Ngân hàng đầu tư Jefferies: “Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có thể sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ”

Tàu đang lấy hàng ở Cảng Cát Lái, Thủ Đức. Ảnh: Tự Trung

Vương quốc Anh, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia là những nước có vị thế thuận lợi nhất để đàm phán các thỏa thuận thương mại sớm với Tổng thống Donald Trump.

Aniket Shah – người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững, chuyển đổi và chiến lược Washington của ngân hàng đầu tư Jefferies tại Mỹ – đã tìm cách xác định những quốc gia nào có thể hành động nhanh nhất để đàm phán các thỏa thuận thuế quan với chính quyền Trump.

Theo CNBC, Shah đã xếp hạng các các quốc gia dựa trên các đánh giá về: (i) mối quan hệ của chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia tương ứng với chính quyền Trump, (ii) quy mô tương đối của hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, (iii) đóng góp xuất khẩu Mỹ vào GDP, (iv) chênh lệch thuế suất, (v) sức mạnh hiện tại của nền kinh tế.

Trên các tiêu chí này, Shah tin rằng Anh, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia là năm quốc gia hàng đầu “có khả năng nhanh chóng đạt được thỏa thuận”. Hôm 2-4, ông Trump đã công bố mức thuế đối ứng lần lượt với nhóm năm quốc ngày là 10%, 24%, 46%, 26% và 49%.

Bất chấp triển vọng tích cực, Shah cũng cảnh báo rằng môi trường chính sách vẫn chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. “Chính quyền Trump đặt mục tiêu tái định hình hoàn toàn hệ thống thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, bất kỳ kết quả nào không đạt được kỳ vọng đều có thể bị xem là thất bại”, Shah nhấn mạnh.

Dự đoán của ngân hàng đầu tư Jefferies được đưa ra khi thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục phản ứng với chính sách thuế đối ứng. Hôm 9-4, chỉ số S&P 500 giảm 1,6%, trong khi Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt giảm hơn 2% và 0,8%.

Các thỏa thuận ban đầu Việt – Mỹ

Theo TTXVN, với tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm về các vấn đề kinh tế – thương mại song phương, chiều 9-4 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương Mỹ Jamieson Greer. Hai bên đã thống nhất khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại đối ứng, bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay. Reuters đưa tin dự kiến đoàn Việt Nam sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong hôm nay 10-4 và đại diện của các hãng Boeing, SpaceX và Apple trong tuần.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer hôm 9-4. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ chuyến đi, theo trang chinhphu.vn, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ký kết biên bản ghi nhớ với ngân hàng Citi về tài trợ vốn trị giá 560 triệu đô la cho các dự án đầu tư chiến lược của hãng. Hôm nay 10-4, Vietnam Airlines tiếp tục làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ tại Washington D.C để bàn thảo về cơ chế cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay của hãng bay.

Trước đó, cũng nhân chuyến đi, VietJet Air đã ký thỏa thuận trị giá 300 triệu đô la với hãng AV AirFinance của Mỹ. Đây là một phần trong loạt thỏa thuận tài chính trị giá nhiều tỉ đô la mà VietJet đã thực hiện cùng các đối tác hàng đầu Hoa Kỳ. Các thỏa thuận phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới, bao gồm gần 300 tàu bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025–2027…

Các tập đoàn Mỹ được hưởng lợi

Chính quyền của ông Trump đã ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán lại thuế quan. Jefferies tin rằng một số công ty có liên quan đến nước Mỹ có thể đạt được lợi nhuận đáng kể nếu các thỏa thuận thương mại được thực hiện hóa. Nike, Boeing và Amazon có thể được xem là những kẻ chiến thắng.

Trong số này, Nike nổi bật nhất. Với mối quan hệ sản xuất gắn bó chặt chẽ với Việt Nam và Campuchia, gã khổng lồ về giày thể thao và quần áo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đe dọa thuế quan của ông Trump. Cổ phiếu Nike đã giảm gần 18% trong tuần qua. Tuy nhiên, mọi người vẫn lạc quan về tương lai phía trước. Trong năm 20224, ước đoán Nike sản xuất khoảng 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam, vào năm 2024 và năm ngoái, 15% hàng may mặc tại Campuchia.

Nhà phân tích Randal Konik vẫn duy trì triển vọng lạc quan đối với Nike, đưa ra xếp hạng “mua” với mục tiêu giá 115 đô la — ngụ ý khả năng tăng 116% so với giá đóng cửa ngày 8-4. Trong số 40 nhà phân tích theo dõi Nike, một nửa đánh giá là mua mạnh hoặc mua, theo LSEG.

Boeing cũng có thể thấy triển vọng tăng, đặc biệt là từ các thỏa thuận với Anh, Nhật Bản và Ấn Độ — các thị trường chính cho các đơn đặt hàng máy bay quốc tế của hãng. Hơn hai phần ba số đơn hàng của Boeing trong thập kỷ qua đã đến tay khách hàng bên ngoài nước Mỹ.

Gã khổng lồ công nghệ Amazon là một bên hưởng lợi tiềm năng khác, đặc biệt là từ các thỏa thuận thương mại với Anh và Nhật Bản – hai thị trường mà Amazon đạt dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ.

Ricky Hồ – BSA Media