Kinh tế Singapore bật mạnh với tỷ lệ 14,3% trong quý 2

343
Kinh tế Singapore trên đà hồi phục sau khi đợt suy thoái trầm trọng nhất trong năm 2020. Ảnh: Getty Images
Tiêu điểm

Kinh tế Singapore bật mạnh với tỷ lệ 14,3% trong quý 2

Bật nẩy trở lại với tỷ lệ 14,3% trong quý 2 vừa rồi so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Singapore tiếp tục hồi phục sau những ngày đen tối nhất của dịch Covid-19 – theo số liệu sơ bộ được chính phủ nước này công bố ngày 14/7.
Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý 2/2010 sau khi GDP của hòn đảo đạt mức tăng 18,6% sau những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tuy vậy, do mức trượt dài của năm ngoái, hiện nền kinh tế của Singapore vẫn ở mức thấp hơn so với hai năm trước đây, GDP giảm 0,9% so với quý 2/2019. 
Các ca nhiễm tăng vọt trong quý 2 vừa rồi đã khiến Singapore siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong tháng 6, bao gồm việc cấm ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất vẫn tăng trưởng với tỷ lệ 18,5%. “Ngành điện tử và mảng công nghệ chính xác tiếp tục tăng trưởng tốt bởi nhu cầu mạnh về chất bán dẫn và thiết bị điện tử”, thông cáo của Bộ Công thương viết.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tăng 9,8%, cá biệt mảng xây dựng tăng hỏa tiễn với 98,8%. Các mảng này vẫn bị ảnh hưởng bởi những quy định về đi lại và tụ họp cũng như thiếu lao động nước ngoài, nhưng đã có dấu hiệu hồi phục so với trước. Lần đầu tiên, mảng dịch vụ đạt tăng trưởng sau sáu quý liền suy giảm.
Singapore có mức suy thoái 13,3% trong quý 2 năm ngoái do các tháng dài của chính sách “cắt cầu chì” – hầu hết mọi lĩnh vực phải đóng cửa. Hệ quả là kinh tế tăng trưởng âm -5,4% – mức suy giảm lớn nhất kể từ khi hòn đảo giành độc lập vào năm 1965.
Tỷ lệ tăng trưởng trở lại dương 1,3% trong quý 1 vừa rồi nhờ vào mảng cốt lõi của Singapore: xuất khẩu chất bán dẫn và dược phẩm.
Các số liệu sơ bộ của tăng trưởng GDP được dựa vào kết quả của hai tháng đầu trong quý. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng không phải là dầu hỏa tăng 6% trong tháng 4 và 8,8% trong tháng 5. Lĩnh vực sản xuất tăng 2,3% trong tháng 4 và 30% trong tháng 5.
Với tiến triển của chiến dịch tiêm vaccine, hôm 12/7 Singapore bắt đầu nới lỏng các hạn chế: cho phép những ai đã tiêm đầy đủ vaccine tụ tập đông người hơn.
“Thời gian tới, vaccine sẽ cho phép Singapore mở cửa biên giới từ từ, tạo điều kiện cho ngành du lịch hồi phục. Mảng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào nhu cầu luôn tăng đối với chất bán dẫn và dược phẩm”, nhà kinh tế Alex Holmes của hãng tư vấn Capital Economics phát biểu.
Chính phủ Singapore trước đó dự báo kinh tế sẽ tăng 4-6% trong cả năm 2021.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,4 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ trở lại 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.809,7 USD/ounce, tăng 3,2 USD tương đương 0,18% so với chốt phiên trước. Giá vàng đã đi lên sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong 13 năm vào tháng qua.
2/ Infographic: Xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021
Nguồn: TBTCVN
3/ Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. Theo đó, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 ngàn tỷ USD năm 2019. Dòng FDI chảy sang châu Á tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020 trong khi FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi giảm 58%. Đáng chú ý, với tổng số vốn 16 tỷ USD FDI, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020, được xếp thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019.
4/ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập trong 6 tháng qua tăng hơn 100%, xe con ghi nhận tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt xe nhập về Việt Nam ngày càng rẻ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xe nhập vào Việt Nam đạt 81.100 chiếc, tăng hơn 40.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con đạt 54.000 chiếc, chiếm gần 67%, tăng hơn 23.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Về xuất xứ, xe từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chiếm khoảng 90% lượng xe nhập về Việt Nam. Trong đó xe Thái Lan và Indonesia vẫn chiếm áp đảo. Về mức giá, xe nhập từ Indonesia vẫn có giá rẻ nhất khi về Việt Nam. Mặc dù xe nhập về nhiều nhưng tổng doanh số bán xe trên thị trường trong tháng 6 vẫn tiếp tục giảm.
5/ Viên nén mùn cưa hay viên nén gỗ là loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như dăm bào, mùn cưa, thân ngô, gỗ thải, vỏ đậu phộng,… thông qua dây chuyền sản xuất hiện đại được ép thành các viên gỗ nhỏ và cứng. Các  viên nén này sử dụng cho lò đốt công nghiệp hay lò sưởi.
Năm 2013, Việt Nam mới chỉ xuất được 175.000 tấn viên nén gỗ, trị giá 22 triệu USD. Nhưng đến năm 2020, lượng viên nén xuất khẩu đã đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 352 triệu USD. Hiện Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Được biết, gần 100% lượng viên nén từ Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện tại các quốc gia này. Nhu cầu tiêu thụ viên nén tại các Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục tăng, là động lực để phát triển sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam.
6/ Theo Reuters, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng mạnh nhất 13 năm trong tháng 6 vừa qua, do những nút thắt nguồn cung và giá dịch vụ đi lại gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi mạnh từ Covid-19. Theo đó, so với tháng 5, CPI tháng 6 của Mỹ tăng 0,9%, mạnh nhất từ tháng 6/2008. Con số này cao hơn so với mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó và mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 5. Trong đó, giá xe hơi đã qua sử dụng tăng 10,5%, mạnh nhất kể từ tháng 1/1953, khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi giá cả mặt hàng này. Trong những tháng gần đây, cơn sốt giá xe hơi cũ là một nguyên nhân chính đẩy các chỉ số lạm phát của Mỹ leo thang.
7/ Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến của các chuyên gia, nhờ nhu cầu thế giới vững chắc. Theo đó, số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho biết thấy kim ngạch xuất khẩu tháng qua đã tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020. Mức tăng này cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là 23,1%. Nhập khẩu cũng tăng 36,7% trong tháng 6, vượt qua mức dự báo trung bình là 29,5%. Điều đó khiến thặng dư thương mại đạt 51,5 tỷ USD trong tháng, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhờ vào giá cả leo thang và nhu cầu của thế giới đối với hàng y tế và thiết bị gia đình. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy động lực có thể giảm trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung đầu vào, chi phí vận chuyển cao.
8/ Trong sáu tháng đầu năm nay, Chính phủ Argentina đã hai lần điều chỉnh mức lương hưu với tổng mức tăng là 20,19%, song vẫn thấp hơn so với mức lạm phát trong năm tháng đầu năm là 21,5%. Trước đó, Chính phủ Argentina đã thông báo sẽ hỗ trợ những người về hưu một khoản tài chính trị giá 5.000 peso (tương đương với 50 USD) để bù đắp chênh lệch thu nhập do lạm phát gia tăng gây ra từ đầu năm tới nay. Theo đó, gói hỗ trợ một lần trên sẽ được chuyển tới người thụ hưởng trong tháng 8 tới và những đối tượng được nhận khoản trợ cấp là những người về hưu từ đầu năm tới nay có mức lương hưu tối thiểu là 23.064 peso (228 USD). Dự kiến số được thụ hưởng khoản trợ cấp sẽ là 6 triệu người.
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Buenos Aires, Argentina Ảnh: TTXVN
9/ Trong quý II/2021 doanh số bán lẻ của Anh đã tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019 và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1995. Theo đó, doanh số bán lẻ của Anh tăng trưởng với tốc độ nhanh kỷ lục bắt đầu vào quý II năm nay, nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế về giãn cách xã hội và tổ chức Vòng chung kết bóng đá EURO 2020, giúp giải phóng nhu cầu của người dân đã bị dồn nén trong thời gian dài. Đặc biệt, trong tháng Sáu, doanh số bán lẻ tăng tới 13%  so với cùng tháng trước đại dịch, và là mức tăng kỷ lục. Điều này đã làm giảm bớt lo ngại về việc các động lực kinh tế tại Anh sẽ bị mất đi do tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đang bùng phát mạnh trở lại.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Vòng tay tình thương