Làm sản phẩm hữu cơ vào Nhật: Bài bản, đồng bộ, ghi chép tỉ mỉ

273

Hiện nay, thị trường Nhật Bản thường nhập hàng nông sản đã qua chế biến từ Việt Nam, nông sản tươi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của Nhật.

Đó là chia sẻ của bà Ino Mayu, điều phối viên chương trình “Seed to Table” tại Tọa đàm: “Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, lợi thế kết nối thị trường Nhật”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Trung tâm BSA, phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiêp và phát triển nông thôn II tổ chức vào chiều 18/3/2022 tại TPHCM.

Theo bà Ino Mayu, để đáp ứng tiêu chuẩn JAS của Nhật không quá khó. Nông dân Việt Nam chỉ cần tập trung làm bài bản, làm có quy trình đồng bộ.

“Đặc biệt, nên tập trung nâng cao công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, người Nhật đang có xu hướng tìm mua các loại hạt. Ngoài ra, họ cũng thích trái cây đóng hộp, trái cây đông lạnh của Việt Nam”, bà Ino Mayu nói.

Bà Ino Mayu, điều phối viên chương trình “Seed to Table” gắn bó với nông nghiệp Việt Nam gần 20 năm nay

Đồng tình về điều này, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT Seagull ADC cho rằng, điều quan trọng là phải ghi chép tỉ mỉ mọi thứ trong quá trình làm.

Để có được tiêu chuẩn hữu cơ JAS của thị trường Nhật Bản như hiện nay,  Seagull ADC bắt đầu với tiêu chuẩn VietGap rồi sau đó là GlobalGap, cứ thế đi lên. Trong quá trình này, phải ghi chép đầy đủ mọi thông tin của quá trình canh tác, từ bón phân, gieo hạt, trông cây vào thời gian nào…

“Chúng tôi nói không phải thuốc bảo vệ thực vật, nói không với phân hóa học… Chúng tôi tìm cách chế biến phân hữu cơ, chế biến các chế phẩm sinh học…”, ông Phong Lan chia sẻ.

Nhưng có một thực tế đáng buồn hiện nay, theo ông Phong Lan, đó là đa phần các nước, muốn trồng hữu cơ phải bỏ hoang 3 năm, còn Việt Nam là 2 năm. Nhưng người nông dân Việt Nam khó kiếm được những mảnh đất mà chưa từng canh tác hóa học ở đó.

Theo ông Trần Phong Lan, người nông dân khó làm nông nghiệp hữu cơ vì không đủ các điều kiện
Sản phẩm bí hạt đậu hữu cơ theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản

Trong khi đó, theo bà Tường Mỹ – Công ty Yoshimi (nhà phân phối hàng Việt Nam qua Nhật Bản), hầu hết mặt hàng nông sản đã qua chế biến của Việt Nam khi xuất khẩu qua Nhật Bản thường gặp tình trạng bị nhiễm khuẩn E.coli và chứa chất bảo quản.

Bà Tường Mỹ mói: “Người Nhật thích những trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít, nhãn và có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng này. Tuy nhiên, tôi lo ngại các mặt hàng này thường vướng vào chất bảo quản và nhiễm khuẩn E.coli nên chưa dám xuất  khẩu nhiều”.

Bà Tường Mỹ chia sẻ tại tọa đàm theo hình thức trực tuyến
Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Tấn Đạt, một trong số rất ít các đơn vị ở ĐBSCL có được nhiều chứng nhận hữu cơ vào các thị trường khó tính

Cũng là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long có được tiêu chuẩn organic vào nhiều thị trường, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Tấn Đạt cho hay, qua hành trình 10 năm không ngừng nỗ lực đã thu hút được 65 thành viên, với diện tích đất 100ha, hướng đến một mục tiêu duy nhất là chứng nhận hữu cơ. Hiện tại, Hợp tác xã Tấn Đạt đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng trồng lúa dựa trên tiêu chuẩn hữu cơ ở ba thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Điều đáng nói, lúa làm hữu cơ của HTX Tấn Đạt bán ra có lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Tấn Đạt còn nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường từ 200-300 sản phẩm/tháng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chuẩn hội nhập” song song cùng với danh hiệu “Hàng Việt Nam Chất lương cao – do người tiêu dùng bình chọn”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Cách đây 3 năm, Global GAP đã cấp cho Hội DNHVNCLC quyền sở hữu tiêu chuẩn Local GAP ở Việt Nam. Chúng tôi quyết định cấp lại quyền đó cho người tham gia mà không tính chi phí quyền sở hữu. Do đó, Local GAP là bước trung chuyển để mình đi từ Việt GAP ra thị trường thế giới”, bà Hạnh cho biêt.

Hiện nay, Hội DN HVNCLC đang hỗ trợ cho các HTX ở tỉnh Bến Tre và các DN khởi nghiệp làm Local GAP. Khi đã có chứng nhận này, tổ chức Global GAP sẽ cấp cho mình một mã số để các nhà bán lẻ trên thế giới tham khảo và tiếp cận sản phẩm.

Trần Quỳnh