Mekong Connect 2020: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với KHCN và ĐMST

206
Bí thư Bến Tre Phan Văn Mãi (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu tại Mekong Connect 2020

Từ 13g30 đế 16g30 ngày 21/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2020, cùng lúc tại 4 hội trường Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp, đã diễn ra 4 phiên thảo luận của 4 tỉnh ABCD Mekong. 4 chủ đề khác nhau, nhưng tất cả đều rất sát với ĐBSCL. Theo đó: An Giang: “Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp – góc nhìn từ OCOP”.  Bến Tre: “Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Cần Thơ: “Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL”. Đồng Tháp: “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”
Phiên thảo luận của Bến Tre với 6 diễn giả, đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự. Về hình thức, có 6 bài tham luận được trình bày, nhưng thực chất, đó là 6 nghiên cứu chuyên sâu. Mặc dù từ những vị trí công tác, với nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng có một điểm đến hết sức quan trọng mà tất cả các diễn giả đều đặt ra, đó là: “Xây dựng – phát triển thương hiệu – đổi mới sáng tạo – ứng dụng KHCN – gắn với thị trường”.
Theo cách đặt vấn đề đó, một chiến lược thương hiệu đúng hướng là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong nước cũng như quốc tế, giúp doanh nghiệp ghi được dấu ấn trong tâm trí khách hàng, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Và hãy bắt đầu từ “Sở hữu trí tuệ”, PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ KHCN kêu gọị.
Đó là thứ tài sản lớn nhất của DN,  của địa phương và cao ơn nữa là của quốc gia. Mục đích không chỉ để đề phòng ăn cắp mà còn bảo vệ chúng ta không bị kiện ngược. Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, chỉ thêm: Sở hữu trí tuệ là cách hữu hiệu tạo ra hình ảnh, gía trị, uy tính, giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm. Đó là con đường tạo ra thương hiệu.
“Thương hiệu là làm sao cho cái hiệu được thương”, ông Khuê nói vui nhưng rất thực tế!
Ông Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre, từ thực tế “lăn lộn” của mình đã cho biết: “Thương hiệu là yếu tố góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp nâng cao văn minh thương mại và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh…”.
Cùng quan điểm đó, bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, khẳng định: “Khi xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tạo ra nhiều lợi thế về thị trường, mà còn tạo ra lợi thế về phân phối sản phẩm, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình…”
Ông Trần Giang Khuê cũng chỉ ra: Gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu chính là việc đảm bảo giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Điều này không ai có thể làm thay cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
“Liên quan đến định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, tỉnh cần hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của tỉnh để đăng ký ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ sử dụng thương hiệu này (với tên riêng của công ty) để đưa sản phẩm đặc sản của tỉnh ra thị trường quốc tế ngày một tốt hơn”, bà Trương Thị Cẩm Hồng kiến nghị.

Bên cạnh “thương hiệu” tất cả các bài tham luận đều đặt ra câu chuyện trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển và hội nhập thì phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN. Và PGS.TS Phạm Xuân Đà đã đúc kết: “Phải nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển KHCN, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu cao đối với thị trường quốc tế”.

B.S.A