Lương Thanh Hạnh người làm sống lại lụa đũi trăm năm

163
Lương Thanh Hạnh tại Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo lần 8 năm 2022, do Trung tâm BSA tổ chức.
Từ khát khao cháy bỏng của cô gái cựu hướng dẫn viên du lịch 8X muốn vực dậy làng nghề truyền thống tuổi đời hơn trăm năm, mong muốn đem đến cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn, Lương Thanh Hạnh đã cho ra đời Hanhsilk ở Thái Bình, đưa những sản phẩm thủ công từ lụa đũi tơ tằm, 100% tự nhiên đến với những người yêu lụa, với bạn bè quốc tế.
Niềm đam mê lụa đũi của nữ hướng dẫn viên 8X
“Mỗi tấm lụa đều là kết quả của một quá trình dài nghiên cứu, chọn lọc và tuần hoàn. Từ vùng trồng dâu nuôi tằm đạt chuẩn Organic, nuôi giống tằm được chọn lọc tốt nhất, tới những nghệ nhân kéo sợi tơ trong nước lạnh không quản mùa đông giá rét đến những nghệ nhân dệt đũi tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết đã tạo nên những tấm vải lụa tơ tằm thượng hạng. Cuối cùng những tấm vải lụa tơ tằm này đến tay nhà thiết kế và tạo ra hàng nghìn sản phẩm từ tơ lụa độc đáo”. Đây là chia sẻ của Lương Thanh Hạnh tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo lần 8 năm 2022, do Trung tâm BSA tổ chức. Thanh Hạnh còn cho biết, chính sự ủng hộ và tin tưởng của quý khách trong và ngoài nước đã thổi vào Hanhsilk một ngọn lửa đam mê, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tơ lụa Việt Nam.
Sinh ra tại Thanh Hoá, theo ngành du lịch, sau đó Thanh Hạnh trụ lại Hà Nội với công việc trang trí nội thất, tập trung vào sản phẩm rèm cửa. Năm 2012, từ yêu cầu của khách hàng về việc sử dụng chất liệu lụa để làm rèm cửa, bọc sofa, chăn, ra, gối, nệm… Thanh Hạnh nhớ đến những chị em ở làng dệt lụa đũi Nam Cao, nơi cô gái sinh năm 1985 này từng dẫn du khách đến tham quan. Đây chính là cơ duyên lớn nhất giúp Thanh Hạnh đến với lụa đũi Nam Cao, thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk và gắn bó với bà con, các nghệ nhân dệt tơ tằm trong suốt 10 năm qua.
Làng dệt đũi Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tuổi đời hơn 100, nhưng các nghệ nhân chỉ biết dệt thô, chưa ai sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh để thương mại hoá. Việc bán cho ai, thị trường như thế nào thì hầu như chưa ai biết, quan tâm thực hiện. Thanh Hạnh kể lại.
Thành lập HTX – Kéo nghệ nhân trở lại nghề truyền thống
Năm 2016, Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao được Lương Thanh Hạnh thành lập với 30 thành viên. Đây là tiền đề để khoảng 90 hộ dân của xã Nam Cao quay lại với nghề dệt, cung cấp lụa đũi cho hợp tác xã, đồng thời dần mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất – cung ứng khép kín. Hoạt động của HTX dựa trên tiêu chuẩn hệ sinh thái tuần hoàn từ quy trình trồng dâu, nuôi tằm, dệt thành vải, sản xuất ra các sản phẩm hoàn chỉnh, xây dựng thương hiệu và có giá trị cao.
Thương hiệu Hanhsilk với những sản phẩm từ lụa – đũi thủ công đã mang đến cho khách hàng chuỗi giá trị cung ứng, sản phẩm chất lượng, độc đáo. Hạnh cho biết, Nam Cao là địa danh rất tiềm năng khi sản phẩm vải đũi ứng dụng được nhiều sản phẩm trong đời sống bình thường như cái khăn mặt, mỗi năm cung cấp cho thị trường 50 nghìn chiếc. Vậy thì người nào cũng có thể chạm vào được chất liệu lụa đũi, ai cũng có thể chạm vào được. Tuy nhiên, chất liệu này chỉ có ở Việt Nam và trên thế giới hoàn toàn không thể có.

Những sản phẩm từ lụa – đũi thủ công của Hanhsilk.

Khát vọng tạo nên con đường tơ lụa riêng
Chia sẻ về mục tiêu, Thanh Hạnh cho biết, điều Hanhsilk nhắm đến từ khi thành lập là khôi phục các làng nghề truyền thống dệt vải từ tơ tằm trên khắp các tỉnh thành, kết hợp sản xuất các sản phẩm từ tơ lụa mang tinh hoa văn hóa Việt, đưa thương hiệu lụa đũi Việt đi ra thế giới. Ngoài ra, dự án còn mong muốn phát triển các tour du lịch cộng đồng thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế từ nghề dệt đũi.
Hiện, doanh nghiệp chúng tôi đã hợp tác, khôi phục những làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất tại 13 tỉnh thành. Vùng trồng dâu nuôi tằm được mở rộng ở Thái Bình với diện tích 300ha, Yên Bái 50ha, Thanh Hóa 100ha, Gia Lai 60ha. Các cơ sở dệt sợi được đặt tại các địa phương như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai. Riêng việc thiết kế, gia công tạo nên sản phẩm, Hanhsilk tạo dựng được cơ sở tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Đồng Nai. Thanh Hạnh chia sẻ.
Qua trò chuyện, dễ nhận thấy, khát vọng của Lương Thanh Hạnh là tạo nên con đường tơ lụa riêng, mang thương hiệu lụa Việt vươn ra thế giới. Hiện 80% sản phẩm đã có mặt ở thị trường quốc tế thông qua hệ thống phân phối tại các quốc gia như: Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan, …
Trong thời gian tới, Hanhsilk sẽ tập trung ứng dụng máy móc, công nghệ trong nghiên cứu giống, kỹ thuật nuôi con tằm, kỹ thuật dệt may, nghiên cứu phát triển sản phẩm từ các chuyên gia để có thể lai tạo ra giống và kỹ thuật chăm nuôi, qua đó tạo ra giống tằm sinh trưởng và phát triển tốt nhất để tạo ra những sợi tơ chất lượng cao hơn, sản lượng tốt hơn.
Với tiêu chí “Xanh” từ khâu sản xuất cho đến tay người tiêu dùng, lụa đũi của Thanh Hạnh luôn đảm bảo các yếu tố như: không sử dụng hóa chất; vải thừa, vải vụn lụa đều được tận dụng và làm đồ phụ kiện trang trí. Dự án mở ra đã tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các làng nghề truyền thống, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ riêng HTX Lụa đũi Nam Cao do Thanh Hạnh phụ trách đã có đến hơn 200 người được hỗ trợ, có công ăn việc làm. Có thể thấy, Hanhsilk đã thổi hồn tinh hoa văn hóa Việt lên từng góc gấm lụa cao cấp, tinh xảo, góp phần tạo dấu ấn đẹp về văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)