Khi nhìn vào tương lai trong năm 2023, các nền kinh tế trên toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế vĩ mô, bao gồm những bất ổn về địa chính trị, lạm phát và các điều kiện tài chính bị thắt chặt để kiềm chế lạm phát.
Giá hàng hóa nguyên liệu có nhiều khả năng giảm so với năm 2022 và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phục hồi, nhưng rủi ro lạm phát vẫn còn. Các ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm được kỳ vọng sẽ có khả năng phục hồi, trong khi triển vọng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng vẫn còn nhiều thách thức khi an ninh năng lượng vẫn chưa được đảm bảo khi các rủi ro về địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Các báo cáo của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới cũng đưa ra các nhận định khá bi quan cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023. Theo báo cáo Global Market Intelligence của hãng đánh giá tín dụng S&P công bố vào cuối tháng 11.2022, đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine và các cú sốc địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,7% trong năm nay, chậm lại so với mức 3,2% vào năm 2022.
Khó ai có thể đoán chắc khi nào cuộc xung đột Ukraine của Nga sẽ kết thúc và sẽ chấm dứt như thế nào. Mặc dù nền kinh tế đang lao đao dưới các lệnh trừng phạt nặng nề, Nga chắc chắn sẽ đẩy ra chiến trường nhiều binh lính mới động viên được, nhằm đảm bảo an toàn cho năm khu vực mà Nga tuyên bố sát nhập năm vừa qua. Tuy nhiên, nửa cuối của năm 2022 được coi là thời điểm quyết định cho cuộc xung đột Ukraine khi cả hai bên được coi là đã chịu tổn thất đáng kể sau khoảng gần hơn sáu tháng giao tranh. Chính vì vậy, giai đoạn sắp tới sẽ thử thách coi bên nào có khả năng chịu đựng tổn thất tốt hơn.
Trong khi đó, tại Mỹ, quốc gia được coi là hỗ trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine, thì các dấu hiệu về thị trường việc làm thắt chặt và hoạt động kinh doanh chậm lại làm dấy lên lo ngại trong người dân Mỹ về suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Goldman Sachs Research, Mỹ có thể sẽ hạ cánh nhẹ vào 2023 khi nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ tránh được suy thoái trong gang tấc, trong bối cảnh lạm phát giảm dần và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Trong dự báo mới của mình vào tháng 11.2022, tổ chức OECD dự báo: Nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn tăng lãi suất cơ bản sáu lần trong năm qua nhằm chế ngự lạm phát, sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023 (giảm mạnh so với 5,9% vào năm 2021), và tăng nhẹ lên 1% vào năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài CBS Sunday vào đầu năm 2023, người đứng đầu IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng năm 2023 sẽ khó khăn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu so với năm qua bởi “ba nền kinh tế lớn là Mỹ, EU, Trung Quốc đều đang giảm tốc đồng thời”. Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng trong khi Mỹ có thể tránh được suy thoái, thì tình hình có vẻ ảm đạm hơn ở châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến ở Ukraine. “Một nửa Liên minh châu Âu sẽ suy thoái”.
Maxim Hofer, một chuyên gia tư vấn kinh tế cao cấp của tổ chức Euromonitor International, cho rằng: “Các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với bối cảnh kinh tế đầy thách thức vào năm 2023: Một thực tế kinh tế mới đang phát sinh, được đặc trưng bởi vô số thách thức, rủi ro và khủng hoảng sẽ dẫn đến mức độ bất ổn cao bất thường. Sức mua giảm mạnh và môi trường lãi suất thay đổi nhanh chóng sẽ tiếp tục làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể dẫn đến những cú sốc kinh tế ngay lập tức, đồng thời làm tăng tiềm năng của những thay đổi lớn hơn trong thương mại toàn cầu”. Tuy nhiên, Maxim Hofer cũng lạc quan khi cho rằng: “Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 3,7% trong cùng năm, với một số nền kinh tế vượt trội ở châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông”.
S&P dự đoán châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023, trong khi châu Âu và Mỹ có thể sẽ đối mặt với suy thoái. S&P cũng cho biết khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực tạo ra 35% GDP thế giới, sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh.
Tuy nhiên, triển vọng trong nửa đầu năm 2023 được coi là không quá tích cực với Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất nhất châu Á, và đứng thứ hai thế giới. Bà Georgieva, người đứng đầu IMF, cho biết vài tháng tới sẽ “khó khăn đối với Trung Quốc và tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc”, đồng thời cho biết thêm rằng bà hy vọng nước này sẽ dần chuyển sang “mức hiệu quả kinh tế cao hơn và kết thúc năm 2023 tốt hơn”.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã gỡ bỏ các hạn chế Covid-19 vào đầu tháng 12.2022, nhưng quá trình phục hồi sẽ diễn ra thất thường và khó khăn. Quá trình mở cửa trở lại một cách nhanh chóng bất ngờ của Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng các ca nhiễm mới, gây gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe công của Trung Quốc, làm giảm sức tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Trong khi đó, bà Georgieva cho biết, nền kinh tế Mỹ đang đứng ngoài cuộc và có thể tránh được sự suy giảm hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến 1/3 nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ – Trung sẽ không hề giảm bớt khi mối quan hệ song phương không còn phụ thuộc vào ý chí đơn phương của bên nào. Trung Quốc đã và tiếp tục là đối thủ chiến lược của Mỹ dù cho Bắc Kinh có muốn hay không.
Sự tách rời và đối đầu Mỹ – Trung, cả trong thương mại và công nghệ, chắc chắn mở ra một giai đoạn mới trong quá trình toàn cầu hóa khi Mỹ nhận ra sự cần thiết của quan hệ đối tác mới với các quốc gia có cùng chí hướng. Điều này cũng tạo điều kiện cho các quốc gia nhỏ và vừa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có cơ hội tận dụng sự chuyển dịch đầu tư công nghệ cao của các nhà đầu tư từ phương Tây rời khỏi Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đồng tiền nào cũng có hai mặt, các sự chèo kéo về chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2023.
T.S. Nguyễn Thành Trung
Giảng viên Quan hệ quốc tế, ngành Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam\
(Theo Bản tin LBC Xuân 2023)