Kpop và giải trí Hàn Quốc cũng đau đầu vì “vấn nạn bông Tân Cương”

649
Các ngôi sao Trung Quốc của làng Kpop như Lay của EXO, Victoria của f(x), Yiren của Everglow, cũng như tam ca Cosmic Girls đã tỏ rõ thái độ của họ trên các tài khoản Weibo bằng tuyên bố “Tôi ủng hộ bông Tân Cương”. - Ảnh: IVisitKorea
Tiêu điểm:
Kpop và giải trí Hàn Quốc cũng đau đầu vì “vấn nạn bông Tân Cương”
Làng nhạc Kpop và ngành công nghệ giải trí Hàn Quốc đang đau đầu vì vấn đề bông Tân Cương dù hiện không bị tẩy chay như các nhãn thời trang phương Tây. Cái mà họ đau đầu và lo lắng là “sự tham gia ngày càng tích cực của các ngôi sao Kpop từ Trung Quốc trong các chiến dịch hay hành động gây tranh cãi của chính phủ Trung Quốc so với các nghệ sĩ đến từ những quốc gia khác” – theo lời phó giáo sư về văn hóa Lee Gyu-tag thuộc Đại học George Mason Korea.
Các ngôi sao Trung Quốc của làng Kpop như Lay của EXO, Victoria của f(x), Yiren của Everglow, cũng như tam ca Cosmic Girls đã tỏ rõ thái độ của họ trên các tài khoản Weibo bằng tuyên bố “Tôi ủng hộ bông Tân Cương”. Mạnh mẽ hơn như ca sĩ Jackson từ Hong Kong đang hoạt động trong nhóm GOT7 đã tuyên bố ngừng hợp tác với hãng giày Adidas hoặc Victoria chấm dứt các hợp đồng với hãng H&M…
Đây không phải là lần đầu tiên các ngôi sao Kpop quốc tịch Trung Quốc lên tiếng ủng hộ chính quyền đại lục. Trong những cuộc buổi tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm 2019, Lay, Victoria và Jackson cũng nhiều ngôi sao đã lên tiếng bênh vực cho các chính sách của chính quyền trung ương. Tương tự như vậy là năm 2016 khi họ lên tiếng phản đối các phán quyết của tòa án quốc tế về các tranh chấp biển đảo gây bất lợi cho Trung Quốc.
Phó giáo sư Lee nói động cơ của việc này rất đa dạng và nó ngày một hiện rõ trong những năm gần đây. Ông nói các hành động “yêu nước” của các nghệ sĩ Kpop có quốc tịch Trung Quốc có thể phản ánh áp lực họ đang phải đối mặt từ người hâm mộ ở Trung Quốc đại lục. “Có thể họ gặp áp lực từ người hâm mộ trong nước hoặc cũng có thể họ lo ngại sẽ bị thất thế nếu không đưa ra những tuyên bố như vậy khi mà ai cũng ủng hộ chính phủ”, vị phó giáo sư phát biểu với tờ Korea Times.
Chiến dịch ủng hộ chính phủ của một vài thần tượng Kpop cũng có thể từ nguyên nhân sâu xa khác: Các ngôi sao lo ngại về tương lai của mình khi các ban nhạc họ đang tham gia sẽ giải tán sau này. Trong nhiều trường hợp, các ban nhạc sẽ tồn tại trong nhiều năm. Một khi họ bị lãng quên, ban nhạc bị giải tán, các thành viên buộc phải lựa chọn giữa tiếp tục sự nghiệp ca hát hay theo đuổi các lĩnh vực khác như diễn viên chẳng hạn.
“Vì thế, ủng hộ các chiến dịch của chính phủ có thể giúp duy trì con đường sự nghiệp của các nghệ sĩ trẻ gốc Trung Quốc ở quê nhà của họ sau khi rời sàn diễn Kpop”, ông Lee nhận định.
Nhưng ông cũng lo ngại rằng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của các ca sĩ Kpop quốc tịch Trung Quốc có thể làm dậy sóng giới giải trí, gây chia rẽ.
“Khi làng nhạc Kpop trở thành đa quốc gia với các thành viên có các quốc tịch khác nhau – như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ và Canada, một mâu thuẫn tương tự như vậy có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng nếu Kpop tiếp tục là một phần của ngành công nghiệp ca nhạc quốc tế, một không khí rộng mở và thái độ tiếp cận cầu thị cần được khuyến khích hơn là ưu tiên những lợi ích quốc gia của một vài thành viên trong Kpop”, phó giáo sư Lee nhấn mạnh.
Nhưng để có được một bầu không khí không vẩn đục như ông Lee mô tả quả cũng khó! Bởi nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào thị trường giải trí Hàn Quốc ngày càng nhiều, và vì thế sự can thiệp của nhà đầu tư Trung Quốc là không thể tránh khỏi và ngày càng lộ rõ.
Cái chết yểu của phim truyền hình “Joseon Exorcist” (Phù thủy Joseon) của đài SBS cuối năm 2020 là sự thức tỉnh cần thiết đối với làng giải trí Hàn Quốc. Korea Times chỉ ra rằng bàn tay thô bạo của nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngừng chỉnh sửa kịch bản như bắt các nhân vật thời Joseon (1392-1910) mặc trang phục Trung Quốc, ăn các món Hoa và sử dụng kiếm Trung Quốc. Sự phản ứng giận dữ của người xem Hàn Quốc sau hai tập phim đã buộc đài SBS hủy bỏ bộ phim truyền hình này dù rằng đã quay hơn 80% các tập phim.
Korea Times cũng cảnh báo về chuyện các trang giải trí trực tuyến như WeTV hay Youku hay Taobao của Trung Quốc mua các bản quyền các phim truyền hình Hàn Quốc và trình chiếu trên các nền tảng này vì phim Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn hơn với người xem, không gây dị ứng với khán giả như khi xem phim Trung Quốc. Một khi các sản phẩm phim ảnh Hàn Quốc được trình chiếu trên các nền tảng này, nội dung có thể bị chỉnh sửa và cắt xén để chìu khẩu vị ở thị trường đại lục và những tính toán sâu xa hơn.
“Có nhiều khả năng là phim bộ Hàn Quốc có thể bị nguồn tiền Trung Quốc khuynh loát và rộng lớn hơn là chính sách kiểm duyệt của phía Trung Quốc. Hãng phim hay đài truyền hình càng nhận nhiều vốn từ Trung Quốc, cũng có nghĩa rằng họ phải đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa tự do diễn đạt đã bị hạn chế”, nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun kết luận.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,7 – 55,1 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tuần trước, chênh lệch hai đầu vẫn 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.725,1 USD/ounce, giảm 5,2 USD, tương đương 0,3% so với chốt phiên trước. Đây là phiên giảm đầu tiên trong bốn phiên gần đây của kim loại quý.
2/ Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, thức ăn gia súc nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 2/2021 đã giảm 14% so với tháng 1/2021 nhưng tăng 15,9% so với tháng 2/2020, đạt 315,23 triệu USD. Theo đó, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ ba thị trường gồm Mỹ, Ấn Độ và Hunggary đạt mức tăng trưởng ba con số với mức tăng lần lượt là 218,98%, 359,5% và 161,33%. Hiện Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn gia súc cho Việt Nam, chiếm 28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Trong khi đó, Mỹ là thị trường lớn thứ hai cung cấp thức ăn gia súc cho Việt Nam, chiếm 26% trong tổng kim ngạch.
Argentina hiện là thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn gia súc cho Việt Nam
3/ Tỉnh Bạc Liêu đã điều chỉnh phương án tăng tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng cảng cá Gành Hào. Được biết, cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải được xem như một “đòn bẩy” hiệu quả để góp phần phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh. Trước nhu cầu phát triển ngày càng mạnh của nghề khai thác đánh bắt thủy sản, khai khác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU) cảng cá Gành Hào đã không đủ đáp ứng nhu cầu và đã bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm sự phát triển của nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Dự án cảng cá Gành Hào đã được thực hiện từ năm 2017-2021, với tổng nguồn vốn 180 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng để đầu tư cho các hạng mục thủy công và ngân sách địa phương 60 tỷ đồng để đầu tư cho hạng mục trên bờ.
4/ Với tỷ lệ bình chọn đạt 68% trong chương trình Xe của năm 2021 do Otosaigon và Otofun tổ chức, VinFast Fadil đã khẳng định vị thế là mẫu xe hạng A được yêu thích nhất thị trường hiện nay. Chương trình bình chọn Xe của năm 2021 này do 2 diễn đàn xe hơi lớn nhất Việt Nam hiện nay là Otosaigon và Otofun tổ chức. Không những thế, xét trên toàn bộ những mẫu xe đề cử, VinFast Fadil cũng là sản phẩm nhận được nhiều bình chọn nhất, với 11.663 phiếu ủng hộ trên tổng số 245.440 phiếu, chiếm 4,75% tổng lượng bình chọn của cả chương trình. Sức hút của VinFast Fadil đối với khách hàng Việt đã được chứng minh bằng doanh số thực tế ngoài khuôn khổ chương trình. Trong 2 tháng đầu năm 2021, mẫu xe Việt này ghi nhận 2.836 xe bán ra, đứng đầu phân khúc.
5/ LG Electronics cho biết sẽ chấm dứt sản xuất smartphone và tìm kiếm đối tác để bán lại mảng này sau thương vụ không thành công với Vingroup. Quyết định này đã được đưa ra trong cuộc họp hội đồng quản trị của LG vào ngày 5/4. Trước đó, LG cân nhắc nhiều lựa chọn như bán lại, chia tách hoặc xoá sổ mảng kinh doanh smartphone. Nguyên nhân được đề cập là kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài. Được biết, trong nhiều năm qua, LG đã không còn lọt top thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới. Tình trạng lợi nhuận âm lên tới 4,5 tỷ USD kéo dài tới 5 năm. Các dòng sản phẩm mới ra mắt như LG Velvet và LG Wing đều không thu hút sự chú ý của người dùng và thất bại ngay khi ra mắt.
Khoảng trống thị trường, đặc biệt là ở Bắc Mỹ nơi LG chiếm thị phần 10%, sẽ được Samsung và Apple lấp đầy.
6/ Nợ hộ gia đình của Hàn Quốc đang tăng nhanh hơn so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác, đạt gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo báo cáo từ Viện Tài chính Hàn Quốc, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của nước này hiện đang ở mức 98,6% tính đến cuối tháng 6 năm ngoái. Theo đó, nợ ngắn hạn chiếm 22,8% tổng nợ hộ gia đình của Hàn Quốc, cao hơn nhiều so với 2,3% đối với Pháp, 3,2% đối với Đức, 4,5% đối với Tây Ban Nha và 11,9% đối với Anh. Hiện tại, Mỹ với tỷ lệ nợ ngắn hạn là 31,6%, đã trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có con số này cao hơn Hàn Quốc.
7/ Chính phủ Pháp đã đạt được một thỏa thuận với Ủy ban châu Âu (EC) cho phép “bơm” thêm tiền cho hãng hàng không Air France đang gặp khó khăn do tác động của các biện pháp phòng dịch Covid-19. Thỏa thuận này đạt được sau nhiều tuần đàm phán cam go giữa Pháp với EC. Theo đó, Air France, hãng có 14,3% cổ phần do Chính phủ Pháp nắm giữ, sẽ phải từ bỏ một số vị trí đậu tại Orly, sân bay lớn thứ hai của Pháp, để đổi lấy sự đồng ý của Brussels. Kế hoạch cứu trợ của Chính phủ Pháp dành cho Air France được đưa ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng do đà phục hồi kinh tế yếu hơn so với kỳ vọng.
8/ Ả-rập Xê-út đã tăng giá các lô dầu xuất cho khách hàng châu Á, tín hiệu cho thấy vương quốc này tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của khu vực. Theo đó, quyết định này đã được đưa ra sau khi Liên minh OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dầu thô lên hơn 2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 với lộ trình thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và 450.000 thùng/ngày vào tháng 7. Trong vài tháng gần đây, giá dầu xuất cho thị trường châu Á cao hơn châu Âu và Mỹ, một trong những lý do là nhu cầu năng lượng ở châu Á phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19. Được biết, Aramco, công ty dầu khí quốc gia của Ả-rập Xê-út sẽ tăng giá các loại dầu xuất sang châu Á từ 20 đến 50 cent/thùng trong tháng 5 tới.
9/ Hãng tin AFP dẫn thông tin từ chuyên gia an ninh mạng và truyền thông quốc tế cho biết dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook đã bị đăng tải trên một diễn đàn “tin tặc” trực tuyến. Theo đó, dữ liệu bị rò rỉ bao gồm tên đăng nhập Facebook, số điện thoại, họ tên, vị trí, ngày sinh, địa chỉ email, thông tin tiểu sử và các thông tin khác. Vụ việc được cho là đã làm ảnh hưởng đến hơn 32 triệu người dùng ở Mỹ, gần 20 triệu người ở Pháp, 11,5 triệu người ở Vương quốc Anh và 10 triệu người ở Nga. Tuy nhiên, theo Facebook, thì đây là dữ liệu cũ đã được báo cáo trước đó vào năm 2019 và họ đã phát hiện và khắc phục sự cố này vào tháng 8/2019.
10/ Thái Lan đang trên đà trở thành nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về sự cạnh tranh của các nước láng giềng xuất khẩu loại trái cây vua này. Theo đó, với việc gia tăng diện tích trồng sầu riêng trong nước trong thập niên qua tăng 30%, sản lượng sầu riêng của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng 83% từ năm 2021-2025. Được biết, sản lượng sầu riêng trung bình hàng năm của Thái Lan trong giai đoạn 2021-2025 được dự báo là 2,02 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với mức 1,11 triệu tấn năm ngoái. Đó sẽ là sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới. Hiện tại Thái Lan đứng thứ hai sau Indonesia, quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới với 1,2 triệu tấn mỗi năm.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Tín vật vĩnh kết đồng tâm với NTJ