Làm thế nào tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 quý giá vào thời điểm này?

505
Nhà sáng lập Foxconn Quách Đài Minh tuyên bố tổ chức Yonglin Foundation của ông sẽ cùng Foxconn chia sẻ chi phí 50-50 để mua 10 triệu liều vaccine Pfizer - BioNTech. Ảnh: CNA
Tiêu điểm

Làm thế nào tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 quý giá vào thời điểm này?

Tỷ phú Quách Đài Minh (Terry Gou)  tuyên bố sẽ bỏ tiền riêng cùng với ngân quỹ của tập đoàn Foxconn để mua 10 triệu liều vaccine Pfizer – BioNTech phân phối ở Đài Loan trong bối cảnh dịch đang bùng mạnh khắp hòn đảo. Người sáng lập tập đoàn Foxconn được hãng tin CNA trích dẫn hôm 27/5 rằng: “Doanh nghiệp phải phụng sự đất nước. Giải pháp thật sự cho tình thế hiện nay là có đủ nguồn vaccine cho toàn bộ người dân”.
Đài Loan từng là hình mẫu của công cuộc phòng chống dịch cho toàn thế giới, cùng với Việt Nam và Singapore. Nhưng thành lũy chống dịch của hòn đảo đã sụp đổ vì những giây phút lơ là, ngủ quên trong chiến thắng. Trong khi kiểm soát dịch ở sân bay được thực hiện nghiêm ngặt, chính quyền để lộ lỗ hổng trong phòng tuyến chống lây nhiễm trong cộng đồng. Ổ dịch từ khách sạn Novel gần sân bay Đào Viên – nơi cách ly – đã lan ra rộng ra cộng đồng.
Sau chuỗi ngày dài không có lây nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm mới đã xuất hiện cuối tháng 4 và tăng hỏa tiễn lên 300 và đạt mức hơn 700 trong vài ngày qua. Từ thờ ơ với chủng ngừa, người dân Đài Loan bắt đầu đổ xô đến bệnh viện, phòng khám nhưng số vaccine của Đài Loan chỉ có hơn 725.000 liều, chỉ đủ tiêm cho khoảng 2% số dân của hòn đảo.
Vaccine ngừa Covid-19 đã trở thành đề tài tranh luận dữ dội, “lò thuốc súng ngoại giao” khi Đài Loan cấp tập tìm nguồn vaccine. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã chỉ trích Trung Quốc đã can thiệp, ép buộc tổ hợp Pfizer-BioNTech không cung cấp cho Đài Loan. Khi Brent Christensen – Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (tương đương chức đại sứ) – dường như đổ dầu vào lửa khi tỏ ý người dân Đài Loan không nên quá kỳ vọng Đài Loan sẽ được ưu tiên trong việc cung ứng vaccine từ xứ cờ hoa. 
Ông Christensen còn biện giải rằng các tiêu chuẩn hay tiêu chí để phân phối vaccine đang được xây dựng, bao gồm mức lây nhiễm, tử lệ tử vong, khả năng xử lý của hệ thống y tế và tỷ lệ tiêm chủng. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ còn nói rằng Đài Loan sẽ sớm có nguồn vaccine tự sản xuất trong vài tháng tới. Nói nhiều, nhưng người đại diện cao nhất của Hoa Kỳ đã không đề cập đến thời điểm rõ ràng khi nào vaccine Hoa Kỳ sẽ đến Đài Loan.
Sự quanh co của ông Christensen đã khiến Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết phản đối mạnh mẽ. “Thêm 11 người chết, vẫn chưa đủ sao.  Họ sẽ đợi tình hình chúng ta như ở Ấn Độ? Tôi chỉ muốn họ thẳng thắn trả lời: ‘Khi nào chúng tôi sẽ có vaccine’…”, ông thị trưởng Đài Bắc nói với báo chí.
Trở lại với vấn đề tiếp cận nguồn vaccine ngừa Covid-19 khan hiếm.
Kênh chính phủ, kênh chính quyền địa phương, kênh doanh nghiệp hay sự kết hợp giữa hai hay toàn bộ ba kênh trên?
Khi kênh chính thức ở cấp độ chính quyền cấp cao không hiệu quả thì dường như kênh tiếp cận của giới doanh nhân hay chính quyền địa phương lại hiệu quả hơn. Như trường hợp của tỷ phú Quách Đài Minh chẳng hạn. Là nhà thầu quan trọng của Apple và có thế tiếp cận nguồn cung ứng chất bán dẫn mà cả thể giới đang nhờ cậy vài Đài Loan, tiếng nói của ông Quách sẽ có trọng lượng nhất định với Washington và giới tài phiệt ở đó.
Nhà sáng lập Foxconn không phải là ví dụ duy nhất khi kênh tư nhân hay chính quyền địa phương lại mau mắn và hiệu quả hơn khi không quá trông chờ vào chính phủ. Quyên tặng vaccine hay “tiêm không lời” đã được thực hiện ở nhiều nước Đông Nam Á.
Hồi tháng 11/2020, hơn 30 công ty tư nhân của Philippines đã ký kết một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch hiến tặng phần lớn số vaccine cho chính phủ và sử dụng phần còn lại để tiêm cho nhân viên của họ. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay số vaccine này được dự kiến sẽ được giao vào tháng 5 hoặc 6 năm nay và có thể sẽ được tiêm cho 1,5 triệu người.
Ít nhất có hai chuỗi bệnh viện của Thái Lan đã đàm phán mua vaccine và sẵn sàng tiêm cho nhân viên và người dân dù rằng hiện chính phủ Thái Lan chưa chuẩn thuận bất cứ loại vaccine ngừa Covid-19 nào.
Chuỗi bệnh viện Vibhavadi xác nhận đã đặt mua 10.000 liều vaccine từ hãng Moderna. Chủ tịch Tập đoàn y tế Thonburi Boon Vanasin nói rằng đã đàm phán mua 1 triệu liều vaccine của Sinovac. Một nửa trong số này sẽ được phối cho khoảng 40 bệnh viện trong chuỗi và tiêm cho nhân viên. Ông Vanasin nói rằng nếu chỉ trông chờ vào chính phủ thì không biết bao giờ và bao lâu thì nhân viên của Thonburi sẽ được tiêm.
Ông cũng cho biết sẽ mua thêm 9 triệu liều nữa từ Sinovac để tiêm dịch vụ với giá 3.200 baht cho hai liều. Đây là mức giá Thonburi không có lời, nhưng sẵn sàng thực hiện.

Thành phố Quezon thuộc khu vực đại đô thị Metro Manila, Philippines đã dành nguồn quỹ riêng 1 tỷ peso (hơn 20 triệu USD) để đặt mua 750.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca để tiêm miễn phí cho 320.000 cư dân của thành phố. Các thành phố khác như Valenzuela, Calootan và Malapitan ở Metro Manila và nhiều tỉnh có tiền khác cũng noi theo và đặt bút ký các hợp đồng mua vaccine của AstraZeneca với giá 10 USD mỗi liều.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) khẳng định sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam đảm bảo đầy đủ nguồn vaccine, tiếp cận bình đẳng chương trình tiêm chủng – Giám đốc điều hành Mary Tarnowka trả lời Tuổi Trẻ. Bà nói rằng nhiều doanh nghiệp thành viên AmCham nói sẵn lòng đóng góp chi phí để có vaccine cho nhân viên của họ. Một số khẳng định sẽ không “chen hàng” vào các nhóm đối tượng ưu tiên tiên chủng, trong đó có lực lượng y tế tuyến đầu. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh ý kiến của mình rằng bất kỳ đóng góp nào từ khu vực tư nhân cho công tác mua vaccine cũng đều phải kết hợp với chính phủ, để tránh trình trạng cạnh tranh giữa tư nhân và chính phủ trong lúc nguồn cung hạn chế trên toàn cầu”, bà nói.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56 – 56,4 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, mức chênh lệch vẫn giữ 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.894,2 USD/ounce, giảm nhẹ 4,6 USD/ounce, tương đương 0,24% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Theo Reuters, khả năng đợt niêm yết đầu tiên (IPO) tại Mỹ của nhà sản xuất xe hơi VinFast sẽ chậm hơn dự kiến do không chắc chắn về các quy định. Trong một tuyên bố phát đi hồi tháng 4, VinFast cho biết đang xem xét phương án IPO tại Mỹ hoặc sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Nguồn tin của Reuters cho hay, VinFast vẫn nghiêng về phương án hợp nhất với một SPAC để niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với SPAC trong thời gian qua chưa có nhiều tiến triển về các đề xuất thỏa thuận cũng như thời gian niêm yết cụ thể. Nguyên nhân là các quy định về SPAC tại Mỹ chưa chắc chắn. Do đó, thời gian niêm yết vẫn chưa được ấn định và kế hoạch của công ty có thể thay đổi. Được biết, đợt IPO của VinFast có thể huy động được ít nhất 2 tỷ USD.
3/ Ngày 27/5, tổ chức The Rice Trader đã đưa ra thông cáo báo chí về tình trạng nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam sử dụng biểu tượng thương hiệu giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” trên các bao bì mà không được công nhận, điều này sẽ dẫn đến Việt Nam mất quyền tham dự cuộc thi này. Được biết, tổ chức này đã gửi cảnh báo chính thức tới nhiều công ty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” bản quyền trên các bao bì gạo đang được kinh doanh trên thị trường. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Nếu không có giải pháp thích hợp, The Rice Trader sẽ công khai những tên công ty. Ngoài ra, tổ chức cũng đang cân nhắc vấn đề này nghiêm túc đến việc quốc gia, thậm chí có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo.
4/ Theo số liệu hải quan, chỉ trong tháng 4/2021, Việt Nam nhập khẩu gần 420.000 tấn hạt điều từ Campuchia với giá trị khoảng 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng, mức nhập lên 836.712 tấn, tương ứng khoảng 1,4 tỷ USD (4 tháng đầu năm 2020 Việt Nam chỉ nhập từ Campuchia 161.000 tấn và 4 tháng đầu năm 2019 là 152.000 tấn). Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đây là một khối lượng nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay được ghi nhận từ Campuchia, bởi số lượng 4 tháng đã vượt nhập khẩu cả năm 2020 (216.330 tấn) và cả năm 2019 (175.000 tấn). Không chỉ vậy, theo một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạt điều thuộc top 5 của Việt Nam, 840.000 tấn hạt điều Campuchia xuất sang Việt Nam đã đưa Campuchia thành quốc gia có sản lượng hạt điều lớn nhất thế giới.
Với công suất chế biến gần 2 triệu tấn mỗi năm, ngành điều Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu từ nước ngoài.
5/ Tờ Taiwan News cho biết một nhà máy ở miền Bắc Việt Nam thuộc sở hữu của Foxconn Technology Group, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể sẽ được phép hoạt động trở lại sớm nhất là vào ngày 28/5 sau khi áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 từ chính quyền. Được biết, nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đã đóng cửa từ ngày 18/5 do dịch bệnh lan rộng ở Việt Nam. Tại đây đặt dây chuyền sản xuất iPad và máy tính xách tay MacBook cho Apple. Tập đoàn Đài Loan gần đây cũng chịu ảnh hưởng ở Ấn Độ, do đại dịch. Theo quy định, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 với toàn bộ người lao động, mỗi lần cách nhau 7 ngày trong tháng đầu tiên. Những tháng tiếp theo, mỗi tháng xét nghiệm ngẫu nhiên 50% lao động trước ngày 15 hàng tháng.
6/ Chính phủ Iran mới đây đã chính thức thông báo cấm đào bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác. Được biết, giới chức Iran cho rằng chính hoạt động đào tiền mã hóa đã gây ra tình trạng mất điện tại nhiều thành phố của Iran. Quy định mới nhất của chính phủ Iran có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được duy trì cho đến ngày 22/9/2021. Như vậy, đã có thêm một chính phủ từ chối  không chấp nhận đồng tiền mã hóa này. Chính phủ Iran công bố rằng 85% hoạt động đào tiền mã hóa tại Iran được thực hiện bất hợp pháp. Đất nước 82 triệu dân này là nơi tập trung của 50 trang trại đào tiền mã hóa bất hợp pháp.
7/ Trong thời gian qua, Amazon hiện đang tăng gấp đôi nỗ lực càn quét các đánh giá giả mạo, vốn đã trở nên phổ biến trên các trang thương mại điện tử trên khắp thế giới. Họ đang nhắm mục tiêu đến những người vi phạm nghiêm trọng nhất trên nền tảng. Được biết, sản phẩm “Made in China” đang bị Amazon đưa vào tầm mắt vì nạn đánh giá sản phẩm giả mạo. Nền tảng này vốn được biết đến là có “chính sách không khoan nhượng” đối với các hành vi vi phạm, bao gồm yêu cầu bạn bè để lại đánh giá và đưa ra các biện pháp khuyến khích để đăng các đánh giá tích cực. Dù họ thường xuyên đình chỉ các gian hàng vi phạm chính sách đánh giá giả mạo, nhưng đợt càn quét gần nhất đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng ở Trung Quốc.
8/ Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, xuất khẩu nông sản của nước này sang Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 35 tỷ USD trong năm tài khóa 2021 (kết thúc vào ngày 30/9/2021), vượt qua kỷ lục 29,6 tỷ USD trước đó trong năm tài khóa 2014. USDA nhận định, con số này cao hơn 3,5 tỷ USD so với dự báo trước đó của USDA vào tháng 2, do các chuyến hàng xuất khẩu kỷ lục gồm đậu nành, ngô, hạt cây, thịt bò, lúa mỳ và các sản phẩm gia cầm tới Trung Quốc. Trung Quốc được dự báo vẫn sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ trong năm tài khóa 2021, tiếp theo là Canada và Mexico.
9/ Amazon đã tổ chức buổi họp cổ đông thường niên dưới hình thức trực tuyến do dịch Covid-19. Đây là lần cuối CEO Jeff Bezos làm chủ tọa. Ông nhấn mạnh những thành công mà Amazon đạt được trong năm trước, đồng thời thừa nhận còn nhiều thử thách đang chờ đợi. Theo đó, ông Bezos đã thông báo sẽ chính thức thôi chức CEO Amazon vào ngày 5/7. Thêm vào đó, bình luận về vụ thâu tóm studio Hollywood đứng sau loạt phim Điệp viên 007, ông Bezos cho rằng thương vụ sẽ cung cấp công cụ để Amazon thỏa mãn hơn 200 triệu thuê bao Prime, đồng thời kéo về người dùng mới. Nó cũng tăng lực cho công ty sản xuất thêm nội dung gốc, cạnh tranh với Netfix, Disney. Ông khẳng định Amazon hiện đang chịu cạnh tranh gay gắt trong mọi lĩnh vực đang hoạt động, bao gồm bán lẻ, công nghệ thông tin.
Ông Jeff Bezos sẽ thôi chức CEO Amazon vào ngày 5/7. Ảnh: Reuters
10/ Hãng gọi xe hàng đầu thế giới Uber của Mỹ đã công bố một thỏa thuận “lịch sử” với một nghiệp đoàn Anh có tên gọi GMB, đại diện cho 70.000 lái xe ở “xứ sương mù”. Theo thỏa thuận này, Uber đã chính thức công nhận một nghiệp đoàn bao gồm 620.000 thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Anh. Như vậy, các lái xe đang làm việc cho Uber ở Anh sẽ được hưởng các quyền lợi, gồm hưởng mức lương tối thiểu và được nghỉ phép có lương. Giám đốc điều hành của Uber tại châu Âu cho biết với thỏa thuận này, Uber sẽ là công ty đầu tiên trong lĩnh vực dịch vụ đặt xe đảm bảo quyền lợi cho các tài xế. Uber cũng cho biết sẽ hỗ trợ các lái xe ở Anh nếu muốn chọn đăng ký làm thành viên GMB.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Đỉnh cao sáng tạo, đột phá không ngừng với áo mưa Sơn Thủy