Mỹ giữ vững vị trí bạn hàng lớn nhất của nông sản Việt

322
Chuyên viên chiếu xạ nông sản của Hoa Kỳ tại TP. HCM
Tiêu điểm:
Mỹ giữ vững vị trí bạn hàng lớn nhất của nông sản Việt
Mỹ lại tiếp tục vượt Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản xuất khẩu Việt Nam với kim ngạch 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm hơn 33% thị phần. Đó là sự thay đổi lớn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam – theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc. Trong hai tháng qua, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần.
Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 606 triệu USD, tăng 25,2%, chiếm 9,82%, là khách hàng đứng thứ ba của nông sản Việt.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm nay của cả nước ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. 
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cao su đạt khoảng 516 triệu USD (tăng 9,9%); chè đạt 29 triệu USD (tăng 11,1%); hạt điều đạt 442 triệu USD (tăng 21,5%), rau quả khoảng 610 triệu USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,44 tỷ USD (tăng 51,0%); mây, tre, cói thảm đạt 128 triệu USD (tăng 43,0%).
Bộ NN&PTNT nói rằng thời gian tới hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường xuất khẩu sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan tới các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong các FTAs phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp; triển khai các hoạt động tăng cường xuất khẩu thanh long, chanh leo từ Việt Nam tới các thị trường quốc tế.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 55,90 – 56,30 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.749,3 USD/ounce, tăng 13,7 USD/ounce, tương đương 0,79% so với chốt phiên trước.
2/ Trong hai tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 25,1% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong tháng Hai, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng đều giảm do trùng với kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, tuy nhiên lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm của nhiều mặt hàng tăng so với cùng kỳ. Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ 2020, chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tiếp đến là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15,1% so với cung kỳ, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt giữ vị trí thứ 3 và thứ tư.
Sau hai tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TP. HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 8 tỷ USD
3/ Theo Tổng cục Thống kê, dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2 giảm nhưng sự tăng trưởng về vốn đăng ký, cùng tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giảm là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong tháng 2/2021 (Tết Nguyên đán), cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký 56,9 ngàn người, giảm 20,3% về số doanh nghiệp, tăng 15,9% về vốn đăng ký và giảm 50,9% về số lao động so với tháng 1/2021. Bên cạnh đó, còn có hơn 11 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2021 lên 29,2 ngàn doanh nghiệp.
4/ Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào hiệu lực, kim ngạch song phương giữa hai nước có sự bứt phá ngoạn mục vào tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Theo đó, trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78.57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực. Bộ Công Thương khẳng định, với những cam kết cắt giảm thuế suất lên đến 99% theo lộ trình cùng tính chất tiếp nối, Hiệp định UKVFTA hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng thương mại bứt phá giữa Việt Nam và Anh Quốc trong những năm tiếp theo.
5/ Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 2/2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 27.412 lượt lao động, trong đó số chỗ việc làm mới tạo ra là 12.554 việc làm. Lũy kế 2 tháng đầu năm, đã có  54.157 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt 18,05% so với kế hoạch năm. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (FALMI), trong năm 2021, ít có biến động về lao động chất lượng cao, biến động chủ yếu ở lao động phổ thông, đặc biệt ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy, hải sản, nhựa, cao su là những ngành thường xuyên biến động, thiếu hụt lao động. FALMI cũng dự báo, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tập trung trong các lĩnh vực, ngành nghề như kinh doanh, thương mại, công nghệ cao, dịch vụ…
6/ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 vừa qua đạt gần 11.000 lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng của năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 28.700 lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam; lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Các nhà phân tích nhận định ngành du lịch Việt Nam phải vật lộn với một năm 2021 đầy thách thức.
7/ Với 908 cửa hàng của chuỗi Thegioididong, thì việc thu hẹp hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ đã diễn ra từ nhiều năm nay của tập đoàn bán lẻ được xem là lớn nhất nhì Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Dù vậy, tốc độ xóa sổ cửa hàng Thegioididong trong tháng qua đã chậm lại so với một hai tháng trước đó, khi chỉ có 5 cửa hàng bị đóng cửa. Theo dữ liệu, tính đến hết năm 2020, Thế Giới Di Động sở hữu 913 cửa hàng Thegioididong, giảm 20 cửa hàng so với thời điểm cuối tháng 11/2020 và giảm 35 cửa hàng so với thời điểm cuối tháng 10/2020. Việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng Thegioididong trong nhiều năm qua, một mặt cho thấy thị trường điện thoại di động đã tới ngưỡng bão hòa, số lượng điểm bán của Thế Giới Di Động đã vượt quá sức mua của người tiêu dùng, mặt khác theo Thế Giới Di Động, chủ yếu là để chuyển đổi mô hình kinh doanh.

8/ Chính phủ Anh sẽ công bố khoản tài trợ bổ sung trị giá 5 tỷ bảng Anh (7 tỷ USD) để vực dậy những doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong thời gian tới. Quyết định này dự kiến sẽ được thông báo trong buổi công bố kế hoạch ngân sách vào ngày 3/3 tới. Theo đó, các cửa hàng, quán bar, câu lạc bộ, khách sạn, nhà hàng, phòng tập thể dục và tiệm làm tóc sẽ nằm trong số gần 700.000 thực thể đủ điều kiện nhận tài trợ trực tiếp bằng tiền mặt lên tới 18.000 bảng Anh. Khoản tài trợ này sẽ nâng tổng số tiền chi cho hoạt động tài trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp Anh trong thời kỳ khủng hoảng lên con số 25 tỷ bảng Anh. Tính đến nay, Chính phủ Anh đã “tiêu tốn” hơn 280 tỷ bảng Anh vì đại dịch dưới hình thức chi tiêu và cắt giảm thuế. Điều này khiến mức nợ tăng lên mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
9/ Tập đoàn công nghệ khổng lồ Xiaomi của Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ với việc xây dựng ba cơ sở mới tại quốc gia Nam Á này, và khi đã đáp ứng được nhu cầu nội địa ngày càng tăng, thì Xiaomi có thể sử dụng năng lực sản xuất của Ấn Độ để xuất khẩu. Xiaomi đã trở thành thương hiệu điện thoại thông minh và tivi hàng đầu ở Ấn Độ và trước đó đã điều hành một số nhà máy ở nước này, trong đó bao gồm cả những nhà máy hợp tác với Foxconn và Flex. Việc thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ sẽ cho phép người khổng lồ công nghệ Trung Quốc sản xuất hơn 99% điện thoại thông minh cũng như tất cả tivi mà hãng này bán ở Ấn Độ. Năm ngoái, tập đoàn đã xuất khẩu các sản phẩm do Ấn Độ sản xuất sang các nước lân cận như Bangladesh và Nepal.
10/ Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới được ký kết vào năm ngoái bởi 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đã thông qua dự luật phê chuẩn cho Hiệp định này. RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ các dự án điện than