Lào nuôi giấc mộng bán sầu riêng sang Trung Quốc

Một sạp ven đường, bán sầu riêng trồng từ vườn nhà ở Lào. Ảnh: Beimeng Fu

Những nhà đầu tư nước ngoài đã thu hoạch mùa sầu riêng đầu tiên trên Cao nguyên Boloven. Lào hy vọng trở thành nước xuất khẩu sầu riêng mới, cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Những nhà đầu tư nhanh chân

Sáng sớm, khi sương mù Paksong chưa kịp tan, bầu Đức đã trao đổi xong công việc với các lãnh đạo trang trại ở Lào. Sau đó, ông vội đi thăm từng cây sầu riêng trĩu quả.

Năm nay, một phần của trang trại rộng 1.200 ha sầu riêng ra trái vụ đầu. Tháng 8 vừa rồi, gần 300 ha thu hoạch, ước tính khoảng 2.000 tấn, thu về cho công ty 200 tỷ đồng. Bầu Đức nói sang mùa vụ 2025-2026, con số này có thể lên hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Đức đã mời 10 chuyên gia người Thái sang Lào “ăn ngủ” cùng sầu riêng, để cây có năng suất tốt, trái đạt chất lượng cao về mùi vị, độ ngọt. Hàng năm, các chuyên gia người Thái qua Paksong để theo dõi kỹ thuật, quy trình canh tác để sầu riêng Paksong luôn đạt chất lượng cao. “Thay vì dùng thuốc diệt cỏ, công ty chọn canh tác tự nhiên, cắt cỏ hai tháng một lần để cây có dinh dưỡng từ cỏ mục và giữ độ ẩm cho đất”, ông bầu nói.

Đây là năm đầu tiên trang trại sầu riêng Paksong của bầu Đức cho trái. Những cây sầu giống Monthong trên năm tuổi được giữ lại 20-30 trái, nặng 2-4 ký mỗi trái. 

Bầu Đức là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên bỏ vốn vào ngành nông nghiệp Lào.

Vườn sầu riêng 60 ha của Hoàng Anh Gia Lai thu hoach trái vụ đầu năm 2023. Ảnh: HAGL

Doanh nhân Tao Jian từng làm nghề bất động sản ở Trung Quốc. Nhưng cuộc khủng hoảng bất động sản ở đại lục năm 2017 đã khiến Tao bỏ đi tìm cơ hội mới bên ngoài Trung Quốc. Tao muốn “đầu tư vào một cái gì đó mà cả 1,4 tỷ dân đại lục đang cần”.

Tao hiện đang dành cả ngày để vượt những con đường lầy lội đất đỏ ở Cao nguyên Boloven ở miền Nam Hạ Lào. Vườn của ông lên đến 50.000 cây (khoảng 250 ha). Boloven được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Lào” – tương tự Buôn Mê Thuột ở Việt Nam. Nhưng người dân ở đây đã không trồng cây cà phê nữa, mà chuyển sang loại trái cây mà người Trung Quốc luôn thèm muốn.

Các nhà đầu tư như bầu Đức hay Tao đang đổ xô đến để thành lập các đồn điền sầu riêng ở Lào, với mục đích xuất khẩu trái cây vua trở lại đại lục.  

Kẻ mới đến

Một công ty Trung Quốc khác tham gia vào cơn sốt sầu riêng của Lào là hãng xây dựng Jiarun. Công ty này đã cam kết thành lập đồn điền sầu riêng lớn nhất thế giới tại Attapeu, một tỉnh xa xôi ở Hạ Lào. Năm 2022, Jiarun đã ký hợp đồng thuê 5.000 ha đất trong năm 50 với chính phủ Lào. Công ty có ý định trồng cây sầu riêng trên hơn một nửa diện tích đó.

“Chúng tôi muốn kết hợp mô hình nông nghiệp của Trung Quốc với nguồn tài nguyên của Lào. Đông Nam Á hiện là vùng đất của cơ hội, không giống như Trung Quốc, nơi không gian tăng trưởng hiện đang bị hạn chế”, theo He Ruijun, 42 tuổi, phó giám đốc công ty ở Attapeu của Jiarun.

Trong khi những nhà đầu tư sớm như bầu Đức hay Tao đã thu hoạch vụ đầu tiên, những tay chơi mới như Jiarun mới bắt đầu phá rừng để trồng cây.

Khi He lần đầu tiên đặt chân đến khu rừng nhiệt đới rậm rạp, He đã sợ hãi và kinh ngạc trước cảnh rừng, âm thanh của động vật hoang dã vào ban đêm. Khi xe ủi đất của công ty tiến vào khu rừng, He đã nhìn gặp hai mẹ con voi. Hai con vật đã rời đi và không bao giờ quay lại.

Đồn điền sầu riêng của Jiarun không xa hai khu bảo tồn quốc gia, nhưng lại nằm trên một khu rừng sản xuất, có thể được sử dụng để trồng trọt và khai thác gỗ, theo Luật Lâm nghiệp của Lào.

Khoảng cách từ Paksong đến Gia Lai khoảng 413 cây số. Ảnh: Google Map

Những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại

Những cánh rừng nhiệt đới còn nguyên vẹn cuối cùng của Lào cũng là những mảnh rừng còn sót lại ở Đông Nam Á lục địa, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật. Nhưng diện tích rừng nguyên sinh ở Lào đã giảm 14% từ năm 2002 đến năm 2023, theo Global Forest Watch.

Khai thác gỗ trái phép, xây dựng cơ sở hạ tầng và nông nghiệp quy mô lớn là một trong những động lực chính của nạn phá rừng, tăng tốc lên 137.000 ha vào năm 2023 từ 93.000 ha của năm trước. Nông dân địa phương cũng đã phá rừng để nhường chỗ cho cây khoai mì, một trong những nông sản có lợi nhuận cao nhất ở đất nước này.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, Jiarun quảng bá dự án sầu riêng ở Attapeu như một sáng kiến ​​xanh và gọi cách tiếp cận của mình là “tui lin huan lin”, nghĩa là thay thế khu rừng ban đầu bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Và Jiarun không phải là người trồng sầu riêng Trung Quốc duy nhất ở Lào chào hàng “sự tái tạo rừng” này. Một công ty Hồng Kông đã thuê 5.100 ha đất gần đó vào năm 2022, với mục tiêu phát triển du lịch thân thiện với môi trường tại các vườn sầu riêng.

Nhưng các chuyên gia cho rằng các đồn điền không bao giờ có thể thay thế được những cánh rừng nguyên sinh. “Các đồn điền độc canh có vẻ giống với rừng, nhưng tính đa dạng sinh học lại thấp hơn nhiều”, Miles Kenney-Lazar, một học giả tại Đại học Melbourne, người nghiên cứu về các đồn điền ở Đông Nam Á, cho biết.

Ngoài ra, dân làng có thể mất quyền tiếp cận với thực phẩm từ rừng, chẳng hạn như nấm và măng.

Hiện giờ, Lào đang tiến hành các cuộc thảo luận với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân này. Tao hy vọng là đất nước Triệu Voi sẽ cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam và Malaysia để giành miếng bánh lớn hơn của thị trường trái cây vua.

Theo Nikkei Asia, Vnexpress, Dân Trí

Ricky Hồ / BSA Media

https://bsa.org.vn/cac-hang-dien-tu-han-quoc-cho-thue-thiet-bi-gia-dung-de-canh-tranh-voi-cac-doi-thu-trung-quoc/