Làng Cựu, nơi về của những người hoài cổ

713

(Vietnamtimes)- Một buổi trưa cuối năm trời chỉ hơi hửng nắng, chúng tôi lên xe máy thong thả đến thăm làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên.

Theo lời kể của anh bạn dân kiến trúc, ngôi làng vắng vẻ cách trung tâm Hà Nội 40 cây số này rất thu hút những người hoài cổ như anh. Lắm khi anh mất hơn nửa tiếng lái xe đến đây chỉ để uống cốc chè xanh, ngắm nhìn những ngôi nhà xưa một lát rồi… về.

Nằm giữa vùng đồng quê dọc sông Nhuệ, làng Cựu quả là gây ấn tượng ngay với du khách bởi những ngôi biệt thự kiểu Pháp rêu phong. Đình làng ngõ xóm thì vẫn là phong cách Việt nhưng đa số nhà cửa đều có thiết kế cầu kỳ theo vẻ đẹp phương Tây, và tất cả đều gần trăm năm tuổi đời. Từ thời thuộc Pháp, làng Cựu đã nổi tiếng là làng thợ may “đệ nhất Hà thành”.

Những người thợ may ở đây chuyên may quần áo phục vụ cho người Pháp và giới thượng lưu ở Hà Nội. Cũng nhờ nghề này mà nhiều người dân làng giàu lên nhanh chóng, trở thành những nhà tư sản thành đạt ở Hà Nội và cả Sài Gòn. Khi về làng, họ đua nhau xây những biệt thự nguy nga, tráng lệ theo phong cách tân thời, biến làng Cựu trở thành một “làng Tây” sang trọng.

Quá trình xây dựng này diễn ra trong những năm 1920-1945. Từ năm 1945, nhiều biến cố lịch sử xảy ra dồn dập khiến chủ nhân của nhiều dinh thự bỏ làng ra đi mà không hẹn ngày về. Làng Cựu càng ngày càng trống trải và cái tên nức tiếng một thời của làng gần như bị rơi vào quên lãng.

Lối đi hẹp lát đá trăm năm tuổi

Chúng tôi bước chầm chậm trên những con ngõ nhỏ hẹp lát đá xanh rêu phong, thấy vẫn còn đó các cây cột đá treo đèn bão, đèn lồng. Lên sân thượng một ngôi nhà nhìn bao quát làng Cựu mới thấy hết những nét đẹp khác lạ của làng. Thấp thoáng trong um tùm cây cối là những ngôi biệt thự với những dãy cột hình trụ.

Những cây cau cao vút cong cong tán lá cộng hưởng thành một bức tranh quê. Biệt thự nào cũng gắn với vườn cây ao cá xanh mướt. Nhiều ngõ làng có cái tên rất lạ. Có ngõ xóm gọi là xóm Cả vì ở đó có nhiều chủ hộ là con Cả (là Trưởng họ tộc, gia đình).

Cổng nhà rêu phong

Đường làng ban trưa

Trẻ con trên đường làng

Đằng sau những bức phù điêu hình tôm hình dơi, những cánh cổng rêu phong đóng kín với những bức đại tự và câu đối là những câu chuyện thú vị. Mỗi ngôi nhà xưa có một cách thể hiện câu chữ, liễn đối, kiến trúc khác biệt.

Những bức đại tự chữ Hán như một lời nhắc nhở với gia chủ và con cháu sự hưng vượng, tâm thế gia đạo tinh thần của một gia đình dòng tộc. Biệt thự của dòng họ Trần có hai cổng gồm: Ăn chơi và làm ăn. Cổng ăn chơi đề bốn chữ Hào hoa phong nhã, cổng làm ăn đề hai chữ Phúc Hải với đôi câu đối: Phúc điền diễn tác vinh hoa lộ – Hải lượng phiên thành phú quý môn (Đường vinh hoa nhiều như ruộng canh tác, phú quý vào cửa nhà dồi dào như nước biển).

Cổng vào một ngôi biệt thự cổ

Nhà ông Xã Vinh, một nhà buôn gỗ trứ danh sở hữu một trong những biệt thự cầu kỳ nhất. Lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê tông uốn lượn, cổng được trang trí sơn thủy hữu tình. Nhà của cụ Hàn Thăng thì mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng, tòa ngang dãy dọc.

Đi chớm mỏi chân thì đến với cánh cổng khép lại làng. Cánh cổng bề thế đã phai màu theo năm tháng nhưng vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc quyển thư, mô phỏng một cuốn sách khổng lồ. Là kiến trúc cổ nhất ở làng Cựu, cổng làng còn thể hiện sự bề thế của ngôi làng thịnh vượng, trù phú với vọng các, mái ngói, bờ đao cong vút và hai đôi nghê được đắp nổi độc đáo…

Đỗ Tuấn (DNSGCT)