Mô hình mới, chứng nhận lạ để mở cửa thị trường

47
Các hoạt động tham quan và trải nghiệm cho khách hàng tại Sokfarm.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những lộ trình từng bước, cụ thể, nhằm đưa doanh nghiệp, sản phẩm hoặc mô hình sản xuất kinh doanh của mình đạt được những chứng nhận mới của quốc tế.
Những chứng nhận “lạ” này giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng những nhu cầu “thời thượng” của khách hàng trong nước và quốc tế.
Từ trứng gà nhân đạo…
Hai năm qua, Vĩnh Thành Đạt đã xây dựng và đạt được tiêu chuẩn trứng gà theo tiêu chuẩn nhân đạo. Hiện khá ít các trang trại Việt Nam đạt tiêu chuẩn này.
Dự án chăn nuôi gà theo chuẩn nhân đạo của Vĩnh Thành Đạt được triển khai từ năm 2020 – 2021. Đây là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng nhận chăn nuôi theo chuẩn nhân đạo toàn cầu do tổ chức HFAC (Human Farm Animal Care) cấp, có sự đồng hành của tổ chức quốc tế về phúc lợi động vật Humane Society International Vietnam (HSI).
Gà nuôi theo giấy chứng nhận này được thoát khỏi những chiếc lồng chật hẹp, được cung cấp một nguồn thức ăn đầy đủ dưỡng chất, không chứa kháng sinh, không chứa đạm động vật, ngoại trừ động vật nhuyễn thể. Ngoài thức ăn thì nước uống sạch và gà phải được sống trong môi trường thoải mái, gần gũi với những tập tính tự nhiên của gà, có sào đậu, có ổ đẻ, có nền trấu để bươi móc thức ăn…

Tại trang trại của Vĩnh Thành Đạt, gà được nuôi trong không gian rộng rãi, có sào đậu theo đúng tập tính của loài này.

Sau hơn một năm kể từ khi sản phẩm được bán ra thị trường, trứng gà nhân đạo của Vĩnh Thành Đạt được nhiều khách hàng quan tâm. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt, cho biết lượng trứng nhân đạo bán tại các siêu thị đang tăng lên.
Các công ty bánh kẹo lớn, sản phẩm hướng tới thị trường nội địa và xuất khẩu đang chuyển sang sử dụng trứng gà nhân đạo làm nguyên liệu chế biến. Ông Thiện cho biết nhiều nước trên thế giới dần ưu tiên và bắt buộc các sản phẩm bánh phải được sử dụng nguyên liệu trứng gà nuôi theo chuẩn nhân đạo. “Vì thế, các hãng bánh kẹo đối tác bắt đầu sử dụng loại trứng này để sản xuất bánh bán trong nước và dự kiến sẽ xuất khẩu sang các nước có yêu cầu về loại trứng này”.
Các khách sạn 5 sao trong nước cũng có kế hoạch chuyển đổi sử dụng sản phẩm trứng gà nhân đạo từ năm 2023 và dự kiến chuyển đổi 100% vào năm 2025. Đây là cơ hội rộng mở cho trứng gà nhân đạo của Vĩnh Thành Đạt. Hiện doanh nghiệp đang nuôi 6.000 gà đẻ trứng nhân đạo. Theo HSI, từ tháng 10 vừa rồi, Sofitel Saigon Plaza thuộc tập đoàn Accor đã chuyển đổi sang sử dụng 100% trứng gà nhân đạo.
Theo thống kê của tổ chức HSI, hiện có hơn 30 doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn đa quốc gia đang có chính sách cam kết chỉ mua và bán trứng gà cage-free. Có thể kể HealthyFarm, khách sạn Fusion Hà Nội, chuỗi nhà hàng Pizza4P’s. Đầu tháng 12/2022, hãng bánh kẹo Mondelez Kinh Đô Việt Nam công bố sản phẩm mới – bánh bông lan kem bơ sữa Solite Nature Fresh sử dụng 100% trứng từ gà chăn nuôi theo tiêu chuẩn nhân đạo.

Trứng gà nhân đạo được người dân và doanh nghiệp đón nhận rộng rãi hơn.

Cà phê thương mại công bằng
Chứng nhận Fair Trade được sử dụng ở khoảng 50 quốc gia trên hàng ngàn sản phẩm và nhiều quốc gia có trồng cà phê. Mục đích của chứng nhận là cải thiện mức sống thông qua thương mại bình đẳng. Chương trình Fair Trade khuyến khích các quốc gia nhập khẩu cà phê phải trả cao hơn giá tiêu chuẩn của  thị trường cho cà phê với mục tiêu đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng nhằm nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc và vị thế thị trường của nông dân.
Hiện nay có hơn 20 sáng kiến dán nhãn Thương mại công bằng hoạt động tại 21 quốc gia, tạo nên thị trường lớn cho các sản phẩm Thương mại công bằng. Có trên 240 hợp tác xã tại 26 quốc gia châu Phi, châu Á, và Mỹ La-tinh sản xuất cà phê có chứng nhận Thương mại công bằng.
Năm 2018, ở Việt Nam có 52 doanh nghiệp Thương mại công bằng, trong đó lĩnh vực cà phê chiếm nhiều nhất với gần 20 đơn vị, tiếp theo là thủ công mỹ nghệ (9 doanh nghiệp), hạt (8), trà (6 ), ca cao (3)… Việc tham gia vào hệ thống thương mại công bằng cà phê toàn cầu là điều các hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam đang hướng đến.
Hiện trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có nhiều HTX, tổ hợp tác được tổ chức Thương mại công bằng thế giới cấp chứng chỉ Fair Trade, như HTX Thành Đạt, HTX ca cao Ea Kar, Tổ hợp tác Krong No, HTX Công bằng Thuận An…
Ông Nguyễn Hữu Hạ – Giám đốc HTX nông nghiệp Công bằng Thuận An cho biết, nhờ sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường “khó tính”. Doanh thu năm 2021 của HTX đạt 30 tỷ đồng, với khoảng 200 tấn cà phê xuất khẩu.
“Nhờ tham gia vào hệ thống Fair Trade nên những năm qua, HTX đã có thêm được nguồn thu từ Quỹ phúc lợi công bằng rất lớn, tương đương 440 USD/tấn, đem về cho thành viên HTX mức lợi nhuận 7,9 tỷ đồng. Với số tiền quỹ này, đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước cho HTX, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên và cộng đồng”, ông Hạ nói.
Mô hình trang trại “xanh” của Sokfarm
Trà Vinh là tỉnh giáp biển, hàng năm đối mặt với biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng ngập mặn. Có nhiều điểm ngập mặn xâm nhập gần 100km tính từ bờ biển vào. Trong đó, những vùng dừa khi ngập mặn cao, trái dừa bị teo nhỏ, bị rụng. Trong điều kiện ngập mặn, cây dừa vẫn cho hoa, nhưng trái thì không hiệu quả, làm giảm giá trị kinh tế của người nông dân.
Trong các mô hình kinh tế thích ứng với việc ngập mặn về cây dừa, Công Ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) của CEO Phạm Đình Ngãi có những chuyển đổi “sáng tạo”, đi theo cách riêng là trồng dừa thu hoa để lấy mật. Mô hình này giúp các nông hộ tăng giá trị kinh tế từ 3 -5 lần so với thu trái dừa khi tạo ra được nhiều sản phẩm đặc sắc vùng miền. Đặc biệt hơn, giúp người nông dân giữ lại cây dừa trên mảnh đất của họ, vì ngoài giá trị kinh tế cây dừa còn giúp bảo vệ người nông dân, chống gió, chống bão và giảm sói mòn đất.
Cuối năm 2021, Sokfarm là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm). Giải thưởng này được định nghĩa là ngành nghề trồng dừa thu mật phù hợp ở những vùng nông thôn và giúp cho sự phát triển đồng đều từ kinh tế, môi trường, kế sinh nhai, ngành nghề truyền thống, biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển của người tiêu dùng. Do đó, vùng nguyên liệu của Sokfarm được mở dần theo các huyện giáp biển. Nơi có những vườn dừa của nông dân bị ngập mặn sẽ được chuyển đổi sang hướng thu mật, giúp tăng giá trị kinh tế địa phương.

Thu mật từ hoa dừa mang lại thu nhập khá hơn cho cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh.

Phạm Đình Ngãi cho biết, với nghề thu mật này, những người nông dân thuộc nhóm lao động yếu thế dễ dàng cùng tham gia chuỗi kinh tế với Sokfarm, chỉ cần có 20 cây dừa họ có thể thu nhập được 6 triệu đồng/tháng. Theo Phạm Đình Ngãi, mỗi hecta trồng dừa thu mật, nông hộ có thể thu nhập từ 35 – 50 triệu đồng/tháng. Có được điều này do Sokfarm đã đưa khoa học công nghệ, chế biến sâu vào sản xuất, định vị thị trường và định giá bán sản phẩm, tạo ra một chuỗi giá trị công bằng từ người tiêu dùng đến nhà thương mại, nhà sản xuất và nông dân trồng dừa.
Hiện nay, ở Sokfarm 100% nhân sự đều là người Trà Vinh, trong đó có tới 80% là người Khmer với tỉ lệ 70% là nữ giới. Điều đáng mừng hiện nay, theo Phạm Đình Ngãi, việc canh tác và sản xuất hữu cơ đang giúp nông dân có sức khoẻ tốt hơn, ý thức canh tác cây trồng thuần tự nhiên được cải thiện dần trong quá trình hợp tác với Sokfarm.
Thu mật hoa dừa của người Khmer ở Trà Vinh giống như nghề lấy mật cây thốt nốt ở An Giang. Sokfarm chỉ như cầu nối khôi phục lại ngành nghề truyền thống của địa phương.
Ngãi nói mô hình kinh doanh của Sokfarm là một định nghĩa về kinh tế tuần hoàn, khi thông qua làm kinh tế đã tái sinh lại giá trị cho vùng dừa ngập mặn và tái sinh lại ngành nghề truyền thống địa phương.
Hiện những sản phẩm từ mật hoa dừa của Sokfarm được đánh giá có vị đường ngọt lành tự nhiên, ít calories, chỉ số đường huyết thấp và giàu khoáng chất.
“Đây là giải pháp tạo ngọt mà nhiều khách hàng đang tìm kiếm để thay thế đường công nghiệp hoặc mật ong. Nên xu hướng tiêu dùng này sẽ càng ngày càng phát triển”, Ngãi khẳng định.
Bài và ảnh Trần Quỳnh (theo TGHN)