Nga có thể bị cấm vận lâu dài, DN Việt cần thích ứng nhanh với tình hình mới

118

Mặc dù đánh giá xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng trực tiếp không nhiều đến nền kinh tế VN, nhưng các diễn giả tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine” cho rằng các DN đang giao thương với Nga cần thận trọng trong giao dịch thanh toán và thích ứng linh hoạt với khả năng Nga sẽ bị cấm vận kéo dài.

Tọa đàm: “Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức ngày 11/3, tại khách sạn Rex và trực tuyến trên Zoom.

Thận trọng với lệnh trừng phạt tài chính

PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), PGS Kinh tế học ĐH Thái Bình Dương – cho rằng, không nên phóng đại ảnh hưởng và gây hoang mang quá mức về tác động của xung đột Nga – Ukraine với kinh tế Việt Nam.

Theo PGS Thành, giao thương Việt Nam – Nga không quá nhiều so với các đối tác khác vì thế ảnh hưởng trực tiếp có thể không nhiều, tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp lan tỏa thì có nhưng loại ảnh hưởng này sẽ cần phải có thời gian mới thấy tác động, khi đó doanh nghiệp đã có đủ thời gian để chuẩn bị thích ứng.

Cụ thể: mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam về thương mại, năm 2021 việt nam xuất khẩu sang nga 3,2 tỷ USD, nhập 2,2 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga trong năm 2021 chỉ khoảng 5,4 tỷ USD chiếm chỉ 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tác động chung về kinh tế thương mại của Nga đối với nền kinh tế thế giới cũng không lớn. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nhìn vào cấu trúc xuất nhập khẩu, đóng góp hàng hóa cũng như GDP của Nga thì thể hiện rõ Nga là nước đang phát triển chứ không phải là nước phát triển. Quy mô của nền kinh tế của Nga không lớn, lại giảm hơn sau khi xâm chiếm Crimea, với GDP danh nghĩa khoảng 1.500-1.600 tỷ USD nền kinh tế của Nga đang dần ngang bằng Indonesia, tức chỉ tương một số tỉnh giàu của Trung Quốc. Cấu trúc xuất khẩu của Nga thể hiện rõ là một nước đang phát triển, khi chủ yếu xuất thô và không có sản phẩm công nghệ cao. Nga hiện xuất khẩu 40% là dầu khí và các sản phẩm hóa dầu, 17% khí tự nhiên, 16% than đá, 18% lúa mì, 15% niken… “Cấu trúc xuất khẩu của họ, chủ yếu hàng nguyên liệu thô, nhập khẩu chủ yếu hàng tiêu dùng. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm khoảng 800 tỷ USD, tức bằng khoảng 50% GDP thì độ mở của nền kinh tế Nga không lớn” – PGS Thành đánh giá.

Cũng như ảnh hưởng về hàng hóa thương mại, ảnh hưởng về tài chính cũng không nhiều nhưng cần phải lưu ý vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU trong lĩnh vực này. Phát biểu tại tọa đàm, TS Trần Quốc Hùng – CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF (Washington DC) –  đánh giá cấm vận về tài chính là có tác động lớn nhất. Mỹ và EU không chỉ cấm cá nhân doanh nghiệp, mà cấm luôn các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới, vì vậy các ngân hàng lớn của Trung Quốc thời gian qua cũng có thái độ dè dặt khi giao dịch với Nga. Điều họ e ngại là nếu  tiếp tục giao dịch với Nga thì có thể bị Mỹ và Eu trừng phạt.

“Việc chi trả thanh toán của khắp nơi trên thế giới với các đối tác Nga trong thời gian tới sẽ hết sức khó khăn. Đây cũng chính là điểm mà các doanh nghiệp Việt hiện đang có quan hệ giao thương, làm ăn với các đối tác Nga phải hết sức lưu ý. Các doanh nghiệp cần tìm kiếm sự trợ giúp tư vấn từ chính phủ và các luật sư quốc tế để tránh nguy cơ bị cấm vận thứ cấp khi giao dịch buôn bán với các đối tác Nga” – TS Trần Quốc Hùng nói.

Phóng viên đặt câu hỏi thảo luận với các diễn giả tham gia tọa đàm trên nền tảng Zoom và trực tiếp tại phòng họp.

Lệnh cấm vận đối với Nga có thể kéo dài

Đại sứ Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018 – đánh giá đợt trừng phạt này của Mỹ và phương Tây đối với Nga là “nhanh, mạnh, đồng loạt chưa từng thấy”. Mỹ và các nước phương Tây khác, chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với một nước lớn. Và trong các đợt cấm vận này đến nay, chỉ sau hơn 2 tuần lễ đã có một loạt các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ và phương Tây vì e ngại rủi ro trong làm ăn với Nga đã đồng loạt rút khỏi Nga.

Trong khi diễn biến trên chiến trường hiện rất khó đoán định, thì theo đại sứ Phạm Quang Vinh dù kịch bản kết thúc cuộc chiến Nga – Ukraine thế nào Nga vẫn là nước phải chịu nhiều thiệt thòi. Đầu tiên, chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ Nga đã đẩy Mỹ và EU vào thành một khối gắn kết chặt chẽ, tháo gỡ nhiều bất động vốn tồn tại từ lâu giữa Mỹ và EU. Thứ hai, dù Nga có đạt được các mục tiêu khi mở màn cuộc chiến với Ukraine hay không thì biên giới phía đông của NATO sau cuộc chiến này cũng sẽ được củng cố mạnh mẽ, và điều này nằm ngoài hoàn toàn mong muốn của Nga. Và thứ ba, những xáo trộn về địa chính trị, an ninh chắc chắn sẽ lâu dài và Nga sẽ có khả năng cao bị cô lập và phải mất rất nhiều thời gian để tìm lại tiếng nói chung với cộng đồng châu Âu nói riêng và Mỹ với thế giới phương Tây nói chung.

Đó là về dài hạn, còn về ngắn hạn, theo đại sứ Phạm Quang Vinh, việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận mà Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt lên Nga cũng là một bài toán không thể giải một sớm một chiều. “Trong trường hợp khả quan nhất thì phải vài ba tháng nữa, một phần lệnh cấm vận mới có thể được gỡ bỏ, nhưng để gỡ bỏ hoàn toàn thì có lẽ phải mất một thời gian lâu dài” – đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.

Và đây chính là điểm quan trọng mà các doanh nghiệp đang có quan hệ làm ăn buôn bán với các đối tác Nga cần lưu ý. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga không cao, nhưng hiện Việt Nam đang nhập khẩu của Nga một số mặt hàng quan trọng với số lượng khá lớn (không kể vũ khí) là thép và thức ăn chăn nuôi: lúa mì, ngô… Theo TS Trần Quốc Hùng các doanh nghiệp đang nhập khẩu hay xuất khẩu sang Nga sẽ gặp khó khăn trước mắt, nhưng đây cũng chính là cơ hội để chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới.

“Như lúa mì, ngô là mặt hàng mà Mỹ sản xuất rất nhiều. Trong khi thâm hụt thương mại Mỹ – Việt đang rất lớn, vốn gây e ngại cho cả chính quyền  ông Trump trước đây lẫn ông Biden bây giờ thì việc Việt Nam chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này sẽ rất có lợi cho việc góp phần làm cân bằng hơn cán cân thanh toán, và đa dạng hóa bạn hàng” – TS Hùng nói.

Ở chiều hướng lâu dài hơn, TS Hùng cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi và quyết tâm thay đổi, nhất là về mặt tiêu chuẩn và công nghệ, để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tinh, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như EU và Mỹ. Khủng hoảng lần này có thể mở ra các cơ hội tức thời, như giá lương thực có thể lên cao, một số thị trường vốn nhập nông sản từ Nga có thể bị gián đoạn…. nhưng việc có thể tận dụng nó dài lâu hay không lại phụ thuộc vào chính doanh nghiệp, vào việc doanh nghiệp có khả năng đáp ứng cung cấp đủ sản phẩm chất lượng cao hay không. Ông Hùng lấy dẫn chứng, chẳng hạn, ngay kim ngạch xuất khẩu gạo theo hiệp định EVFTA đến nay chúng ta vẫn chưa tận dụng hết.

Đồng ý với TS Hùng, PGS Thành cho rằng, phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ tăng giá, nhập khẩu sẽ khó khăn hơn. Thị trường xuất khẩu lương thực sẽ có vấn đề, sẽ gây ra hiệu ứng thay thế, đẩy mặt bằng giá thì với một nước xuất khẩu lương thực, chúng ta trước mắt sẽ có lợi thế về giá, trong khi lượng xuất khẩu không thay đổi. Lúa mì tăng thì giá gạo có thể được đẩy tăng theo chứ không phải người ta nhập khẩu gạo về ăn thay lúa mì. Như vậy, về mặt tổng thế chúng ta sẽ có lợi ích nhất định về giá, đây là chi tiết mà các doanh nghiệp cân nhắc khi thương thảo các hợp đồng để tránh thiệt thòi.

Cũng về yếu tố giá, trong khi được lợi về giá lương thực thì doanh nghiệp đã, đang và sẽ phải chịu sức ép từ giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, trong khi dư địa về tài khóa để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay không còn nhiều theo PGS Nguyễn Đức Thành.

PGS Thành phân tích: về tài khóa, trước đó Việt Nam đã mở rộng lớn để phòng chống Covid-19 trong hơn 2 năm qua, đến nay gần như là hết dư địa. Thị trường bất động sản, chứng khoán… hiện nay tiền đổ vào khá lớn, nên tài khóa có lẽ không nên mở rộng hơn nữa. Thứ hai, dư địa tiền tệ, theo kinh nghiệm của PGS Thành trong thời gian làm tư vấn cho chính phủ trước đây thì khi lạm phát trên 1%/tháng là dấu hiệu khủng hoảng, bất ổn vĩ mô. “Việc điều hành tiền tệ và tài khóa giờ phải rất thận trọng” – ông Thành cảnh báo.

Trong khi chính phủ có thể hỗ trợ phần nào đó khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như các biện pháp giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn để ngăn chặn giá nhiên liệu tăng đột biến, thì theo PGS Thành, đã đến lúc cả doanh nghiệp và người dân phải làm quen với các cuộc khủng hoảng, các biến động thường xuyên trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ. “Với kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta lên đến 200% GDP, tức là nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn thì chúng ta sẽ phải tập quen với những biến động thường xuyên của thị trường” – PGS Nguyễn Đức Thành nói.

Theo TGHN