Bệnh vàng lá Panama ở cây chuối đang xuất hiện trở lại sau nhiều thập niên vắng bóng, đe dọa xóa sổ loại cây trồng chủ lực ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Ngành nông nghiệp các nước đang siết chặt kiểm dịch, trong khi các nhà khoa học đề ra các biện pháp như chẩn đoán sớm bệnh, quản lý chặt chẽ đất trồng và canh tác các giống chuối biến đổi gien có khả năng kháng bệnh.
Hàng trăm loại chuối mọc trong “vành đai chuối” – khu vực 30 vĩ độ Bắc và Nam quanh đường xích đạo. Chuối không chỉ là một loại thực phẩm chính cho hơn 500 triệu người, mà còn là nguồn thu nhập cho nhiều nước, đặc biệt các nước có thu nhập thấp.
Biến chủng TR4 có thể xóa sạch cây chuối
Báo cáo khoa học do Trung tâm Tài nguyên Thực vật tại Hà Nội và Vườn Bách thảo Meise của Bỉ công bố hồi tháng 2-2022 đã cảnh báo: Việt Nam sẽ mất tới 71% diện tích đất trồng chuối trong vòng 25 năm tới do tác hại của loại nấm Fusarium. Steven Janssens, một trong những tác giả của báo cáo, nói rằng: “Chuối là một trong những cây lương thực quan trọng nhất trên toàn thế giới. Nếu loại nấm Fusarium tiếp tục lây lan, tác động đối với nhân loại có thể khá lớn”. Một nghiên cứu riêng biệt được trích dẫn trong báo cáo này cũng dự báo tình hình tương tự sẽ diễn ra ở Trung Quốc và Philippines.
Khi bị nấm Fusarium xâm nhập qua rễ, cây chuối sẽ có hiện tượng vàng từ lá già lan dần tới lá non, từ mép lá lan vào gân láthường có hiện tượng vàng từ lá già lan dần lên các lá non, từ bìa lá lan vào gân lá. Cây bị héo rũ và chết dần. Riêng các bào tử nấm vẫn tồn tại, có thể làm đất trồng nhiễm bệnh trong hàng chục năm.
Bệnh héo lá ở chuối được ghi nhận lần đầu tiên tại một trang trại ở Úc vào năm 1876, sau đó là ở Costa Rica và Panama. Sự nguy hiểm của nấm Fusarium được chú ý hơn vào thập niên 1950 khi loại nấm này tàn phá các cây chuối ở Panama và các nước lân cận. Vì thế, hiện tượng héo lá ở chuối được gọi là bệnh Panama. Dịch héo rũ ở chuối chỉ lắng xuống sau khi gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho ngành trồng chuối các nước và gần như xóa sổ giống chuối Gros Michel.
Chuối hiện đại có nguồn gốc từ một giống không hạt bắt đầu được trồng ở Đông Nam Á vào khoảng năm 5.000 trước Công nguyên hoặc sớm hơn. Cách giâm cành đã tạo cây con giống hệt cây bố mẹ về mặt di truyền, làm tăng nguy cơ quần thể chuối có thể bị mầm bệnh như TR4 xóa sổ toàn bộ. Việc thiếu hạt giống khiến lai tại các các giống mới có khả năng kháng bệnh cao hơn là một thách thức của ngành nông nghiệp ngày nay.
Một nửa số chuối được trồng trên thế giới ngày nay là giống Cavendish – loại chuối cho loại trái dài thường được gọi là chuối Laba, chuối già hay chuối tiêu tại Việt Nam – có khả năng kháng bệnh héo lá Fusarium tương đối. Nhưng một chủng mới có tên là chủng nhiệt đới 4 hoặc TR4 xuất hiện vào những năm 1990 hiện đang tấn công giống chuối Cavendish ở Malaysia và các nơi khác ở Đông Nam Á. Chủng TR4 xuất hiện và lây lan Colombia vào năm 2019 và Peru vào năm 2021, khiến các nhà khoa học lo ngại cây chuối có thể bị tuyệt chủng, tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực thế giới.
Chủng nấm đã được phát hiện ở khoảng 20 nước, lây truyền từ cây nhiễm sang cây khỏe mạnh hoặc từ người đã đến vùng đất ô nhiễm hoặc vật liệu cây trồng bị nhiễm nấm. Cách duy nhất để hạn chế TR4 lây lan là kiểm dịch chặt chẽ.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Ấn Độ là nhà sản xuất chuối hàng đầu thế giới với 31,5 triệu tấn, tiếp theo là Trung Quốc với 11,51 triệu tấn, sau đó là Indonesia, Brazil, Ecuador và Philippines. Sản lượng chuối ở một số nước chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Hầu hết các nước xuất khẩu đến từ khu vực Trung và Nam Mỹ.
Hơn 100 triệu tấn chuối được sản xuất trên toàn thế giới hàng năm, tạo nên thị trường hàng chục tỉ đô la. Thiệt hại của ngành trồng chuối, dù chỉ phần nhỏ, cũng gây tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.
Khoa học vào cuộc
Nhưng ông Tsutomu Arie, giáo sư chuyên về bệnh học thực vật tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo (TUAT) nhận định: “Tôi không nghĩ rằng chuối sẽ tuyệt chủng”.
“Tiêm phòng” hay tạo miễn dịch với bệnh là một trong những chiến lược mà Giáo sư Arie và những cộng sự thực hiện để đối phó với TR4. Việc cấy nhiều loại nấm Fusarium vô hại vào cây trồng sẽ tăng cường sức đề kháng đối với các bệnh nguy hiểm hơn hoặc mầm bệnh không thể xâm nhập cây qua bộ rễ.
Bắt đầu từ năm tài chính 2023, một nhóm chuyên gia Nhật Bản do TUAT dẫn đầu sẽ làm việc với các đối tác, như Đại học Nông nghiệp Quốc gia La Molina ở Peru, nghiên cứu các biện pháp đối phó bệnh héo lá, bao gồm chẩn đoán nhanh và quản lý đất để phòng bệnh hiệu quả.
James Dale, giáo sư tại Đại học Công nghệ Queensland ở Úc, cho biết nhóm của ông đã áp dụng chỉnh sửa gien để phát triển cây chuối có khả năng chống lại TR4.
Với sự ra đời của chuối biến đổi gien được quản lý chặt chẽ, giống chuối này dự kiến sẽ không được trồng cho mục đích thương mại ở Úc vào cuối năm 2024.
Đây thật sự là tiến bộ đáng kể của ngành công nghiệp chuối. “Chuối biến đổi gien có thể kháng bệnh nhờ được cấy ghép gien từ loại chuối dại có khả năng miễn dịch với TR4”, Giáo sư Dale nói.
Một số nhà khoa học cho rằng sự lây lan của bệnh nấm TR4 do hàng chục năm qua con người chỉ canh tác một vài giống chuối cho trái có vị ngọt để đáp ứng nhu cầu vị giác của người tiêu dùng. Sự đơn thuần của một quần thể khiến chuối dễ bị các chủng nấm mới như TR4 quật ngã. Sự đa dạng sinh học sẽ là lá chắn chống các loại bệnh ở thực vật.
Việt Nam được xem là trung tâm nguồn gien cây chuối, với sự xuất hiện của đủ đại diện 8 nhóm giống chuối trồng ăn được. Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu bảo tồn gien và phòng chống bệnh héo lá Panama.
Các nghiên cứu của FAVRI trước đây tại các tỉnh thuộc vùng trồng chuối trọng điểm như Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế… cùng như nhiều tỉnh phía Nam đã xác định nấm gây bệnh vàng lá trên chuối ở nước ta thuộc chủng TR1, gây hại trên cây chuối tây (thường được chuối sứ hay chuối Xiêm do nguồn gốc từ Thái Lan). Nhưng những năm gần đây, bệnh héo vàng lá đang lan tràn ở nhiều vùng sản xuất chuối tiêu và do nấm chủng TR4 gây bệnh.
FAVRI đưa ra giải pháp luân canh: vùng canh tác chuối tây nào bị nhiễm bệnh héo lá thì có thể luân canh với chiếu tiêu và ngược lại. FAVRI cũng đưa các biện pháp xử lý đất, sử dụng chế phẩm sinh học và một số hóa chất có khả năng hạn chế bệnh héo lá Panama.
Chuối là loại trái cây xuất khẩu có giá trị cao thứ hai của Việt Nam, sau thanh long. Giá trị chuối xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt hơn 260 triệu đô la, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước – theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA). Thị trường Trung Quốc mở rộng – gồm Trung Quốc, Hồng Kông và Macao – chiếm hơn 90% giá trị xuất khẩu của chuối Việt Nam. Trong sáu tháng đấu năm, lượng chuối xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 238 triệu đô la, tăng hơn 57% so với kim ngạch 151 triệu đô la của cùng kỳ năm ngoái.
Singapore là thị trường mua hàng lớn thứ hai của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm với gần 9 triệu đô la, tăng hơn hai lần con số 4 triệu đô la của cùng kỳ. Malaysia xếp thứ ba với 1,9 triệu đô la, tăng 5% so với trước.
Báo cáo của BSA ghi nhận các nguyên nhân tăng đột biến của chuối xuất khẩu: nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc bị thu hẹp do các chính sách đất nông nghiệp, chi phí lao động gia tăng khiến diện tích trồng chuối giảm mạnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối ở Trung Quốc suy giảm. Vì thế, chuối tiêu Việt Nam được giá ở mức 0,5 – 0,6 đô la/ký. Riêng chuối xiêm tươi có giá đến 4 – 4,3 đô la/ký.
Phụ phẩm của cây chuối – lá chuối tươi – cũng là mặt hàng xuất khẩu được giá. Trong sáu tháng đầu năm, lượng lá chuối xuất khẩu đạt giá trị hơn 250.000 đô la, chủ yếu đến thị trường Mỹ, Úc, Thụy Sĩ và Nhật Bản.