Ngành chip sẽ cần xây dựng nhiều trung tâm bán dẫn hơn để đảm bảo khả năng hồi phục của chuỗi cung ứng chip và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới. Ajit Manocha – Chủ tịch kiêm CEO của SEMI (hiệp hội ngành chip có quy mô toàn cầu) nói với Nikkei Asia.
Ngành chip mất 70 năm để đạt quy mô hiện tại, nhưng chỉ cần 7-8 năm để đạt quy mô 1.000 tỉ đô la vào năm 2030, và 10 năm hoặc để chạm mốc 2.000 tỉ đô la vào năm 2040.
Ông Manocha tin rằng ngành công nghiệp này vẫn đang trên đà tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy thoái gần đây. Bình luận của Manocha được đưa ra trong bối cảnh các nên kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc… đang nỗ lực xây dựng năng lực tự sản xuất chip trong nước.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu nghĩ đến việc thống lĩnh ngành chip. Nếu xây dựng được nhiều trung tâm ngành chip hơn, chúng ta sẽ có nguồn dự phòng. Những điều này sẽ giúp chuỗi cung ứng hồi phục tốt hơn”, Manocha phát biểu tại hội chợ công nghiệp SEMICON tại Đài Bắc.
“Dịch bệch, biến đổi khí hậu và địa chính trị thực sự cho thấy sự cần thiết của chất bán dẫn. Tình trạng thiếu hụt chip cách đây vài năm đã làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp. Thời gian sản xuất xe hơi có thể mất tới hai năm, có thể mất ba tháng để sửa một cảm biến (sensor) bị hư trong tủ lạnh”, ông nói.
Manocha đã làm việc trong ngành bán dẫn trong 40 năm, bao gồm thời gian làm CEO của hãng GlobalFoundries và nhiều vị trí điều hành cấp cao khác tại hãng chip nhớ Spansion và Philips Semiconductors, hiện là NXP.
Nhưng ngay cả khi thế giới phát triển nhiều trung tâm bán dẫn hơn, Manocha cho biết, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào mối liên kết giữa các quốc gia.
“Ngày nay, việc sản xuất chip không chỉ do một quốc gia thực hiện. Ngành chip thực sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng điều này chỉ xảy ra tại năm hoặc sáu nước. Chúng ta phụ thuộc vào EUV (công cụ quang khắc cực tím) từ Hà Lan, chúng ta phụ thuộc vào chất nền và vật liệu chất lượng cao chủ yếu từ Nhật Bản và châu Âu, và khí trơ từ Ukraine. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều và sự phụ thuộc đó sẽ không thay đổi trong thời gian ngắn”.
Sự hợp tác chéo giữa các nhà cung cấp cũng sẽ tăng lên để giải quyết những thách thức như tiêu thụ năng lượng và công nghệ làm mát cho các trung tâm dữ liệu, đặc biệt là khi AI ngày càng phổ biến hơn. “Cần có nhiều sự hợp tác hơn giữa các thành viên của hệ sinh thái để xem xét các vật liệu mới, chất nền mới, kỹ thuật đóng gói mới, không chỉ từ các nhà cung cấp mà còn từ giới học thuật”, Manocha phát biểu.
Manocha cho biết trong 30 năm đầu trong sự nghiệp của ông (1984-2014) ngành công nghiệp chip có tính chu kỳ hơn, có chu kỳ tăng hoặc giảm dài hơn. Bây giờ, chu kỳ này trở nên ngắn hơn và nông hơn vì có nhiều ứng dụng (app) ra đời, thúc đẩy nhu cầu các loại chip khác nhau. “Chúng ta từng có các ứng dụng đột phá hạn chế, nhưng bây giờ chúng ta có nhiều ứng dụng đột phá hơn, được AI, Internet vạn vật (IoT) và điện toán lượng tử hỗ trợ”, vị CEO nói.
Vị CEO SEMI nói rằng ông lạc quan ngành công nghiệp chip sẽ dễ đạt các cột mốc 1.000 tỉ và 2.000 tỉ đô, bất chấp sự suy thoái nghiêm trọng của ngành bắt đầu từ năm ngoái trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. “Có lẽ trong nửa cuối năm nay, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng và năm nay chúng ta sẽ kết thúc với mức tăng trưởng tích cực”, ông cho biết.
Các ứng dụng mới hoặc công nghệ mới như AI biên, điện toán lượng tử và quang tử silicon đều nằm trong phạm vi tăng trưởng cao hai chữ số. AI biên (edge AI) có thể cho phép AI xử lý nhanh hơn trên cảm biến, smartphone hoặc IoT, thay vì phải kết nối với máy chủ hoặc Cloud. Một số dòng smartphone mới nhất của Samsung có cài đặt AI biên, cho phép smartphone tự xử lý mà không cần kết nối Internet.
SEMI dự báo ngành công nghiệp chip sẽ tăng trưởng 20%, nhờ sự phục hồi của các nhu cầu liên quan đến bộ nhớ và AI, các loại chip cho các ứng dụng trong xe hơi và công nghiệp vẫn tăng chậm.
Các ứng dụng mới hoặc công nghệ mới như edge AI, điện toán lượng tử và quang tử silicon đều nằm trong phạm vi tăng trưởng cao hai chữ số.
“Chúng tôi mất 70 năm để đạt 600 tỉ đô la và sẽ đạt 1.000 tỉ đô la trong 7-8 năm tới nhờ vào AI và IoT. Làn sóng tiếp theo sẽ là lượng tử. Và tôi nghĩ rằng con số này sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm lên 2.000 tỉ đô la vào năm 2040 hoặc sớm hơn”, Manocha nói.
Theo Nikkei Asia, Built In
Ricky Hồ / BSA Media