Làng dệt Bảy Hiền gồng mình với cảnh chợ chiều

    451

    (Vietnamtimes)- Làng dệt Bảy Hiền được hình thành từ thập niên 1960, do những người con quê dệt Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam), di cư vào Sài Gòn lập nghiệp.

    Trong những năm 70-80-90 của thế kỷ trước, làng dệt Bảy Hiền là một trong những nơi cung cấp sản lượng vải không màu nhiều nhất cả nước. Nhờ nghề truyền thống mà những gia đình xứ Quảng ở đây có thể sống sung túc, hình thành xứ Quảng giữa Sài Gòn. Không màu sắc và hoa văn, sản phẩm của làng dệt này đơn giản, mộc mạc như chính con người xứ Quảng.

    Chục năm trở lại đây, các cơ sở dệt phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, bởi không thể cạnh tranh với các công ty dệt Trung Quốc, Đài Loan với kỹ thuật hiện đại và năng suất cao hơn. Suy thoái kinh tế cũng là một nguyên nhân làm cho đầu ra của làng dệt này bị thu hẹp.

    Giới thiệu đến độc giả phóng sự ảnh của Dương Thái Tân

    Bà Nguyễn Thị Ba, 68 tuổi vừa bán toàn bộ máy dệt tuần trước vì nhà neo đơn, không ai nối nghiệp.

    Dệt khung gỗ còn khá ít, nhiều khách lạ tới đây chụp ảnh, tuần sau quay lại tiếng khung tơ đã không còn…

    Vinh năm nay 20 tuổi, quê Bình Định, chỉnh sửa từng sợi tơ trước khi dệt thành phẩm. Công việc dệt lụa đủ tạo nguồn thu nhập ổn định cho Vinh nơi phố thị.

    Anh Hồng 52 tuổi, quê Quảng Nam, chỉnh sửa sợi tơ tại máy tạo nguyên liệu thô cho máy làm ra vải thành phẩm

    Rất nhiều công đoạn của nghề dệt xứ Quảng được làm bằng tay.

    Hiếu 17 tuổi, quê Quảng Nam đang lau chùi sợi tại máy thành phẩm

    Tình hình khó khăn của thị trường và việc phải gồng mình trước cuộc cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan đã đẩy làng dệt Bảy Hiền vào cảnh ngày càng đìu hiu.

    Làng dệt truyền thống đang lâm vào cảnh chợ chiều.

    Dương Thái Tân