Lạm phát làm lệch các tín hiệu thị trường

47

Lạm phát dẫn tới các tín hiệu thị trường bị bóp méo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giao dịch kinh tế. Nhà điều hành chính sách vĩ mô cần có bước đi phù hợp, kịp thời nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) – tại buổi Ăn trưa làm việc của LBC (Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu) hôm 21/7.

PGS-TS Pham Đức Thành tại buổi Ăn trưa làm việc của LBC hôm 21/7: “Việt Nam hiện nay đang thiếu thị trường vốn dành cho khu vực nông nghiệp và sản xuất nhỏ. Vì thế, nông dân và tiểu thương càng gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn ngân hàng”, 

Điều chỉnh để thích nghi

Theo Ngân hàng Thế giới, giá lương thực, thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, tăng mạnh từ khi Nga đưa quân vào Ukraine. Theo Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực tăng ở mức 12.6% vào tháng Hai – Ba, mức cao nhất kể từ 1990. Giá năng lượng cao là nguyên nhân chính gây lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá năng lượng ở Mỹ đã tăng 35% so với năm ngoái.

Tại Việt Nam, giá xăng trong nước bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 51,83% so cùng kỳ, giá gas tăng tới 25,92% so cùng kỳ, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (xi măng, sắt, cát…) tính trong CPI tăng 7,95% so cùng kỳ. Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% điều chỉnh từ ngày 1/7/2022.

Lạm phát gia tăng, buộc ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất chính sách. Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 0,3-1 điểm phần trăm, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2.

Trong khoảng 10 ngày từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã rút hơn 177.000 tỷ đồng khỏi các ngân hàng, thông qua phát hành tín phiếu; cùng với đó là bán ra khoảng 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, hút về hơn 230.000 tỷ đồng. Động thái giảm cung VND trên của NHNN có mục đích chính là để kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị điều chỉnh miễn, giảm hàng loạt mức thu phí, lệ phí đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận định, lạm phát sẽ bóp méo các tín hiệu thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giao dịch kinh tế. Đặc biệt là các phản ứng chính sách vĩ mô có thể gây những tác động lớn. Các chính sách tạm thời, cục bộ có thể dẫn tới những méo mó của thị trường, hoặc là tạo ra cơ hội, hoặc rủi ro cho các ngành. Nhà điều hành chủ yếu nhìn vào lạm phát lõi để điều hành chính sách tiền tệ. Chính sách vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế (chủ yếu thông qua lãi suất và tín dụng).

Ngấm đòn lạm phát

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc công ty Vina T&T Group – cho rằng lạm phát hiện tại của Việt Nam và thế giới nếu dự đoán được sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm những phương án thích nghi với tình hình mới.

Ông Tùng nói lạm phát bước đầu có những ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây, nông sản.

“Những đơn hàng của chúng tôi đi Mỹ, Úc và Canada đã chậm lại, nhu cầu của người tiêu dùng các quốc gia trên hạn chế khá nhiều. Hàng nông sản chịu ảnh hưởng như thế, những mặt hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông nói.

Trong khi đó, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, nhìn nhận thực tế. “Tôi vừa đi châu Âu về và thấy rằng, lạm phát ở đây rất cao, lên đến 8% nhưng nhiều người cho rằng thực tế còn cao hơn. Các vấn đề về nhiên liệu, năng lượng làm cho châu Âu thay đổi”.

Theo ông Thông, sản phẩm của Phúc Sinh đi vào thị trường châu Âu chiếm số lượng lớn, nên cũng ảnh hưởng bởi những yếu tố trên. Bởi khi khách hàng gặp khó khăn, bản thân họ cũng dừng lại hoặc thận trọng hơn trong việc mua hàng.

Là một doanh nghiệp lâu nay làm việc cùng người nông dân, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – dành sự quan tâm cho cuộc sống của người nông dân gắn bó với mình.

Ông Thòn nhận định lãi suất ngân hàng của Việt Nam hiện ớ mức cao. Nhưng nông dân tiếp cận với nguồn vốn rất khó, họ thậm chí vay tín dụng đen, lãi suất cao. Trong khi đó, người nông dân không biết thế nào là lạm phát, họ chỉ biết rằng giá vật tư, dịch vụ… đều tăng. Nhưng ngược lại, nông sản, lúa gạo của họ không tăng. Đầu vào tăng cao trong khi đầu ra lại không tăng nên nó tạo gánh nặng thêm cho nông dân.

Ông Thòn đặt giả thuyết, nếu lạm phát tiếp tục tăng, thì những doanh nghiệp như Lộc Trời có cách nào tham gia, hợp tác cùng nông dân được?

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng Việt Nam hiện nay đang thiếu thị trường vốn dành cho khu vực nông nghiệp và sản xuất nhỏ. Việt Nam chủ yếu là hệ thống ngân hàng mà ít có hệ thống tín dụng hoạt động.

Ông dẫn chứng rằng Nhật Bản có hệ thống tín dụng nhỏ, hoạt động y như ngân hàng, họ có thể lấy được vốn cho nông dân theo các cấp khác nhau, đi cùng với đó là hỗ trợ kỹ thuật. Nghĩa là hệ thống tín dụng cho vay sẽ hướng dẫn kỹ thuật, quy trình để nông dân, doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị với giá rẻ.

Ông cũng nêu ra một giải pháp, khi ngày nay yếu tố công nghệ giúp không chỉ nông dân mà dân đô thị có thể tiếp cận với tín dụng qua hệ thống trí tuệ nhân tạo…

“Vì nguyên tắc cho vay là phải kiểm soát được rủi ro, các ngân hàng không làm được điều này nên không cho vay, nông dân càng thêm khó. Nhưng bằng công nghệ hiện nay có thể kiểm soát bằng data, dữ liệu lớn, thông qua loạt các thông tin, hành vi của nông dân,… và cho ra hệ số điểm để thấy khả năng trả nợ của người nông dân …. Gọi là chấm điểm tin dụng”, ông Thành chia sẻ.

Phạm Dũng / BSA