Mekong Connect – Connect cho Mekong!

36
Mekong Connect 2022.
Ra đời vào năm 2005, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) sau đó có thêm TP.HCM – Mekong Connect với sự tham gia tổ chức của Hội DN HVNCLC – là Diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất vùng, dành cho: doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia…
Mekong Connect được bảo trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau 7 lần diễn ra, Mekong Connect 2022 vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ đã có những điểm mới ấn tượng: Diễn đàn thể hiện mối quan tâm lớn tới vấn đề “phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam. Diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp ĐBSCL… Đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect 2022 và bản thân mỗi thành viên trong mạng lưới liên kết có thể dựa trên đó đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động, mỗi dự án cụ thể, hiệu quả. Không chỉ các tỉnh thành, mà ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã nêu rõ:
Ủy viên bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực quốc hội Trần Thanh Mẫn: Liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng

Ủy viên bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tôi đánh giá cao Diễn đàn năm nay với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Đây là nội dung được nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đặc biệt quan tâm. Thực hiện tốt được yêu cầu này sẽ tạo động lực, đưa kinh tế xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá sau đại dịch Covid-19.
Vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Tôi hy vọng, từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng và đang đầu tư, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương và đặc biệt thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.
Tôi tin tưởng rằng, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP.HCM và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần “Cả nước vì ĐBSCL – ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết vùng với việc tham gia của TP.HCM. Trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng, Diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần “liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng”.

MEKONG CONNECT QUA CÁC LẦN TỔ CHỨC

2022: “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”

2021: “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới”

2020: “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”

2019: “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường”

2017: “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”

2016: “Tìm cơ trong nguy”

2015: “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Dự án trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

An Giang duy trì 200 ngàn ha đất trồng lúa, trong đó, phát triển 100 ngàn ha chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết với doanh nghiệp; phục hồi, phát triển các vùng sản xuất lúa đặc sản; sản xuất lúa giống quy mô khoảng 25 ngàn đến 30 ngàn ha. UBND tỉnh An Giang đã ban hành “Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản, góp phần đưa gạo Việt trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới… Để đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và có sức cạnh tranh cao, thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, tỉnh An Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư và xác định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp An Giang trong thời gian tới…
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre: dự án tuyến động lực ven biển

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre.

Nhận thấy tiềm năng từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL là rất lớn. Do đó, Bến Tre không chỉ phát triển kinh tế theo trục truyền thống QL1 đi về Bến Tre qua QL60, QL57 mà mong muốn mở ra tuyến mới là tuyến động lực ven biển. Cùng với 28 tỉnh thành ven biển, Bến Tre mong muốn kết nối vào trục đường ven biển của cả nước; đặc biệt là từ TP.HCM về Bến Tre tới Kiên Giang dài hơn 700km hiện chưa được xây dựng. Ba dự án kết nối liên vùng có tổng vốn 24.600 tỷ đồng, bao gồm: 1/ Dự án Tuyến động lực ven biển tỉnh Bến Tre, kết nối giữa các tỉnh Bến Tre – Tiền Giang – Trà Vinh. 2/ Dự án cầu Đình Khao bắc qua sông Cổ Chiên kết nối tuyến đường bộ Bến Tre – Vĩnh Long. 3/ Dự án cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền cùng tuyến đường bộ 17 km kết nối giữa tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tạo hành lang kinh tế song song với Quốc lộ 60, Quốc lộ 57 với các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.

8 BIÊN BẢN THỎA THUẬN ĐƯỢC KÝ KẾT, MỞ RA NHỮNG HOẠT ĐỘNG MỚI

1. Bốn tỉnh ABCD Mekong, TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), ký kết về phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp – nông nghiệp đổi mới sáng tạo của bốn tỉnh ABCD Mekong và TP.HCM trong năm 2023.

2. Công ty Cổ phần Vinamit (TP.HCM), Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Công ty Rynan Technologies (Trà Vinh), Công ty cổ phần Cơ khí Bùi Văn Ngọ (TP.HCM), Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức (Đồng Tháp) và nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với đại diện là Trung tâm Tư vấn khởi nghiệp Đại học Cần Thơ, ký kết hợp tác xây dựng Trung tâm R&D – Chế biến (sản xuất thử) nông sản – thực phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và SME Việt Nam.

3. Bộ Khoa học – Công nghệ và Hội Doanh nghiệp HVNCLC ký kết thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

4. Sài Gòn Co.op và Hội DN HVNCLC ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình “Bàn Ăn Xanh”.

5. Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM ký kết với các tỉnh ABCD về “Hợp tác xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu bền vững”.

6. Công ty Cổ phần Ba Huân (TP.HCM) ký kết với tỉnh An Giang.

7. Công ty TNHH San Hà (TP.HCM) ký kết với Công ty Mekong Agri (Đồng Tháp).

8. Sàn TMĐT Tiki ký hợp tác với Sở Công Thương 4 tỉnh ABCD Mekong.

Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ: dự án trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL
Mục tiêu chung của dự án là hình thành “Một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với ba nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm. Trung tâm được hình thành bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp về sản xuất, thương mại, dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ khác doanh nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Dự án “một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư”

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp và An Giang là hai tỉnh láng giềng có vị trí ở thượng nguồn sông Mê Kông, là trung tâm kinh tế thương mại giữa ba thành phố lớn: TP.HCM, TP. Cần Thơ và Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, cửa ngõ giao thương lâu đời giữa vùng ĐBSCL. Nên đã “bắt tay” xây dựng dự án này. Đây sẽ là bước mở đầu cho các hoạt động hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như: Hợp tác phát triển liên kết, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Hợp tác đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho các tỉnh trong vùng; Hợp tác phát triển quy hoạch, chính sách, đầu tư khu vực biên giới; Hợp tác phát triển logistics, công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại; Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, OCOP; đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác phát triển du lịch, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường…
Ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc liên hiệp HTX thương mại TP.HCM – Saigon co.op: Dự án Bàn Ăn Xanh – liên kết bền vững để nâng cao tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng

Ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc liên hiệp HTX thương mại TP.HCM – Saigon co.op.

Năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu người tiêu dùng thay đổi từ ăn no sang ăn an toàn, thực tế cho thấy chứng nhận cho các sản phẩm vẫn đang là một khoảng trống. Việc đưa sản phẩm an toàn ra thị trường và thu phục được sự tin cậy của người tiêu dùng là việc làm thiết thực đem lại lợi ích cho cả xã hội. Trước tình hình đó, Saigon Co.op đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao xây dựng Dự án nâng cao tiêu chuẩn nông sản – thực phẩm với tên Bàn Ăn Xanh. Đây là sáng kiến nhằm xây dựng chuỗi liên kết, kết hợp giữa Nhà sản xuất – Nhà kỹ thuật – Nhà phân phối – Nhà nước với mục đích đảm bảo sự an toàn và nâng cao chất lượng thực phẩm các bữa ăn hàng ngày cho mỗi gia đình Việt. Mục tiêu của Dự án Bàn Ăn Xanh nhằm xây dựng mối liên hệ chặt chẽ và bền vững giữa Người tiêu dùng – Nhà phân phối – mà trước hết là phục vụ cho chính nhu cầu hàng ngày của người Việt Nam. Nhà sản xuất dựa trên lòng tin và kiến thức chuyên gia về an toàn sản phẩm trong tiêu dùng. Với TP.HCM, đây còn là một nỗ lực liên kết với các tỉnh ĐBSCL theo mô hình hợp tác công tư, xâu chuỗi và thúc đẩy việc nâng cao và duy trì tiêu chuẩn của nông đặc sản đồng bằng, một cách thống nhất và đồng bộ từ khâu canh tác, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đến khâu sản xuất chế biến an toàn, và thông qua kênh tiêu thụ tiếp cận đến thị trường…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang.

Thời gian qua các tỉnh thuộc mạng lưới liên kết vùng ABCD Mekong và TP.HCM đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, nhiều sáng kiến đã được thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực và Diễn đàn Mekong Connect triển khai trong suốt thời gian qua là một ví dụ điển hình. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi luôn đồng hành cùng các địa phương trong vùng cũng như ủng hộ tích cực tối đa chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng trong thời gian tới. Để tiếp tục phát huy những thành quả, khắc phục những hạn chế, khó khăn, qua đây tôi xin đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng. Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL…
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao: Connect là định mệnh của Mekong?
Một điều lạ, suốt 7 cuộc tụ họp định kỳ hàng năm Mekong Connect – từ 2015 đến nay – của những anh tài (nông dân, doanh nhân, chính quyền, chuyên gia, báo chí…) nhiều năm qua, không có ai thắc mắc, sao ở miệt vườn với ruộng như ĐBSCL này mà lại đặt cái tên “tây” như vậy mà lại… cũng không ai thắc mắc gì? Phải chăng, tự thân, Mekong gắn với Connect, Mekong là Connect. Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng có lần phát biểu: Lấy danh nghĩa một tỉnh đồng bằng đi ra thị trường thế giới, đâu ai biết tỉnh đó là ai, nhưng nói Mekong là người ta biết hết hình dung được ngay. Nên Mekong là một thương hiệu lớn, thương hiệu chung cần luôn bồi đắp. Đàn sếu khởi nghiệp từ đồng bằng rất sôi nổi ý chí tiên phong nhưng cũng phải bay cả đàn, có con trước con sau nhưng phải “bay cùng nhau” mới bay được xa và bền vững.
Một tỉnh thành nào đó của đồng bằng mong muốn vượt lên làm người dẫn đầu, rồi cũng phải có đàn sếu cùng bay, phải bay cùng cả bầy mới thành đàn và mới xác lập vai trò người dẫn đầu. Mekong Connect vì thế phải vững cánh bay từ những cánh chim sáng lập 7 năm trước và phải ngày càng vững khi có thêm những cánh chim mới nhập đàn để bay cùng nhau thật xa và bền vững!
NHỮNG ĐIỂM NHẤN TẠI MEKONG CONNECT 2022
2 PHIÊN THẢO LUẬN CHUNG VỀ CHỦ ĐỀ: KHCN, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Phiên 1: Làm thế nào để ứng dụng KHCN và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế.
Phiên 2: Chuẩn bị nguồn nhân lực KHCN cho kinh tế ĐBSCL.
4 NHÓM THẢO LUẬN ĐỒNG THỜI VỚI 4 CHUYÊN ĐỀ DO CÁC TỈNH THÀNH CHỦ TRÌ
1 – An Giang: Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu.
2 – Bến Tre: Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn.
3 – TP. Cần Thơ và TP.HCM: Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế.
4 – Đồng Tháp: Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm.
NGÀY HỘI KHỞI NGHIỆP – PHIÊN CHỢ KHỞI NGHIỆP XANH
Đây là điểm mới thứ ba tại sự kiện. Năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể… trên cả nước, chương trình Mekong Connect 2022 đến lúc tổ chức thêm “diễn đàn” liên kết này, trong đó dành liên tiếp hai ngày cho “Ngày Hội khởi nghiệp và Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh”. Đây là không gian lớn nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng qui mô, phát hiện các cơ hội thị trường, cũng như nâng cao năng lực thị. Có 5 loại hình hoạt động thực chiến trong khuôn khổ Ngày Hội khởi nghiệp – Phiên chợ Khởi nghiệp Xanh: 1/Tư vấn – Giao lưu. 2/Bán hàng. 3/Thảo luận – hội thảo. 4/Matching (kết nối doanh nghiệp với nhà mua hàng trong nước và quốc tế). 5/Study tour – tham quan học tập các mô hình, doanh nghiệp tiêu biểu.