Lão Tử có câu “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Khởi nghiệp là một hành trình vạn dặm. Nhưng nó không bắt đầu từ bước chân của bạn. Nó bắt đầu từ nhu cầu của người khác, của cộng đồng, của xã hội!
Tôi trân trọng cảm ơn chị Vũ Kim Anh – Phó giám đốc Trung tâm BSA – đã mời tôi chia sẻ về những trải nghiệm sau thời gian gắn bó và 2 lần làm giám khảo vòng chung kết cho cuộc thi Khởi nghiệp xanh năm 2018 và 2022, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp do Trung tâm BSA và các doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì triển khai.
Những dự án khởi nghiệp được chọn vào vòng chung kết mà tôi làm giám khảo đều có những ý tưởng mới và giải pháp độc đáo. Các doanh nhân trẻ này đã sản xuất thành công những sản phẩm từ nông sản bản địa để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, của đất nước và con người. Đáng trân trọng hơn, họ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người trong quê làng có được cuộc sống ổn định và ấm no hơn. Tuy nhiên sau vài năm hoạt động, có vài doanh nghiệp khởi nghiệp dự thi đã không thành công trên thương trường như mong đợi mặc dù với tất cả cố gắng và nhiệt huyết từ những người sáng lập.
Trong lúc ngồi tại bàn giám khảo hay đi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, tôi hỏi và được nghe những doanh nhân khởi nghiệp trẻ dự thi chia sẻ những câu chuyện về ý tưởng và hành trình khởi nghiệp của họ. Tôi rất đồng cảm vì những câu chuyện khởi nghiệp này cũng không khác gì mấy với những câu chuyện khởi nghiệp của cá nhân tôi. Khởi nghiệp là một hành trình bắt đầu từ sự tự chủ bản thân, đến thành lập một doanh nghiệp vì mục tiêu có lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và đóng góp vào sự phát triển đời sống xã hội tốt đẹp hơn cho mọi người.
Lão Tử có câu “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Khởi nghiệp là một hành trình vạn dặm. Nhưng nó không bắt đầu từ bước chân của bạn. Nó bắt đầu từ nhu cầu của người khác, của cộng đồng, của xã hội. Tình cờ hay cố ý trong khoảnh khắc nào đó, bạn ngộ ra được nhu cầu bức thiết của mọi người xung quanh ở thời điểm hiện tại, những ngày sắp tới hay tương lai xa hơn. Lúc đó, lòng bạn sẽ nung nấu ước mơ giúp mọi người giải quyết nhu cầu ấy. Xin chào bạn! Vì tư duy của bạn đã bước vào quy trình khởi nghiệp – quy trình biến đổi từ ý tưởng thành sản phẩm được cộng đồng và xã hội tin dùng, tiến tới độc quyền nắm giữ thị trường, phát triển sự nghiệp kinh doanh bền vững.
Trong cộng đồng khởi nghiệp, bạn thường nghe những lời khuyên “phải nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, thay đổi nhanh…” hoặc những lời cảnh báo để tránh thất bại “khởi nghiệp phải khác biệt, không có công thức thành công chung…”. Với tôi, những người khởi nghiệp thì không bao giờ thất bại, chỉ có những khó khăn và thách thức trước mặt để vượt qua với tâm huyết đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và đất nước.
Hơn 25 năm thăng trầm trên thương trường, thành công nhiều và chưa có lần thất bại, tôi đã đúc kết thành quy trình khởi nghiệp với 3 giai đoạn, bao gồm (1) nhận diện cơ hội và có ý tưởng khởi nghiệp, (2) xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp, và (3) phát triển bền vững. Trong mỗi giai đoạn, tôi lại chia thành 3 đến 4 bước nhỏ theo mô hình bên dưới.
Khác với những vận động viên marathon phải vượt qua những mốc tham chiếu được ban tổ chức đặt sẵn trên lộ trình chạy đọ sức, người khởi nghiệp phải suy ngẫm và tự đặt những mốc tham chiếu để cố gắng đạt được trong hành trình khởi nghiệp của mình. Những bước nhỏ trong quy trình khởi nghiệp này là những mốc tham chiếu để giúp bạn hình dung rõ ràng hơn cho con đường phải đi phía trước, những gì cần phải làm trên hành trình phục vụ xã hội đầy cam go và thách thức nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, viên mãn và ý nghĩa.
Bước đầu tiên trong quy trình khởi nghiệp, bạn cần phải xác định và phân loại được nhu cầu là của con người, của đất nước hay của cộng đồng. Vì độ lớn của thị trường khác nhau và giảm dần theo thứ tự này. Bạn cần có ý tưởng mới và giải pháp đột phá để làm ra những sản phẩm hoàn toàn mới, đáp ứng được nhu cầu mà mình đã xác định thay vì tập trung sao chép những sản phẩm đang bán chạy trên thị trường. Ông bà mình có câu “muốn nhanh thì phải từ từ”, bạn cần có thời gian chuẩn bị, tích lũy vốn liếng, tạo quan hệ với nhà cung cấp và những khách hàng tiềm năng, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những người khởi nghiệp thành công đi trước. Thời gian chuẩn bị này đôi khi kéo dài đến 2 năm.
Nếu đủ tự tin, nên xin nghỉ việc nơi bạn đang đi làm, đăng ký thành lập doanh nghiệp và bắt đầu phát triển sản phẩm từ ý tưởng của mình. Bạn nên nhớ “Thành công thì không bao giờ làm lén được!”. Đây là khoảng thời gian rất hạnh phúc vì bạn đang trải nghiệm ý tưởng trong đầu óc mình dần trở thành hiện thực với những sản phẩm có thể sờ mó được. Bạn nên đưa những sản phẩm vừa tạo ra được này để người thân mình trải nghiệm và dùng thử. Tiếp thu những ý kiến phản hồi từ họ. Khi sản phẩm của bạn làm ra được những người thân sẵn sàng bỏ tiền ra để mua, thì đây là lúc bạn có thể bắt đầu bán ra thị trường.
Khi có doanh thu và lợi nhuận, bạn có chọn lựa gọi thêm vốn để “tăng trưởng nóng” hay tiếp tục tự tăng trưởng dần. Bạn nên nhớ, những nhà đầu tư rót vốn vào thì bạn mất dần quyền kiểm soát doanh nghiệp của bạn. Nếu quyết định gọi vốn để tăng trưởng nóng, bạn nên chuẩn bị kế hoạch để mua lại cổ phần của những nhà đầu tư này hay chuẩn bị lên sàn chứng khoán trong thời gian 5 năm.
Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, bạn phải xây dựng được cơ chế độc quyền với hàng rào sở hữu trí tuệ từ những bản quyền sáng chế mà bạn nên đăng ký trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là cách rẻ tiền nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ của bạn phát triển dài lâu. Tôi hy vọng quy trình khởi nghiệp này sẽ giúp các bạn đang trên hành trình khởi nghiệp hoặc có ý định khởi nghiệp có xác suất thành công cao hơn.
Chúc các bạn may mắn.
TS Nguyễn Thanh Mỹ
Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, Chủ tịch CLB LBC
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)