Netflix săn tìm thành công mới ở châu Á

Đồng Giám đốc điều hành Netflix Ted Sarandos phát biểu tại một sự kiện ở Seoul, giải thích về mối quan hệ ngày càng tăng giữa Netflix với các nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc.

Netflix đang đầu tư mạnh tay để tự sản xuất nội dung mới ở các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Cùng lúc, nền tảng giải trí trực tuyến cũng tuyển dụng đối tác mới và tìm kiếm tài năng mới nổi để thu hút khán giả ở khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng với thành công của Netflix.

Trong chuyến thăm Seoul hồi tháng trước, CEO Ted Sarandos cho biết nền tảng phát trực tuyến đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc. Ông cũng gặp gỡ các giám đốc điều hành công ty sản xuất và những nhà sáng tạo nội dung.

CEO Sarandos đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chuyến đi của ông tới Washington vào tháng 4, cam kết đầu tư 2,5 tỉ đô la vào Hàn Quốc trong 4 năm tới – gấp đôi con số này từ năm 2016 đến năm 2022. Khoản đầu tư lớn nhằm thúc đẩy các nhà sáng tạo trẻ, đặt cược tương lai của Netflix vào tay các nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn Hàn Quốc.

Netflix đã đạt được thành công lớn với các bộ phim và chương trình của Hàn Quốc. Squid Game phát hành năm 2021 trở thành series phim nổi tiếng nhất mọi thời đại và tiếp đến là The Glory. Khoảng 60% trong số khoảng 200 triệu người đăng ký trên toàn thế giới hiện đã xem một tựa phim Hàn Quốc và lượng người xem nội dung Hàn Quốc đã tăng gấp sáu lần trong bốn năm.

Ban đầu là dịch vụ cho thuê đĩa DVD qua thư vào năm 1997, Netflix nhanh chóng chuyển sang dịch vụ phát trực tuyến một thập niên sau đó. Hãng bắt đầu sản xuất nội dung riêng ở Mỹ vào năm 2012 và kể tử đó đã mở rộng sang các thị trường khác như Nhật Bản.

Netflix định thu hút khán giả ở các nước bằng nội dung địa phương. Nhiều tựa phim do châu Á sản xuất đang trở thành hit toàn cầu. Trong tuần lễ kết thúc ngày 2-7, bảy trong số 10 bộ phim truyền hình không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix là của châu Á.

Netflix có thể đầu tư 1,9 tỉ đô la vào nội dung mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, theo công ty nghiên cứu Media Partners Asia. Với nguồn tài chính dồi dào, Netflix đang mở rộng đội ngũ sản xuất ở Nhật Bản và Ấn Độ.

Sanctuary (Thánh vật sumo) – series phim Nhật Bản về thế giới võ sĩ sumo chuyên nghiệp – đã trở thành một trong những hit lớn trên Netflix. Ảnh: Nikkei Asia

“Sanctuary” – có tựa tiếng Việt là “Thánh vật sumo” – là bộ phim truyền hình dành cho lứa tuổi mới lớn của Nhật Bản về một đô vật sumo đầy tham vọng. Phim được xếp hạng trong số 10 chương trình truyền hình không nói tiếng Anh hàng đầu trên Netflix trong hai tuần liên tiếp sau khi phát hành vào tháng 5. Một giám đốc điều hành của Netflix đã ngay lập tức bật đèn xanh cho dự án sau khi nghe quảng cáo chiêu hàng, mong muốn được cung cấp một cái nhìn thoáng qua về thế giới sumo vốn thường rất bí mật.

Netflix đã quảng cáo rầm rộ loạt phim này trong giải đấu sumo lớn vào mùa hè. Có tin Chủ tịch Hiệp hội Sumo Nhật Bản Hakkaku đã xem phim.

Tháng trước, Netflix đã ký hợp đồng năm năm với Yuji Sakamoto, người đã giành giải kịch bản hay nhất cho phim “Kaibutsu” tại Liên hoan phim Cannes năm nay, nhằm phát triển các tựa phim độc quyền cho nền tảng này. Hãng cũng đã hợp tác với The Seven, đơn vị sản xuất của đài truyền hình TBS Holdings có trụ sở tại Tokyo, và các công ty khác trong ngành.

Một nhà phân tích Nhật Bản nói rằng việc Netflix sản xuất nhiều phim truyền hình và phim điện ảnh hơn ở Nhật Bản giúp quốc gia này có thể chiếm ít nhất 25% doanh thu của Netflix ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay.

Tại Ấn Độ, Netflix đã ký hợp đồng nhiều năm với đạo diễn Hansal Mehta sau thành công của bộ phim tâm lý tội phạm Scoop. Hãng cũng bắt đầu cung cấp khoản tài trợ 10.000 đô la để làm phim ngắn vào năm ngoái nhằm khám phá thế hệ tài năng tiếp theo tại đây.

Netflix tăng cường mở rộng ở châu Á khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại quê nhà, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Doanh thu tăng khoảng 4% trong năm lên 8,16 tỉ đô la trong quí 1-2023, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Lợi nhuận ròng giảm 18% xuống còn 1,31 tỉ đô la.

Lượng đăng ký mới đạt hơn 80% trong quí 1 và khoảng 60% mức tăng ròng trong năm 2022 đến từ châu Á. Nền tảng phải đối mặt với nhiều hạn chế ở Trung Quốc, vì thế các thị trường châu Á khác ngày càng trở nên quan trọng.

Nhưng các đối thủ của Netflix cũng đang tập trung vào châu Á. Vào năm 2021, Nhật Bản thị trường lớn nhất của Amazon Prime Video sau Mỹ. Amazon có kế hoạch tăng khoảng 50% nội dung gốc trên toàn thế giới trong năm 2023. Công ty cũng dự kiến sẽ mở rộng đáng kể chương trình gốc của Nhật Bản vào năm 2025.

Những thách thức khác với Netflix cũng hiện ra. Nền tảng này nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với hầu hết các tựa phim gốc, nên các hãng sản xuất cho biết họ không thể tận dụng nội dung mà họ đã sản xuất và biến thành các cơ hội kinh doanh liên quan.

Các hãng sản xuất ở Hàn Quốc đang lo ngại là họ có thể bị “mắc kẹt” khi chỉ là nhà thầu phụ của Netflix.

Ricky Hồ / BSA