Kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử

750

Muốn thành công khi kinh doanh trên sàn quốc tế như Alibaba, Amazone…, đầu tiên DN phải am hiểu được nền tảng thương mại điện tử, cách vận hành, thuật toán đám mây, thanh toán điện tử, công nghệ AI. DN cần chọn những đơn vị logistic phù hợp, đảm bảo được chất lượng và thời gian giao hàng cho đối tác bên ngoài… 

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sale Công ty Innovative Hub – đối tác của Alibaba.com và ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit – tại buổi toạ đàm trực tuyến “Kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế”.

Buổi tọa đàm do Hội DN HVNCLC cùng BSA tổ chức vào sáng 25/8 vừa qua, thu hút 70 DN HVNCLC, DN khởi nghiệp. Đây là một trong những sự kiện của chuỗi hoạt động của Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA, nhằm hỗ trợ cho DN chào bán hàng ra thị trường quốc tế thông qua công cụ online trong tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến khó lường.

Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến “Kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế” diễn ra tại Hội trường Trung tâm BSA

Bán hàng qua kênh online có thật sự hiệu quả hay chỉ là để quảng cáo?

Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit: Nhớ lại thời kỳ 2008 – 2010, khi tham gia vào kênh MT của siêu thị – ít chủ doanh nghiệp nghĩ rằng, đưa hàng hoá vô siêu thị để bán. Suy nghĩ lớn nhất vẫn là trưng bày sản phẩm trên kệ siêu thị chỉ để quảng cáo. Và gần đây, kênh online cũng đang được nhìn nhận theo hướng như vậy.

Tuy nhiên, kênh online sẽ là kênh tiêu thụ sản phẩm trong tương lai khi thói quen của người tiêu dùng đang dần chuyển dần vào hình thức online. Nhất là giới trẻ hiện nay đang bắt trend rất nhanh, nhiều app bán hàng online đang phát triển. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều DN chúng ta chưa thấy được lợi ích mang lại từ kênh online.

Doanh số từ kênh bán hàng online sẽ tăng dần với số lượng nhỏ và DN phải đầu tư rất nhiều thì may ra mới thành công. Tương tự như khi đưa hàng vào siêu thị, nếu DN không chăm sóc kênh bán hàng thì điều dễ nhận thấy, kênh online cũng không mang lại giá trị gì. Ngay như kênh bán hàng online của Vinamit, doanh số chỉ đạt được trên dưới 2 tỷ/tháng, quá nhỏ so với các phương thức kinh doanh thông thường. Nhưng thực tế, nếu Vinamit thấy lợi ích thua kém, không quan tâm, thúc đẩy để kênh bán hàng này phát triển thì mình đánh mất cơ hội tiếp cận những khách hàng mua sắm online.

Đừng nghĩ rằng kênh bán hàng online có doanh số thấp hay là giải pháp để giải quyết hàng tồn kho. Đừng nghỉ bán hàng online là giải pháp phụ trong hệ thống kinh doanh của DN.  Đừng nghĩ rằng doanh nghiệp mình quá lớn, quá đồ sộ mà coi thường một kênh bán hàng online, chỉ mang về doanh số vài tỷ mỗi tháng. Nếu chúng ta không xây dựng ngay từ bây giờ thì tương lai, chúng ta sẽ chậm chân và quá muộn. Hiện nay, online không chỉ dừng ở trong nước và vươn đến khắp thế giới. Một mặt hàng của DN Việt đều có thể bán cho bất kỳ khách hàng ở đâu, có thể gửi hàng bằng đường chuyển phát nhanh.

Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit chia sẻ kinh nghiệm phát triển kênh bán hàng online đến các DN HVNCLC

Nhiều người cho rằng, xây dựng kênh bán hàng online quá phức tạp. Điều này liệu có chính xác? 

Ông Nguyễn Lâm Viên: Vinamit tập trung xây dựng đội ngũ cộng tác viên online và xem họ là “Tiểu thương online”. Những tiểu thương này đòi hỏi đầu tiên đối với DN là tỷ lệ % họ được hưởng như thế nào so với các mặt hàng khác. Khi xây dựng được cộng tác viên vững mạnh, khi đó DN mới tính đến lợi nhuận ra sao, doanh số như thế nào… Xây dựng kênh online là phải có sự đầu tư, chăm sóc để có được cộng đồng mua hàng, có được cộng đồng các tiểu thương online chịu gắn bó với DN.

Như vậy, việc đầu tiên của DN là phải xây dựng nền tảng, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu làm thúc đẩy khả năng bán hàng của các cộng tác viên online, nhà phân phối online. DN phải làm sao để hấp dẫn cộng tác viên để họ mang hết sức lực, khả năng bán hàng của họ để họ thuyết phục người mua thay cho doanh nghiệp. Do đó, sản phẩm cho kênh online phải hấp dẫn, giá bán phải thấp hơn hoặc bằng với siêu thị thì mới tác động đến việc mua hàng của người tiêu dùng. T

Thứ 2 là sản phẩm bán qua kênh online không thu thêm các khoản phí, ngay cả khoản giao hàng thì cũng phải gói gọn tổng giá tiền khách thanh toán, ít nhất là bằng với siêu thị hoặc rẻ hơn càng tốt.

  • Như vậy, điều đầu tiên bán hàng online mang đến lợi ích cho khách hàng đó là giá phải rẻ hơn hoặc tương đương sản phẩm cùng loại ở các kênh bán hàng khác, chất lượng sản phẩm phải giống nhau. Ngoài ra bán hàng online còn cộng thêm các chương trình khuyến mãi thì càng tốt. Một yếu tố của bán hàng online là khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với nhà sản xuất nếu sản phẩm có vấn đề. Hàng hư, lỗi… phải được đổi trả ngay lập tức.
  • Chúng ta ra chợ, muốn bán một món hàng nào đó thì chúng ta biết trước là món hàng đó mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng. Như vậy, sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất, thiết yếu với người tiêu dùng. Sản phẩm nào thiết yếu, thiết thực, mang tính đột phá thì doanh nghiệp đưa lên trước, những sản phẩm chưa cần thiết thì đưa lên sau. DN cần trao đổi với cộng tác viên trước để họ hiểu rõ hơn về những giá trị của sản phẩm trước khi tiến hành bán online.

Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit

Kỳ sau:

Câu hỏi: Bán hàng online cho các doanh nghiệp quốc tế như thế nào, cần lưu ý điều gì? 

Giải đáp: Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sale Công ty Innovative Hub – đối tác của Alibaba.com 

Anh Tuấn