Màng bảo quản sinh học giúp nông sản Việt đi xa

    294
    Túi bảo quản GreenMap giúp trái cây và nông sản tươi lâu hơn, không dễ bị hư thối.
    Doanh nghiệp từ lâu vẫn canh cánh nỗi lo trái cây xuất khẩu bị trả hàng về khi vừa tới cảng nhập khẩu. Chỉ khi hàng được nhận suôn sẻ vì vẫn còn giữ được độ tươi ngon, họ mới yên tâm. Từ tháng 6 này, các giải pháp mới về bảo quản và đóng gói của công ty Sancopack tại TP.HCM giúp các doanh nghiệp quẳng bớt gánh lo.
    Gian nan xuất khẩu
    Đường xuất khẩu đến các thị trường châu Âu và Mỹ kéo dài nhiều ngày đòi hỏi phải có công nghệ bảo quản hạn chế sự hô hấp và thoát ẩm, kéo dài đời sống sau thu hoạch của trái cây trong nhiều ngày. Quan trọng hơn, công nghệ này phải  diệt được vi sinh gây bệnh và nấm mốc trên rau quả, hạn chế tối đa sự mất nước và ngăn chặn không cho vi sinh vật có hại và nấm mốc xâm nhập trở lại – theo Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM.
    Muốn kéo dài thời gian bảo quản và đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu tốt thì doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình. Ngoài thu hái đúng thời điểm và đúng phương pháp, họ còn phải xử lý nấm, vi sinh vật và ethylene cùng đóng gói và bảo quản ở điều kiện thích hợp.
    Từ năm 2001 khi còn là một nhân viên trong công ty Giao nhận Quốc tế Sao Nam (Sancopack), ông Phạm Quốc Bảo đã nhận thấy bao bì đóng gói không đúng quy chuẩn đã ảnh hưởng đến uy tín của nhà xuất khẩu Việt Nam. Trong quá trình làm việc, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều chủ hàng và hầu hết họ đều gặp khó khăn trong khâu đóng gói và bảo quản hàng hóa. Trong khi việc vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
    Khâu bảo quản và đóng gói không phù hợp đã gây ra nhiều tổn thất không đáng có như hàng hóa bị ẩm mốc, hoen rỉ, đổ vỡ hay hư hỏng do thời tiết. Chính vì vậy hàng hóa của Việt Nam luôn bị đánh giá thấp trên thị trường thế giới, thấp hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
    Ông Bảo nói rất đau lòng khi chứng kiến cảnh hàng lô nông sản Việt Nam bị tiêu hủy do bị trả về, không còn đảm bảo độ tươi và chất lượng của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, nông sản tươi còn gặp cảnh được mùa mất giá, khi xuất tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc bị thương lái ép giá vì đã héo khi ra đến biên giới. Nông sản cũng dễ bị hỏng nên nếu không bán liền cho họ trong vòng 1- 2 ngày thì phải đổ bỏ.
    Lô vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đầu tiên do công ty Pacific Foods xuất
    sang EU bằng đường hàng không hôm 15/6. Ảnh: Lê Minh
    Bắt tay với nhà khoa học và chuỗi cung ứng
    Thấy được điểm yếu của người làm xuất khẩu, ông Bảo đã đề xuất công ty mở thêm dịch vụ tư vấn và cung cấp các giải pháp bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ những năm 2010. Đây là mảng mới ít công ty chú ý vào lúc đó nên ban giám đốc công ty cũng e ngại. Vì vậy, ông Bảo đã mạnh dạn bỏ tất cả số tiền dành dụm sau 10 năm đi làm để mua cổ phần công ty và tham gia quản trị. Đó cũng là thời điểm thương hiệu Sancopack ra đời và sản phẩm của họ được thị trường đón nhận ngay tức thì.
    Đây là thành quả của việc liên kết các doanh nghiệp khác nhau trong lĩnh vực công nghiệp. Ông Bảo đã tìm đến các nhà khoa học để kết hợp nghiên cứu công nghệ xử lý nấm và vi sinh. Cụ thể, là liên kết giữa doanh nghiệp Sancopack và các nhà khoa học để tìm giải pháp kéo dài thời gian bảo quản cũng như đảm bảo chất lượng và giá trị dinh dưỡng cho nông sản.
    Ông Bảo nói ông được hỗ trợ rất lớn từ các giáo sư tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Trung tâm KHCN TP.HCM, Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản. Bên cạnh đó, Sancopack cũng làm việc với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và các phòng lab trên thế giới như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Mỹ.
    Chuỗi cung ứng nông sản cũng đồng hành cùng các phát minh mới. Nhiều nhà xuất khẩu nông sản đã sẵn sàng thử nghiệm, ứng dụng các giải pháp và đóng góp ý kiến để Sancopack hoàn thiện hơn bộ giải pháp của công ty.
    Công ty xuất nhập khẩu Hòa Lộc Song Kim ở Tiền Giang áp dụng trên trái xoài xuất khẩu đi Nga. Lô hàng này đi bằng đường biển đến Moscow mà vẫn giữ được độ tươi sau 40 ngày. Trái thanh long của công ty Cao Thành Phát từ Bình Thuận đi Canada vẫn tươi mới trong 45 ngày. Công ty Trường Phúc ở Đà Lạt xuất khẩu xà lách lô lô đi Hàn Quốc vẫn tươi nguyên sau 15 ngày.
    Mở rộng đường vào các thị trường khó tính
    Đầu tháng 6, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Tiếp theo đó là vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang cũng lên đường chinh phục 27 quốc gia khó tính có khoảng 430 triệu dân này. Theo số liệu của Bộ Công thương, EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA.
    Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nông sản sang khu vực châu Âu đạt 1,72 tỷ USD. Nhưng với hàng rau quả, mỗi năm châu Âu nhập 35 tỷ euro, từ Việt Nam xuất sang chỉ khoảng 130 triệu euro/năm. Còn rất nhiều dư địa từ thị trường này cần khai thác.
    Hiện EU chiếm 11,8% thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu của nông sản Việt gồm: châu Á chiếm 54,4%, châu Mỹ 32,2%, châu Đại dương: 1,8% và châu Phi: 1,5%.
    Thị trường châu Âu chỉ yêu cầu giấy kiểm dịch theo các lô hàng rau củ quả và áp dụng hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Còn thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu đánh giá rủi ro  cao hơn. Họ cử các đoàn chuyên gia sang tận Việt Nam để giám sát kiểm dịch đối với từng lô hàng xuất khẩu, trong đó có khâu đóng gói.
    Việc sáng chế ra các sản phẩm bảo quản trái cây xuất khẩu tươi lâu hơn và an toàn hơn sẽ giúp sức khai thông đường vào EU và các thị trường khó tính khác. 
    Đầu tháng 6 này, một số sản phẩm bảo quản trái cây đã được giới thiệu tại Sở Khoa học công nghệ TP.HCM. Trong đó, có màng Natacoat bảo vệ nông sản và ức chế sự tăng trưởng của nhiều loại nấm khác nhau. Màng Natacoat được điều chế với natamycin chiết xuất trong dung dịch mủ cao su, liên kết với ergosterol trên các màng tế bào nấm mốc và nấm men giết chết nấm men và nấm mốc. Dung dịch pha loãng Natacoat phủ một lớp màng giống như sáp trên quả để kéo dài khả năng chống nấm mà còn ngăn ngừa khả năng mất nước ở nông sản khi xử lý sau thu hoạch. Chất lỏng gốc nước chứa acid hypochlorous, susaco rửa rau quả, thực phẩm, thịt, thủy hải sản… có tác dụng diệt khuẩn hữu hiệu và ngay lập tức đối với nhiều loại vi trùng, vi khuẩn và các loại nấm mốc, nấm men. Màng bao gói khí quyển biến đổi (modified atmosphere packaging – MAP), được sử dụng sau giai đoạn xử lý nấm và vi sinh vật. Đây là túi GreenMAP dùng để bao bọc rau quả trong vật liệu chắn khí.
    Mỹ Huyền (Theo TGHN)
    Mưu sinh mùa giãn cách