Lithium giữ giá cao, các kim loại khác để sản xuất pin xe điện bị giảm giá nhẹ

143
Các xe Model 3 của hãng Tesla chuẩn bị xuất xưởng ở Thượng Hải. Giá các nguyên liệu kim loại chủ yếu trong sản xuất pin xe điện đang duy trì ở mức cao khi thế giới chuyển dần từ xe chạy xăng sang các loại xe ít phát thải hơn. Ảnh: Reuters

Giá các kim loại quan trọng được sử dụng trong pin xe điện phân hóa theo hai chiều khác nhau. Trong khi giá lithium giữ vững do nhu cầu tăng nhanh và nguồn cung thắt chặt,  thì giá nickel và cobalt bắt đầu giảm khi không còn được chuộng tại Trung Quốc – thị trường xe điện chủ yếu trên toàn cầu.

Tất cả các vật liệu này đều được sử dụng làm cực âm. Các thành phần này chiếm khoảng 40% giá thành của pin, trong khi đó pin chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất xe điện.

Lithium chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành pin xe điện. Theo Argus Media, giá tiêu chuẩn cho lithium carbonate là khoảng 470.000 nhân dân tệ (70.000 đô la Mỹ) mỗi tấn trong tuần này. Dù giá đã giảm 6% so với mức đỉnh vào giữa tháng 3-2022, nhưng vẫn tăng 70% so với cuối năm 2021 và gần với mức cao nhất trong dữ liệu từ năm 2016.

Trong khi đó, giá nickel tăng “khiêm tốn” chỉ 8% trong cùng thời gian. Hợp đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) có giá 22.499 đô la/tấn trong tuần rồi, giảm 53% so với mức đỉnh gần đây nhất hôm 7-3 khi sàn LME hỗn loạn, giá tăng vọt sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Cobalt đạt đỉnh vào tháng 5 và trượt giá vào tháng 6, và hiện ở mức khoảng 32 đô la/pound, tức giảm 5% so với cuối năm ngoái.

Sự tăng giảm khác biệt một phần là do sự thay đổi trong công nghệ pin. Trụ cột chính hiện nay trong hầu hết ngành công nghiệp xe hơi là pin NMC (nickel, manganese, cobalt) cho phép xe chạy khoảng cách dài hơn. Hiện Tesla và các hãng xe điện khác đang sử dụng loại pin này.

Nhưng pin LFP (lithium, iron, phosphate – công thức LiFePO4) gần đây đã chỗ đứng vững hơn, với việc sản xuất đang tăng nhanh ở Trung Quốc – thị trường chiếm một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu. FePO4 có giá rẻ hơn nickel và cobalt. Yếu tố về giá đã thu hút các hãng xe Trung Quốc hướng tới pin LFP  khi giá loại xe điện phổ biến chạy pin NMC tăng vọt.

Pin LFP có giá thấp hơn khoảng 20% ​​so với pin NMC và được xem là có độ an toàn cao hơn. Theo một chuyên gia về kim loại pin của một hãng buôn kim loại, pin LFP được sử dụng trong gần 60% xe điện bán tại Trung Quốc. Tesla đang dần chuyển sang pin LFP cho mẫu xe Model 3 chính của hãng.

Theo South China Morning Post, hãng xe điện BYD của Trung Quốc đã “lật đổ” ngôi vị quán quân của Tesla để trở thành hãng xe điện có số xe điện bán nhiều nhất trong sáu tháng đầu năm 2022. BYD đã bán được 641.000 xe mới, bao gồm loại xe hỗn hợp hybrid và xe điện, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái – theo hồ sơ của BYD nộp Sở giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến hôm 5-7. Trong khi đó, hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk chỉ bán được 564.000 xe trong nửa đầu năm nay, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Goldman Sachs dự đoán rằng pin LFP sẽ chiếm gần 40% thị trường vào năm 2030, so với mức dưới 30% hiện nay.

Việc rời xa pin NMC sẽ làm lu mờ triển vọng về nhu cầu nickel và cobalt trong ngành công nghiệp xe điện. “Bất kể xu hướng pin thay đổi như thế nào, nhu cầu đối với lithium có vẻ vẫn cao và giá sẽ ổn định”, theo lời chuyên gia Junichi Tomono thuộc hãng kinh doanh kim loại Hanwa ở Nhật Bản.

Sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 3, giá lithium đã không giảm mạnh như nickel và cobalt. Nguồn: Argus Media

Có sự khác biệt về phía cung cấp. Nguồn cung lithium dường như vẫn còn khan hiếm. Các mỏ khai thác ở Úc và các nơi khác đóng cửa khi thị trường suy yếu và chậm đáp ứng nhu cầu hồi phục. Sản xuất dự kiến sẽ không tăng cho đến năm tới 2023 hoặc trễ hơn.

Tinh chế lithium ở Trung Quốc cũng là điểm nghẽn khác. Dù Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế về sử dụng điện trong sản xuất công nghiệp, nhưng nhiều nhà quan sát thị trường không hy vọng tình trạng thiếu hụt nguồn cung lithium sẽ được giải quyết trong thời điểm hiện tại và tương lai ngắn hạn.

Sự phục hồi có vẻ chắc chắn hơn đối với nickel và cobalt. Nickel tăng vọt trong tháng 3 theo các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga – một nhà xuất khẩu chính. Indonesia dự kiến đẩy mạnh khai thác quặng nickel và tương tự là cobalt ở Congo – hai yếu tố làm giảm sự căng kéo của nguồn cung. Mặt khác, giá nickel cũng bị làn sóng rút lui của các nhà đầu cơ khỏi thị trường kim loại màu trấn áp, đặc biệt trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất dồn dập ở Mỹ khiến nhà đầu tư co cụm trước các rủi ro của thị trường đầu cơ kim loại.

Tìm nguồn cung ứng lithium đã trở thành một ưu tiên chính trong cạnh tranh của ngành xe điện các nước. Úc, Trung Quốc, Chile và Argentina sản xuất hơn 90% lượng lithium trên thế giới. Trong khi nhiều nhà sản xuất pin Trung Quốc có cổ phần trong các mỏ lithium, chỉ một số ít công ty Nhật Bản làm được, bao gồm Toyota Tsusho và Hanwa.

Các nhà sản xuất pin Nhật Bản thay vào đó phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, mặc dù giá tăng và đồng yen suy yếu đã khiến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu trở nên khó khăn hơn.

Ricky Hồ / BSA

Các nước ASEAN hỗ trợ tiền mặt giúp người nghèo chống chọi bão giá