, hay còn được gọi là “Giải Nobel dành cho sinh viên”, là giải thưởng thường niên được tổ chức cho sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, cựu sinh viên đã ra trường trên toàn thế giới. Cuộc thi này là sân chơi tạo bệ phóng ứng dụng cho những ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp xã hội, giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng. 
4/ Nhằm giới thiệu các cơ hội đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư công nghiệp của các tỉnh với Singapore, trong khuôn khổ hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 30 (Vietnam Expo), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn “Đầu tư vào Việt Nam – Tiêu điểm đầu tư công nghiệp” ngày 15/4 vừa theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp Singapore, các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Singapore và các doanh nghiệp trong nước đến từ các tỉnh Vĩnh Long, An giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Nghệ An, Khánh Hòa. Năm 2020, Singapore đã vượt lên là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. 
Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 30
5/ Việt Nam hiện đang là thị trường mục tiêu lớn thứ 2 sau Trung Quốc mà các doanh nghiệp Nhật Bản nhắm tới để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Được biết, trong cuộc khảo sát gần đây nhất, mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản vẫn không hề giảm sút, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng mở rộng các cơ sở hiện có lại đạt mức thấp kỷ lục. Trong khi Trung Quốc đang là thị trường mục tiêu lớn nhất thì xu hướng đa dạng hóa sang Hoa Kỳ, Việt Nam, Đài Loan, … cũng tăng lên. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc, trong một cuộc khảo sát cách đây 10 năm, giữa Trung Quốc và Việt Nam có một khoảng cách khoảng 48% thì mức chênh lệch này đã thu hẹp dần theo từng năm, và còn khoảng 7%.
6/ Theo South China Morning Post, Hong Kong hiện xếp thứ 5 trong danh sách 10 thành phố có mật độ dân số siêu giàu cao nhất thế giới. Theo báo cáo mới của Wealth-X, hơn 60.000 người Hong Kong sở hữu khối tài sản hơn 5 triệu USD, tức trung bình cứ 125 dân cư thì sẽ có một triệu phú. Hơn thế nữa, Hong Kong cũng là thành phố châu Á duy nhất lọt vào bảng xếp hạng này. Danh sách của Wealth-X chỉ tính những người có khối tài sản từ 5 đến 30 triệu USD, những người này được xếp vào nhóm có giá trị tài sản ròng rất cao. Được biết, các thành phố tại Mỹ và Thụy Sĩ lần lượt dẫn đầu về mật độ dân số siêu giàu. San Jose (Mỹ) chiếm lĩnh vị trí đầu bảng với trung bình 1/66 dân cư là triệu phú sở hữu ít nhất 5 triệu USD.
7/ Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, trong năm nay khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi sẽ có mức tăng trưởng kinh tế chậm nhất thế giới (3,4%) trong bối cảnh khu vực này đang nỗ lực để phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. IMF cảnh báo các hạn chế trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và không gian chính sách đang kìm hãm sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, kêu gọi các nước giàu đẩy mạnh việc hỗ trợ vaccine cũng như tài chính cho châu Phi. Dự báo của IMF ước tính đối với hầu hết các quốc gia, để tiêm chủng vaccine cho 60% dân số sẽ đòi hỏi tăng phí chăm sóc sức khỏe tới 50% và nếu vậy mức chi bổ sung này có thể vượt quá 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở một số quốc gia. 

8/ Vừa qua, hãng Apple đã công bố sáng kiến làm giảm khí thải carbon với Quỹ Khôi phục (RF), nhằm đầu tư vào các dự án lâm nghiệp để giảm bớt khí thải carbon khỏi bầu khí quyển đồng thời tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư tài chính. Cùng với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế và Goldman Sachs, quỹ trị giá 200 triệu USD của Apple nhằm loại bỏ ít nhất 1 triệu tấn CO2 hàng năm khỏi bầu khí quyển, tương đương với lượng khí thải của hơn 200.000 phương tiện chở khách. Được biết, trong năm qua, 15 nhà cung ứng của Apple tại Trung Quốc đã cam kết tham gia kế hoạch trên và chuyển hoạt động sản xuất của Apple sang 100% năng lượng tái tạo. Apple cũng đã đưa ra kế hoạch hợp tác dài hạn trong nhiều năm với World Natural Foundation để gây dựng khoảng hơn 400.00 ha rừng tại Trung Quốc tới năm 2020.
9/ Hơn 20 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã công khai cam kết tuân thủ các nguyên tắc chống độc quyền, sau khi các nhà quản lý yêu cầu họ lưu ý tới án phạt kỷ lục đối với “ông lớn” thương mại điện tử Alibaba. Những cam kết này được đưa ra sau khi các nhà quản lý triệu tập 34 công ty công nghệ vào hôm 13/4 và yêu cầu họ “chấn chỉnh” bất kỳ hành vi phi cạnh tranh công bằng nào, đồng thời phải chú ý đến trường hợp của Alibaba. Theo giới quan sát, Trung Quốc đưa các công ty công nghệ trong nước vào tầm ngắm nhằm hạn chế phạm vi tiếp cận của các công ty tư nhân đối với hoạt động tài chính thường nhật của người dân nước này. Động thái đó có thể kiềm chế sự thống trị của các công ty này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Năm thách thức hay bài học lớn từ kế hoạch IPO kỷ lục của Grab