Leflair “sống lại” để tận hưởng thời vàng son của thương mại điện tử Việt Nam

517
Đầu tháng 2/2020, Leflair đã thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam và vướng lùm xùm công nợ với các nhà cung cấp. Ảnh: Internet
Tiêu điểm:

Leflair “sống lại” để tận hưởng thời vàng son của thương mại điện tử Việt Nam

Trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ Leflair bất ngờ thông báo quay lại thị trường Việt Nam sau khi được sang tay qua chủ mới. Chủ sở hữu mới của Leflair là Society Pass, một công ty công nghệ từ Mỹ, khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hôm 23/6, Society Pass đã công bố quyền sở hữu đối với thương hiệu Leflair và tên miền www.leflair.com bằng việc mua lại thương hiệu này và các tài sản trí tuệ khác từ một công ty tại Hong Kong. Hãng công nghệ Mỹ dự kiến đưa Leflair ra mắt trở lại tại Việt Nam từ quý 3/2021 và mở các trang mua sắm mới tại các nước ASEAN khác trong năm 2022.
Việc Leflair quay lại thị trường Việt Nam và giữ nguyên thương hiệu cũ đặt ra hàng loạt các câu hỏi.
Đầu tiên là chuyện xử lý nợ chưa giải quyết lên đến hàng chục tỷ đồng với hơn 500 nhà cung cấp trước đây khi Leflair giải tán vào tháng 2 năm ngoái. Hai cựu sáng lập của startup hàng hiệu giá rẻ cũ đã đầu quân cho một hãng bán lẻ hàng hiệu ba tháng sau đó. Đến giờ, họ vẫn chưa có giải pháp xử lý nợ ổn thỏa nào cho các đối tác cung ứng.
Và đó chính là thách thức lớn nhất của Leflair mới. Bởi khó có thể tìm được nhà cung ứng có uy tín và họ có tin được Leflair mới hay không, nhất là giai đoạn mọi đồng vốn được doanh nghiệp quản lý chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn trong giai đoạn khó hiện tại.
Kế đến là chuyện cạnh tranh với các trang thương mại điện tử khác đang phát triển mạnh, các doanh nghiệp thời trang, nữ trang, mỹ phẩm khác cùng “đế chế” hàng hiệu của ông Johnathan Hạnh Nguyễn khi các doanh nghiệp này đã cải tổ, có cả offline lẫn online.
Báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” do hãng Adsota phát hành đầu tháng 6 vừa rồi đã nhận định: thương mại điện tử đang bước vào thời kỳ vàng son.
Báo cáo đã chỉ ra rằng lượng người dùng mới từ các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng ngạc nhiên là có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng thương mại điện tử này, kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.
Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam được cho là đang nhanh chóng trở thành “miếng bánh hấp dẫn” hàng đầu cho thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.
Quay trở lại với câu hỏi tương lai của Leflair mới. Điều rõ ràng là nhà đầu tư mới thật sự muốn khai thác dữ liệu khách hàng của Leflair cũ và tương lai vàng son của thương mại điện tử tại Việt Nam – như báo cáo của Adsota nhấn mạnh.
Nhưng Leflair phải thoát khỏi cái xác sống (zombie) là hình ảnh còn tồn đọng trong tâm trí của nhà cung ứng và người tiêu dùng. Chỉ cần gõ Leflair trên công cụ tìm kiếm Google, Leflair không xuất hiện với ý nghĩa “thanh lịch, tinh tế” trong tiếng Pháp mà là các cụm từ “Leflair đóng cửa”, “Leflair lừa đảo” và “Leflair bán hàng không uy tín”…
Di sản số từ Leflair cũ khó mà tẩy rửa nếu như các nhà đầu tư và quản lý mới của Lefliar mới phớt lờ những hệ quả xoay quanh câu chuyện “đồng tiền đi liền khúc ruột” giữa mùa dịch.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,45 – 57 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch hai đầu giảm còn 550.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.779,9 USD/ounce, giảm 3,5 USD, tương đương 0,2% so với chốt phiên trước.
2/ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa có báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo của các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới hiện nay. Trong đó, đơn vị này dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam giảm khoảng 100.000 tấn so với dự báo trước đó, đạt 6,3 triệu tấn năm 2021. Còn các báo cáo thống kê ở trong nước cho thấy, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang sụt giảm. Nếu như hồi tháng 4/2021, USDA đưa ra báo cáo dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam cả năm 2021 sẽ đạt 6,4 triệu tấn, thì trong báo cáo tháng 5/2021, USDA dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 đạt 6,3 triệu tấn, tức giảm 100.000 tấn so với con số được đưa ra cách đó một tháng. Ngoài hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong báo cáo tháng 5/2021, USDA cũng hạ dự báo của Ấn Độ và Mỹ xuống lần lượt 800.000 và 50.000 tấn so với con số đưa ra ở tháng trước đó, còn 15 và 3 triệu tấn cho năm 2021.
USDA dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đạt 6,3 triệu tấn trong dự báo đưa ra vào tháng 5-2021. Ảnh: TBKTSG
3/ Hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đã được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đưa đến Frankfurt, Đức để bán cho Việt kiều sinh sống tại thành phố này. Điều được chú ý là lần đầu tiên nông sản  được xuất khẩu sang liên minh châu Âu qua kênh thương mại điện tử do doanh nghiệp Việt Nam vận hành. Để có thể vận hành luồng hàng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, sàn TMĐT Vỏ Sò của Công ty Viettel Post đã xây dựng gian hàng Vỏ Sò Global từ tháng 3 vừa qua. Gian hàng quốc tế này là nơi để người tiêu dùng tại nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều có thể tìm mua các sản phẩm chất lượng có xuất xứ Việt Nam. Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và châu Âu.
4/ Theo bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu giá trị BrandZ 2021 của Kantar, Amazon đã tiếp tục giữ vững vị trí số 1 năm thứ 3 liên tiếp. Vị thế vững vàng của các tập đoàn công nghệ và sự bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp Trung Quốc là 2 điểm nhấn từ bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới năm 2021. Theo Kantar, tổng giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 42% trong năm 2020, đạt mức 7.100 tỷ USD. Các thương hiệu của Mỹ vẫn chiếm ưu thế lớn trong danh sách này, khi đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm qua và thâu tóm hầu hết vị trí trong top 10. Trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2021, có sự xuất hiện của 13 thương hiệu mới, bao gồm sự xuất hiện lần đầu tiên của các hãng công nghệ.
5/ Lệnh cấm thức ăn chăn nuôi làm từ xác động vật sẽ được dỡ bỏ ở EU. Mục tiêu của liên minh là giải quyết vấn đề cạnh tranh với các nước ngoài EU. Sự thay đổi đối với các quy định sẽ có hiệu lực vào tháng 8/2021 sau khi nỗ lực cuối cùng của liên minh các nghị viên trong nghị viện châu Âu, do nhóm Greens dẫn đầu, đã không thể hủy bỏ chính sách này vào ngày 22/6. Trước đó, vào năm 1994, việc sử dụng protein động vật đã qua chế biến (PAP) từ động vật có vú trong thức ăn của gia súc và cừu bị EU cấm ngặt do sợ hãi căn bệnh bò điên. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều áp lực ngày càng tăng thúc đẩy EU phải suy nghĩ lại về lệnh cấm này.
6/ Vừa qua, sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên và lâu đời nhất của Trung Quốc BTCChina đã tuyên bố hoàn toàn rút khỏi hoạt động kinh doanh tiền ảo để đáp lại các chính sách trong nước. Theo đó, cổ phần của BTCChina đầu tư năm 2019 trên sàn giao dịch tiền điện tử ZG.COM của Singapore đã được mua lại bởi một nền tảng mã hóa ở Dubai, mặc dù các điều khoản chi tiết của thỏa thuận chưa được tiết lộ. Trước đó, nhiều mỏ khai thác Bitcoin ở Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc – một trong những cơ sở khai thác tiền ảo lớn nhất nước này đã bị đóng cửa ngày 20/6, sau khi chính quyền địa phương ra lệnh ngừng khai thác Bitcoin tại đây. Lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc hơn 90% công suất khai thác Bitcoin tại Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động.
7/ Hiệp hội bất động sản Mỹ công bố giá nhà đang sử dụng trung bình tại Mỹ tháng 5/2021 tăng vượt mức 350.000USD lần đầu tiên. Mức giá này cao hơn 24% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng chênh so với cùng kỳ cao nhất tính từ năm 1999. Theo đó, giá nhà tại Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua do tình trạng thiếu nguồn cung bất động sản và chi phí lãi vay thấp không khỏi khiến cho nhu cầu tăng cao. Tính từ mùa hè năm ngoái khi mà các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch Covid-19 được nới lỏng, nhiều người muốn mua nhà có không gian lớn hơn, giá bán nhà đã tăng chóng mặt. Ngoài ra, nhiều người làm việc ở nhà trong thời gian dài đã tận dụng cơ hội để chuyển đến sống ở những thành phố bớt đắt đỏ hơn.
Doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ tháng 5/2021 đã giảm 0,9% so với tháng 4/2021. Ảnh: BizLive
8/ Theo Báo cáo tài sản toàn cầu của Viện nghiên cứu Credit Suisse, giá trị tài sản của các gia đình tại Trung Quốc sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn gấp ba lần so với Mỹ trong 5 năm tới. Sự gia tăng giá trị tài sản của các gia đình Trung Quốc chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán và giá nhà ở nước này tăng, và Trung Quốc kiểm soát tốt dịch tốt hơn. Trong quý 1/2021, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhu cầu trong nước và nước ngoài mạnh đã tạo đà cho sự phục hồi từ cơ sở thấp vào đầu năm 2020. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đã tăng lên 136.900 tỷ USD trong quý 1/2021, tăng 3,8% so với cuối năm 2020, phần lớn nhờ đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán.
9/ Mới đây, Cục Hàng không Liên bang Mỹ thông báo các sân bay trên khắp cả nước sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gói cứu trợ 8 tỷ USD nhằm giúp các sân bay này phục hồi sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phần lớn số tiền trên (khoảng 6,5 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho các sân bay lớn, có dịch vụ hàng không thương mại, dựa trên số lượng hành khách trên máy bay, còn số tiền 800 triệu USD khác sẽ được dành để hỗ trợ chi phí thuê vị trí của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống và bán lẻ trong nhà ga. Các sân bay sẽ phải duy trì ít nhất 90% lực lượng lao động mà họ có trước khi đại dịch bùng phát để có thể nhận được khoản hỗ trợ tài chính, sẽ do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xử lý. Hội đồng Sân bay Quốc tế-Bắc Mỹ dự báo gần 500 sân bay thương mại ở Mỹ sẽ mất hơn 40 tỷ USD vì đại dịch vào tháng 3/2022.
10/ Tờ The Guardian của Anh dẫn số liệu trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu thường niên của Tập đoàn Credit Suisse cho biết, việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp và các biện pháp kích thích của chính phủ đã mang lại lợi ích to lớn cho những người cần ít sự hỗ trợ của nhà nước, giúp tài sản của họ gia tăng, bất chấp suy thoái kinh tế. Theo đó, thế giới đã có thêm 5,2 triệu người trở thành triệu phú trong năm 2020 nhờ thu lợi từ giá cổ phiếu và giá nhà tăng cao. Theo The Guardian, lần đầu tiên trong lịch sử, các triệu phú USD chiếm hơn 1% dân số toàn cầu. Các số liệu cho thấy đã có 56,1 triệu người có tài sản trị giá hơn 1 triệu USD vào năm 2020.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Robot hỗ trợ canh tác nông nghiệp