Mỹ thử nghiệm loại kẹo cao su có thể ngăn chặn Covid xâm nhập cơ thể

84
Loại kẹo mới có khả năng "bẫy" hay "bắt giữ" virus Covid...

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania đang thử nghiệm loại kẹo cao su có chứa một loại protein đặc biệt có thể “bẫy” hay “bắt” các phân tử của virus Covid-19. Họ tin rằng nghiên cứu này có thể được phát triển thành một công cụ mới trong cuộc chiến chống Covid bởi kẹo giúp giảm lượng virus trong nước bọt và hạn chế lây truyền khi người bị nhiễm nói chuyện, thở hoặc ho.

Các nhà nghiên cứu Mỹ giải thích loại kẹo này có chứa các bản sao của protein ACE2 được tìm thấy trên bề mặt tế bào, được virus sử dụng như một cửa ngõ để đột nhập vào tế bào và lây bệnh.

Trong các thí nghiệm trong ống nghiệm sử dụng mẫu nước bọt và tăm bông từ những người bị nhiễm bệnh, các phân tử virus Covid tự dính vào “thụ thể” ACE2 trong kẹo cao su. Kết quả là tải lượng virus trong các mẫu giảm hơn 95% – theo kết quả Đại học Pennsylvania công bố trên tạp chí khoa hoạc Molecular Therapy.

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết loại kẹo cao su có cảm giác và mùi vị giống như kẹo cao su thông thường, có thể bảo quản trong nhiều năm ở nhiệt độ bình thường. Họ nhấn mạnh rằng việc nhai loại kẹo này không làm hỏng các phân tử protein ACE2.

Họ cho rằng rằng việc sử dụng kẹo cao su để giảm tải lượng virus trong nước bọt sẽ làm tăng thêm lợi ích của vaccine ngừa Covid-19. Loại kẹo này sẽ “đặc biệt hữu ích” ở các nước chưa có nguồn vaccine dồi dào.

Hồi tháng 1-2021, các nhà khoa học Đại học bang Ohio cũng công bố trên tạp chí Bioconjugate Chemistry một nghiên cứu tương tự. Trong công trình tại Ohio, các nhà khoa học Mỹ đã các đoạn protein – được gọi là peptit – vừa khít với rãnh trên gai protein của virus SARS-CoV-2 mà nó thường sử dụng để tiếp cận tế bào chủ. Các peptit này có hiệu quả đánh lừa virus “bắt tay” với một bản sao thay vì với protein thực trên bề mặt tế bào mà virus định xâm nhập.

Các nghiên cứu trước đó khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 liên kết với một protein thụ thể trên bề mặt tế bào đích được gọi là ACE2. Thụ thể này nằm trên một số loại tế bào nhất định trong phổi và khoang mũi của con người, cung cấp cho SARS-CoV-2 nhiều điểm tiếp cận để lây nhiễm vào cơ thể.

Đại học bang Ohio đã thiết kế và thử nghiệm các peptit giống ACE2 đủ để “thuyết phục” SARS-CoV-2 liên kết với chúng. Hành động này ngăn chặn khả năng xâm nhập vào bên trong tế bào của virus.

Loại kẹo cao su của Đại học Pennsylvania dù chưa được các nhà khoa học khác bình duyệt, nhưng là tin tức đáng khích lệ trước tin xấu về biến chủng virus mới tại Nam Phi có khả năng kháng vaccine ngừa Covid.

Trong ngày 26-11, cổ phiếu các hãng hàng không và các ngành liên quan đến du lịch trên thị trường chứng khoán châu Á đã có mức sụt giảm lớn nhất trong hai tháng qua khi nhà đầu tư bán bớt cổ phiếu để chuyển sang mua đô Mỹ, yen Nhật Bản và trái phiếu chính phủ – vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn cho tài sản trong thời khắc biến động.

Cũng trong ngày, chính phủ nhiều nước châu Á và châu Âu đã bắt đầu siết chặt kiểm soát biên giới dù các nước này đang thúc đẩy mở cửa trở lại, đón khách nước ngoài để hồi phục nền kinh tế.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng thế giới đã bắt đầu có những phiên tăng nhẹ trở lại trong ngày 26-11. Các chuyên gia cho rằng dưới nhiều áp lực, xu hướng tăng hay giảm của giá vàng đang càng trở nên khó đoán. Thiều áp lực mạnh, theo các chuyên gia, xu hướng của vàng đang càng trở nên khó đoán hơn.  Trong khi đó, dưới đà giảm mạnh các phiên vừa qua của giá vàng thế giới, xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/oz,  giá vàng trong nước không chịu ảnh hưởng quá nhiều khi không chứng kiến cảnh thị trường lao dốc. Nhưng giá vàng miếng SJC đã vượt ngưỡng 61 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, giá vàng miếng SJC cuối ngày ở mức 60,25-61,05 triệu đồng/ lượng. Chênh lệch giá hai đầu giữ mức 800.000 đồng.

2/ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chính thức công bố thời gian diễn ra Chương trình 60 giờ mua sắm lớn nhất trong năm từ 0 giờ Thứ sáu 3-12 đến 12 giờ Chủ nhật 5-12. Chương trình Online Friday được xem là ăn theo lễ hội mua sắm Black Friday diễn ra hàng năm tại Mỹ.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết trong 8 năm qua sự kiện Online Friday đã thể hiện vai trò kết nối, hợp tác, hỗ trợ của cơ quan Chính phủ với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số.

3/ Xà lách, cải cầu vồng, rau chân vịt, dưa leo… từ các nước được nhập vào Việt Nam và bán với giá cao chót vót, nhưng vẫn có khách. Chẳng hạn, rau chân vịt baby (cải bó xôi) và xà lách Salad Wild Roquette có giá 95.000 đồng 100 gram, tức 950.000 đồng/ký. Đặc biệt, nếu trước đây rau nhập khẩu cao cấp chỉ bán lẻ tẻ ở một vài cửa hàng thì nay được phân phối rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị dù giá khá đắt đỏ. “Phí bảo quản hai đầu từ nước nhập khẩu và tại Việt Nam chiếm tới 40-50%, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh chi phí thậm chí còn cao hơn”, đại diện một cửa hàng nhập khẩu rau quả từ Nhật Bản cho biết.

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.

4/ Theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý 3 vào khoảng 4 tỷ USD, giảm 64% so với quý 2 và giảm đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải rời thị trường. Nhưng hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản bắt đầu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách và tỷ lệ tiêm chủng tăng dần.

Chuỗi cà phê Arabica, Uniqlo, thương hiệu làm đẹp ReFa, hay tập đoàn bán lẻ Aeon đều giữ cái nhìn tích cực về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, đều duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh ngay khi các lệnh giãn cách được nới lỏng. Cùng góc nhìn lạc quan, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành bán lẻ năm nay có thể trên 20%.

Ngành bán lẻ Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Số liệu mới đây của Bộ Công Thương chỉ rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước. Trong đó, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 83%.

5/ Nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh và mảng ẩm thực (F&B) đổ bộ sàn thương mại điện tử để tìm lối thoát, tập trung giao hàng tận nơi, bán mang về ngay trong các tháng giãn cách. Từ chuỗi siêu thị lớn như BigC, Go!, CoopMart, Finelife… đến các siêu thị nhỏ lẻ như Farmer’s Market, Nam An Market, Đảo Hải Sản, 3Sach Food, Hải Sản Hoàng Gia, Organic food, Laman, Sói Biển, FoodMap, Farm Hill… đều từng bước chuyển đổi số, gia nhập hệ sinh thái thương mại điện tử trong thời dịch.

Thậm chí, chuỗi nhà hàng như Pizza 4P’s ngoài kênh trực tuyến, còn bán sản phẩm đông lạnh như pizza, mì Ý, và mì Nhật Ramen.. Dịch vụ giao nguyên liệu hoặc món ăn chín tận nhà trong thời giãn cách xã hội trở thành nguồn thu chính của những doanh nghiệp F&B này.

6/ Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết đã vận chuyển lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên cho chương trình COVAX sau 8 tháng dừng xuất khẩu. Đây là loại vaccine do hãng AstraZeneca nhượng quyền và có tên thương mại Covishield.. Hồi tháng Ba, Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu vaccine để tập trung tiêm phòng cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên cả nước.

Quyết định xuất khẩu vaccine trở lại được chính phủ Ấn Độ chuẩn thuận sau khi SII vượt chỉ tiêu ban đầu về sản xuất 1 tỷ liều Covishiedl vào cuối năm. Hiện SII đã vượt qua cột mốc 1,25 tỷ liều.  SII cũng dự báo nguồn cung vaccine thông qua COVAX sẽ tăng mạnh trong quý 1-2022.

Ngoài Covishield, SII cũng sản xuất các loại vaccine ngừa Covid đã được cấp phép, trong đó có Covovax của hãng dược Novavax ở Mỹ.

7/ Sony sẽ thu mua Zee – một trong những nền tảng truyền thông và giải trí hàng đầu ở Ấn Độ. Thương vụ này sẽ cho phép Sony có nhiều nội dung số cho thị trường Ấn Độ với dân số sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2030. Đây cũng là một động thái để Sony có thể cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến lớn như Disney, Netflix và AppleTV.

Trong năm tài khóa 2020, doanh thu toàn cầu của mảng trò chơi điện tử và truyền thông đã mang lại cho Sony 25,04 tỷ USD trên tổng số doanh thu 85 tỷ USD, tức khoảng ⅓ tổng doanh thu của tập đoàn này

8/ Hãng chip TSMC hàng đầu của Đài Loan tuyên bố đã đạt sản lượng chip trị giá 4.100 tỷ Tân Đài tệ, khoảng 147 tỷ USD, tăng 25,9% so với mục tiêu đề ra cho năm 2021. TSMC cũng dự báo đà tăng trưởng sẽ tốt hơn nữa trong năm 2022.

TSMC cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Đài Loan và Nhật Bản tạo điều kiện hơn nữa cho tập đoàn sau khi TSMC hợp tác cùng Sonay trong việc hình thành xưởng sản xuất chip tại Nhật Bản. Trong tháng này, TSMC nói sẽ xây dựng thêm nhà máy mới ở Cao Hùng.

9/ Các công ty Hong Kong đang trở nên thận trọng hơn về lời ăn tiếng nói khi đề cập đến các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc đại lục. Đặc biệt là sau khi hãng thức uống từ đậu nành Vitasoy công bố lợi nhuận của Vitasoy đã giảm đến 94,1%, chủ yếu do sự tẩy chay tại đại lục.

Nguyên nhân chính là từ nội dung cuộc trao đổi nội bộ giữa các nhân viên Vitasoy lọt ra bên ngoài. Trong đó, một nhân viên của hãng đã bày tỏ sự cảm thông đối với một quản lý cấp cao của Vitasoy có những hành vi bị cảnh sát Hong Kong cáo buộc là chống đối và có những phát ngôn chỉ trích chính quyền đặc khu cũng như đại lục.

Vitasoy đang tìm kiếm cơ hội tại Hong Kong, Úc, New Zealand và Singapore để bù đắp lại cho khoản lợi nhuận bốc hơi ở đại lục.

Giáng sinh Nhật Bản kém vui vì sản lượng dâu giảm