Nghệ sĩ Minh Phượng: Trở về với ‘Hồn Việt’

647
“Chúng tôi hiểu rằng đây chỉ là cuộc chạy tiếp sức, để người Việt Nam bước vào toàn cầu hoá có thể tự hào hơn. Giấc mơ lớn, nhưng thực ra không khó làm.” – nghệ sĩ Minh Phượng. Ảnh: Đoàn Thanh Quốc.

Nhắc đến Minh Phượng, khán giả Sài Gòn vẫn còn nhớ mãi những vai diễn tưng tửng, lành lạnh, vừa cười vừa đau của chị trong các vở diễn “Chuyện bây giờ mới kể”, “Con nhà nghèo”, “Chuyện lạ”, “Thây ma sống”… một thời tung hoành trên sàn diễn 5B.

Sau 22 năm xa xứ, theo chồng bỏ cuộc chơi, rồi trở thành người mẹ đơn thân nuôi hai con thành người… chị lại trở về với Sài Gòn, cái nôi đã nuôi dưỡng biết bao tài năng nghệ thuật. Nỗi nhớ quê, nhớ nghề, nhớ những gì đẹp đẽ nhất của hai tiếng Việt Nam đã được chị dồn hết vào chương trình mang tên Hồn Việt, trong vai trò MC, cũng là người dẫn chuyện đầy quyến rũ cho đêm hội ngộ áo dài tại Nhạc viện TP.HCM ngày 15/8/2017.

– Sau 22 năm rời quê hương sang Canada định cư, lý do gì khiến chị quyết định trở về và đảm nhận vai trò MC cho chương trình Hồn Việt?

– Không biết có đúng không, nhưng tôi thấy những người Việt càng xa xứ càng muốn lưu giữ những gì quý giá nhất của văn hoá cội nguồn. Khi đạo diễn, nhà thiết kế Tiến Doãn ngỏ lời mời tôi làm MC cho chương trình Hồn Việt, tôi nhận lời liền. Trước tiên vì những con người tử tế đã tham gia chương trình này, đó là Thành Lộc trong vai trò MC cùng với tôi. Sau đó là đạo diễn Minh Ngọc, người viết lời bình cho chương trình, năm nhà thiết kế áo dài mà tôi vô cùng yên mến là Sĩ Hoàng, Liên Hương, Tiến Doãn, Pascal Tùng Lâm và Giang Tú, còn có cả anh Trịnh Bách và chị Thái Thị Kim Lan…

Nhiều người nói chúng tôi đặt câu hỏi thế nào là Hồn Việt ở thời điểm này có cần thiết không? Có quá xa xỉ không? Tôi nghĩ toàn bộ êkíp trong sức lực nhỏ nhoi vẫn cố làm. Chương trình có hai bài múa đương đại, giống như giấc mơ Việt, một tiếng nói riêng, một cách thể hiện riêng, có đầy đủ các dân tộc trong đó, thấp thoáng cả người Chăm…

Làm thế nào để hoà nhập mà không hoà tan, câu hỏi đó thấm sâu vào từng thớ thịt của tôi trong những ngày xa xứ, trong từng cách dạy con, và trong những đêm dài không ngủ. Có một tự hào Việt Nam từ những nhân vật cá thể tưởng như vô danh. Chẳng lẽ những người khuyết tật, vô danh không phải là người Việt Nam hay sao? Những người cơ thể không hoàn chỉnh vẫn có thể mặc chiếc áo dài Việt Nam. Hồn Việt là lời của đất, của nước, của cát, của những cái chết không phí hoài cho tự hào Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rằng đây chỉ là cuộc chạy tiếp sức, để người Việt Nam bước vào toàn cầu hoá có thể tự hào hơn. Giấc mơ lớn, nhưng thực ra không khó làm. Tôi nhớ anh Trần Quảng Nam, tác giả của Mười năm tình cũ có nói: “Nói những điều về văn hoá Việt Nam, 95% dân mình là nghèo, từ cái nghèo đó có phần xấu xí. Hoàn cảnh khó làm cho người ta phải ra đi, nhưng càng đi xa lại càng gần với tự hào Việt Nam. Phải sống ở Mỹ mới hiểu hơn ai hết, người Mỹ rất cá nhân, rất ích kỷ. Người Việt trong khốn khó vẫn giữ hồn cốt Việt Nam”.

– Chị có thể giới thiệu một chút về năm nhà thiết kế của chương trình?

– Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, một người mơ mộng và lãng mạn mới đi làm một bảo tàng áo dài tư nhân như thế. Pascal Tùng Lâm, một nhà thiết kế người Việt nổi tiếng ở Pháp, có những thiết kế áo dài Việt Nam được người Pháp nể trọng, vẫn giữ được hồn cốt Việt Nam. Liên Hương, một trong những người tìm cách đưa áo dài Việt Nam ra thế giới. Tiến Doãn luôn liên kết các trường, làm việc với các hiệu trưởng để áo dài không biến mất khỏi trường học, liên tưởng ý thức của người Việt. Anh rất có lòng với áo dài học đường. Hồn Việt đặt ra ba câu hỏi lớn: Truyền thống, Cách tân và Sáng tạo. Áo dài giống như cải lương, phải đổi mới nhưng không thể phá vỡ cái cũ. Mượn áo dài như cuộc tranh cãi nhiều thứ, để gìn giữ bản sắc Việt. Đừng để bọn trẻ thấy cái này già, không thú vị để mặc.

– 22 năm xa  Việt Nam, điều gì khiến chị còn day dứt nhất?

– Nhiều năm rồi, cảm giác nhớ cũng chai đi. Lúc Phượng ra đi IDECAF mới thành lập, sân khấu 5B vẫn còn phong độ lắm. Giờ trở lại mọi thứ đã khác xưa. Thực ra mình rất nhớ nghề, nhưng khi các con còn nhỏ, đâu có dám bỏ con để trở về. Giờ thì con trai đã là sinh viên năm thứ 4 đại học, con gái là sinh viên năm thứ 2, các con có thể lo được cho bản thân rồi. Các con cũng động viên mẹ nên trở lại nghề diễn…Chương trình Hồn Việt cũng là một cái cớ để mình trở về, tiếp theo là nhận vai bà Trùm giang hồ trong bộ phim của một đạo diễn trẻ từng học ở New York. Đây là vai diễn rất tính cách, khác hẳn mình ở ngoài đời. Nhưng Phượng “đặc trị” mấy vai như vậy.

Gặp lại Thành Lộc, rất vui khi bạn nhận xét Phượng vẫn giữ được tiếng nói và phong cách, “nó có máu lạnh”! Trong những bài báo viết về Phượng, vui hơn khi đọc những lời bình ở bên dưới, khán giả nhắc tới những vai mình đã diễn, mong sự trở lại của mình. Có lời hay lắm: “Lão lai tài tận, lớn tuổi rồi đừng hy vọng nhiều quá”. Tôi biết, văn ôn võ luyện mà, không chủ quan mình vẫn như xưa. Mình biết mình thì trăm trận trăm thắng.

– Ở Hollywood, diễn viên càng già càng phong độ mà chị?

– Mỗi tuổi đều có vai của nó, vẻ đẹp của người già là ở những nếp nhăn. Ngày xưa khi chưa có chồng có con diễn vai đó phải gồng, phải tập. Giờ diễn lại đã có bề dày kinh nghiệm rồi. Điều tôi sợ nhất là “Hội chứng về tiếng ồn của người Việt”, nhất là trong sân khấu. Diễn giành nhau nói, sợ người ta không biết mình. Mình già theo năm tháng, nhưng tiếng nói vẫn không đổi. Để giữ gìn sắc vóc, phải tập yoga thường xuyên và coi phim, coi sách để không lạc lõng. Tôi tập yoga siêng lắm, mỗi ngày một tiếng, ra bơi một tiếng nữa.

May mắn lần trở về này có hai nhà sản xuất lên tiếng mời, nên dự định nếu có một vài công việc sẽ ở lại thêm. Chỉ mong làm hết sức trong khả năng, quay trở lại khán giả chấp nhận bao nhiêu mình mừng bấy nhiêu thôi. Trời thương cho mình thuộc lời rất nhanh, chỉ cần đọc hai lần thuộc cả đoạn dài rồi… Nhanh nhạy so với tuổi trẻ thì không bằng, nhưng võ công mình có, xuất chiêu mình cũng còn. Rất tiếc mình không được liên tục hành nghề, nội công thâm hậu chắc cũng không đến nỗi.

– Làm thế nào chị có thể vượt qua nỗi đau sau lần chia tay, để tiếp tục nuôi con thành người giữa nơi đất khách quê người?

– Phải cố gắng rất nhiều để vượt qua. Bố các cháu ra đi khi đứa lớn bảy tuổi, đứa nhỏ mới năm tuổi. Mỗi ngày tôi phải gửi con ở thành phố này, đi làm ở thành phố khác, các con chỉ được ở với mẹ một đêm mỗi tuần cho hết mùa hè. Nghĩ tới ngày đó giật mình luôn. Nhưng thời gian hay thật. Vừa đi làm vừa chăm con, tôi không cho phép mình được bệnh. Trời thương, tụi nhỏ ít bệnh lắm. Môi trường Canada lành lắm, không tốn tiền học cho con nhiều…

Mình hy sinh tất cả để hai con được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Ở Sài Gòn phần lớn sinh hoạt ngoài trời, xứ nóng, bạn bè nhiều. Còn bên đó sinh hoạt chủ yếu trong nhà, mùa hè ngày kéo dài, 10 giờ đêm mặt trời mới bắt đầu xuống.

Nhưng bù lại mùa đông 4 giờ trời tối thui. Mình rất thích mùa hè bên đó, còn mùa đông xuống thời tiết rất ảnh hưởng tâm lý của mình, tuyết, mưa gió lạnh lẽo, chỉ ở trong nhà, nên rất quý nắng. May mắn tụi nhỏ ngoan lắm. Con rất tự lập, trưởng thành, qua 16 tuổi tự động đi kiếm việc làm, không thích mỗi chút ngửa tay xin tiền cha mẹ… Mình được cái may mắn trời thương, không nỡ dồn mình tới đường cùng.

– Chị chia sẻ điều gì với những bà mẹ đơn thân?

– Phải làm việc, đừng ở không. Làm việc để lấp thời gian trống, không dựa vào ai hết. Thứ hai con cái mình thương, nhưng phải thương bản thân mình, không được bỏ bê, buông xuôi. Tại sao mình không tận hưởng cuộc sống từng phút giây, để cân bằng chính mình, mới có thể giúp con cân bằng. Vì những đứa con không cha rất dễ rơi vào khủng hoảng. Con rất cần mình nhưng nó có cuộc sống của nó, đừng hết lòng vì con để sau này thấy hụt hẫng. Người Việt Nam thường sở hữu con, sắm nhà sắm cửa cho con. Nhưng đừng quá cố gắng, vì con không cần, nó có thể tiếp tục cuộc sống giống như mình ngày xưa. Con trai Phượng đi rửa xe nguyên tháng hè đen thui, nhưng kiếm được đồng tiền sướng lắm. Lao động là vinh quang đó.

– Trong nghề diễn chị coi trọng điều gì?

– Tính chân thật, cái cốt lõi của mình.

Kim Yến thực hiện
Theo TGTT