Người dân Mỹ Latinh đổ xô du lịch Mỹ để tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí

549
Một trung tâm tiêm vaccine ngừa Covid-19 gần Santa Fe International Bridge ở El Paso, bang Texas. Ảnh Reuters chụp ngày 7/5/2021.
Tiêu điểm:

Người dân Mỹ Latinh đổ xô du lịch Mỹ để tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí

Du lịch tiêm chủng đang hình thành ở nhiều nước châu Mỹ Latinh khi các tour trọn gói gồm đặt lịch tiêm vaccine, mua vé máy bay, khách sạn và cả các tour tham quan, mua sắm ra đời. Sản phẩm du lịch mới là hệ quả người dân mất niềm tin vào hệ thống y tế công cộng và khả năng quản trị quốc gia ở nhiều nước Nam Mỹ.
“Bạn muốn tiêm vaccine ngừa Covid-19? Đã có visa nhập cảnh Mỹ? Hãy liên lạc với chúng tôi”. Một mẩu quảng cáo dành cho công dân Mexico muốn bay đến Mỹ để sớm được tiêm vaccine Covid-19.
Từ nước Mexico láng giềng cho đến Argentina xa xôi, hàng ngàn người Mỹ Latinh đang đặt vé máy bay đến Mỹ để hưởng “ké” một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trên thế giới. Bởi những đợt tiêm chủng ở xứ sở của họ rất eo sèo và khó đến lượt.
Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nhất với số ca tử vong đã vượt quá 1 triệu trong tháng này. Và nhiều người không muốn mất thời gian kiên nhẫn đợi đến lượt mình.
Một số người tự hoạch định chuyến đi, trong khi số lớn khác lại nhờ đến các công ty du lịch, hãng lữ hành vốn nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mới. Các hãng tung ra các tour trọn gói gồm đặt lịch tiêm vaccine, vé máy bay, khách sạn và thậm chí có thêm chuyến tham quan thành phố và cả tour mua sắm.
Bà Gloria Sanchez, 66 tuổi và chồng bà – ông Angel Menendez, 69 tuổi – cùng du lịch đến Las Vegas hồi tháng 4 rồi để được tiêm vaccine liều đơn Johnson & Johnson.
“Chúng tôi không tin tưởng vào dịch vụ y tế công ở Mexico. Nếu chúng tôi không đến được nước Mỹ nơi tôi cảm thấy hài lòng hơn, tôi sẽ không tiêm vaccine ngay tại Mexico”, bà Sanchez kể lại chuyến đi hồi tháng trước.
Một hãng lữ hành ở Mexico City nhận tổ chức chuyến đi cho vợ chồng bà Sanchez và đối tác ở Las Vegas lo mọi chuyện ở Mỹ từ đặt lịch tiêm vaccine, rồi lái xe chở họ đến trung tâm hội nghị Las Vegas là bệnh viện dã chiến để tiêm vaccine.
“Chúng tôi quyết định xem đây là một kỳ nghỉ và đã tận hưởng trọn vẹn cả tuần lễ. Đi khắp nơi, ăn những món ngon thật đắt tiền và đi mua sắm”, bà Sanchez kể.
Nhu cầu bùng nổ. Giá vé từ Mexico đến Mỹ đã tăng trung bình 30-40% kể từ giữa tháng 3 vừa rồi – theo lời Rey Sanchez từ hãng lữ hành RSC Travel World. Ông cũng nói thêm rằng hàng ngàn người Mexico cũng như nhiều ngàn người Mỹ Latinh đã đến Mỹ để tiêm vaccine. Các điểm đến hàng đầu là Houston, Dallas, Miami và Las Vegas.
Hãng tin Reuters nói rằng họ đã không tìm được số liệu chính thức về lượng hành khách thực hiện các chuyến du lịch tiêm chủng. Thường thì khách không nêu tiêm vaccine là lý do để bay đến Mỹ.
Các thành phố xứ cờ hoa đã nhanh chóng bắt “trend” với việc mở thêm các dịch vụ cần thiết ở các khách sạn và nhà hàng đắt tiền và các điểm khác.
Chính quyền thành phố New York cũng ra rả quảng cáo trên Twitter. “Chào mừng quý khách đến New York, vaccine đang chờ đợi bạn. Chúng tôi tiêm vaccine Johnson & Johnson tại những địa điểm du lịch nổi tiếng khắp thành phố”, một quảng cáo ngày 6/5 viết như thế.
Đại sứ quán Mỹ tại Peru gần đây cũng thông báo trên Twitter rằng du khách có thể đến Mỹ vì các lý do y tế, trong đó có việc tiêm vaccine. Các du khách từ Mỹ Latinh đã nói với Reuters rằng họ có thể được tiêm vaccine với giấy tờ tùy thân được cấp ở đất nước họ.
Ở phía Nam khu vực này, các hãng lữ hành Argentina đang bán khá chạy các tour tiêm vaccine. Một quảng cáo ở thủ đô Buenos Aires đã liệt kê các chi phí dự trù cho việc tiêm vaccine ở Miami: vé máy bay 2.000 USD, tiền khách sạn trong một tuần 550 USD, tiền ăn 350 USD, thuê xe $500 và vaccine thì miễn phí. Tổng chi phí chuyến đi: 3.400 USD.
Ban đầu chỉ có giới giàu có Mỹ Latinh mới nghĩ đến các chuyến đi du lịch tiêm chủng. Nhưng giờ đây tầng lớp có thu nhập khiêm tốn cũng bắt đầu đặt mua các tour này. Đối với nhiều người, chi phí cho những chuyến bay dài là yếu tố cần cân nhắc nhất.
“Tôi chuẩn bị tiền để đi California vào tháng 6 tới”, một công nhân ở xưởng linh kiện xe hơi ở Lima, Peru nói. “Nếu nhìn lại mọi việc đang diễn ra ở đây, không có hy vọng mọi người sẽ sớm được tiêm ngừa”, anh nói.
Các kế hoạch tiêm chủng triển khai ì ạch ở phần lớn các nước Mỹ Latinh là lý do phổ biến nhất mà người dân ở khu vực này chọn đi du lịch Mỹ để tiêm chủng – ông Rey Sanchez nhận định.
Không có nhà xưởng và năng lực để sản xuất vaccine trong nước, các chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ Latinh bị ảnh hưởng bởi các đình trệ của nhà cung ứng và tình trạng khan hiếm vaccine. Nước Mỹ đã tiêm gần 262 triệu liều, gấp 2,3 lần số liều vaccine đã tiêm ở cả khu vực Mỹ Latinh với dân số gấp đôi nước Mỹ – theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Our World in Data.
Người dân cũng không tin tưởng mấy vào các chiến dịch tiêm ngừa ở Mỹ Latinh cũng là lý do tour du lịch tiêm chủng bán chạy, ông Sanchez giải thích.
Công chúng cũng mất tin tưởng vào chiến dịch tiêm của chính phủ bởi đã có số lượng lớn vaccine giả bị nhà chức trách tịch thu hoặc liều tiêm thứ hai không có sẵn khi đã đến ngày tiêm theo đúng lịch.
Du lịch vaccine đã thúc đẩy đi lại hàng không đến Mỹ gia tăng, với giá vé máy bay vào phút chót thường gấp 2-3 lần giá vào tháng 1/2021 vừa rồi, thậm chí ngay cả khi các hãng hàng không tăng chuyến – theo Rene Armas Maes, Phó chủ tịch phụ trách thương mại của hãng tư vấn hàng không MIDAS Aviation đặt tại London.
Hãng hàng không LATAM Airlines lớn nhất trong khu vực nói nhu cầu bay đi Mỹ để tiêm vaccine của người dân Nam Mỹ đã gia tăng. Hãng Aeromexico nói lượng hành khách giữa Mexico và Mỹ đã tăng 35% trong tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Riêng American Airlines nói đã ghi nhận nhu cầu gia tăng nhanh chóng từ các khu vực tiểu vùng Mỹ Latinh trong những tháng gần đây và hãng này đã tăng tần suất bay, mở thêm tuyến mới hoặc sử dụng máy bay thân rộng đến Colombia, Ecuador và Mexico.
Đối với người dân Nam Mỹ, vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp miễn phí ở Mỹ như là một tia hy vọng mới giữa lúc dịch bệnh bùng phát về chủng và lan rộng ở nhiều nước. Du lịch tiêm chủng mang lại cho họ cơ hội sống còn hiếm hoi khi nền y tế và khả năng quản trị nhà nước đã ngã quỵ trước các đợt sóng tấn công của Covid-19.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,75 – 56,1 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 230.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.829,8 USD/ounce, giảm 6,2 USD/ounce, tương đương 0,34% giá trị so với chốt phiên trước. Được biết, chỉ số USD Index duy trì đà giảm là một hỗ trợ đối với kim loại quý.
2/ Startup Việt phát hành trò chơi blockchain Sky Mavis cho biết đã huy động được 7,5 triệu USD từ đợt gọi vốn Series A được dẫn đầu bởi Libertus Capital (Anh). Các nhà đầu tư tham gia vòng gọi vốn này bao gồm cả những cổ đông hiện tại của Sky Mavis và các nhà đầu tư mới. Khoản đầu tư mới sẽ giúp Sky Mavis mở rộng đội ngũ nhân viên của mình, đồng thời quảng bá trò chơi Axie Infinity đến hàng triệu người dùng mới. Startup này cho biết họ đã bắt đầu thuê các nhà phát triển trò chơi truyền thống để hỗ trợ cho quá trình mở rộng quy mô của mình. Trước đó vào năm 2019, Sky Mavis đã huy động được 1,5 triệu USD từ quỹ tiền điện tử Hashed (Hàn Quốc), quỹ blockchain Pangea (Thụy Sĩ), ConsenSys (Mỹ) và 500 Startups. Axie Infinity hiện là hệ sinh thái chơi game NFT lớn nhất thế giới, với hơn 41.000 người dùng hoạt động hàng ngày và khoảng 45.000 người nắm giữ Axies. Tựa game này giúp Sky Mavis thu về hơn 15 triệu USD lượng doanh thu NFT hàng tháng và mức định giá hơn 2 tỷ USD.
Axie Infinity là một game được xây dựng trên nền tảng blockchain, cụ thể là ECR721 token.
3/ Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam (VBA) đã cảnh báo nguy cơ sản phẩm mật ong Việt Nam bị cơ quan chức năng Mỹ điều tra chống bán phá giá với mức thuế đề xuất lên đến hơn 200%. Theo đó, vào ngày 21/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và 4 nước khác từ Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux. Theo VBA, mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị áp cho mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34-99%), Ukraine (11-95%) và Argentina (17-23%). Theo số liệu của hải quan Mỹ, xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Mỹ.
4/ Lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN ngoài Thái Lan vào Việt Nam trong quý 1 năm nay đã tăng trưởng với mức độ bùng nổ, khiến cho đường Việt Nam vẫn khó tiêu thụ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành mía đường nội địa đã ép được gần 6,3 triệu tấn mía, sản xuất được 661.712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/21 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn. Là mức thấp kỷ lục về sản lượng. Tuy sản lượng đường trong nước giảm mạnh, nhưng việc tiêu thụ lại đang rất khó khăn, bởi sự cạnh tranh gay gắt của đường ngoại trên thị trường nội địa. Trong tháng 4/2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khống chế thị trường. Đặc biệt đường nhập khẩu từ Thái Lan vào giai đoạn trước khi áp thuế và đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN.
5/ Giá xoài cát Chu và xoài Đài Loan ở tỉnh Đồng Tháp đã suy giảm rất thấp. Theo đó, nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp như: huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh ngậm ngùi than lỗ khi mùa xoài cuối vụ gần hết. Vào cuối năm 2020, giá 2 loại xoài Cát Chu và xoài Đài Loan từ 20.000 – 24.000 đồng/kg nhưng hiện nay xuống thấp, người trồng xoài lỗ hơn 50 triệu đồng/ha. Nguyên nhân khiến giá xoài giảm mạnh là do đầu mối mua gom xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện ngừng mua hàng, khiến cung vượt cầu, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ ít vì cùng mùa với các loại trái cây khác cũng vào vụ thu hoạch rộ như: chôm chôm, sầu riêng, dâu, mận… Vì vậy, nhiều điểm thu mua xoài ở thành phố Cao Lãnh phải bỏ hàng trăm giỏ xoài vì đã chín nên không thể đóng gói được.
6/ Hàng loạt đồng tiền mã hóa lấy cảm hứng từ động vật đang tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, trào lưu này không dựa trên lõi công nghệ và tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính. Trong thời gian qua Bitcoin có đợt điều chỉnh mạnh khi giá có lúc giảm xuống khoảng 54.500 USD. Nhiều đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, Binance coin cũng giảm giá mạnh. Tuy nhiên, một loạt tiền mã hóa có giá trị thấp như Shiba Inu, Pig Finance hay Goat Cash lại tăng vài chục đến hàng trăm phần trăm. Điều này cho thấy giới đầu tư tiền mã hóa đang đổ xô đi mua những loại tiền liên quan đến động vật. Trong bối cảnh, đồng Dogecoin suy giảm thì đồng Shiba Inu (SHIB) đã tăng giá mạnh. Chỉ sau vài ngày, giá của Shiba Inu đã tăng gần 40 lần. Giá trị vốn hóa của đồng tiền này đã tăng từ gần 30 triệu USD lên hơn 20 tỷ USD chỉ sau vài ngày.
7/ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong tài khóa hiện tại (2021-2022) xuống còn 9,3%, đánh giá làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này đang cản trở đà phục hồi kinh tế và làm tăng rủi ro gây ra những tác động tiêu cực về dài hạn. Trong dài hạn, Moody’s kỳ vọng tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ vào khoảng 6%. Do tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 thứ hai, nên Moody’s đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Ấn Độ, có tính đến lạm phát từ mức 13,7% đưa ra trước đó xuống còn 9,3% cho tài khóa 2021-2022 và từ 6,2% lên 7,9% trong tài khóa 2022-2023. Được biết, theo ước tính chính thức, thì nền kinh tế Ấn Độ đã sụt giảm 8% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021.
8/ Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu bang Hamburg, nơi Facebook đặt chi nhánh tại Đức, đã gửi lệnh cấm tới mạng xã hội sở hữu dịch vụ nhắn tin phổ biến WhatsApp. Từ đầu năm nay, khi chạy phần mềm WhatsApp, một cửa sổ sẽ tự động bật lên. Cùng với đó, đồng thời chuyển vụ việc lên cơ quan giám sát của Liên minh châu Âu (EU), với lý do lo ngại ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Đức. Hiện ở Đức có khoảng 60 triệu người dùng WhatsApp, ứng dụng trò chuyện hiện phổ biến nhất hiện nay ở nước này. Tuy nhiên, WhatsApp khẳng định lệnh cấm được đưa ra không có cơ sở chính đáng và dựa trên sự “hiểu lầm cơ bản” về mục đích và tác dụng của bản cập nhật. Do vậy, lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp tục triển khai bản cập nhật.
9/ Theo Bloomberg, TikTok của ByteDance hiện đang làm việc với nhiều thương hiệu để thử nghiệm việc bán hàng trong ứng dụng ở châu Âu, một động thái sẽ tăng cường cạnh tranh với Facebook. Được biết, ứng dụng video nổi tiếng này đang hy vọng sẽ tái lập thành công của người anh em Douyin thu về 26 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử chỉ trong năm đầu tiên hoạt động. TikTok đã bắt đầu làm việc với các thương gia ở nhiều thị trường về cách họ có thể bán sản phẩm trực tiếp cho hàng triệu người dùng trong ứng dụng. ByteDance đang tích cực tham gia vào đấu trường thương mại điện tử Trung Quốc trị giá 1.700 tỷ USD với hy vọng tăng trưởng lớn trước đợt chào bán công khai. Công ty đặt mục tiêu xử lý hơn 185 tỷ USD thương mại điện tử hằng năm vào năm 2022, dựa trên khả năng tiếp cận của các trang mạng xã hội TikTok và Douyin.
TikTok sẽ thách thức Facebook khi ra mắt chức năng mua sắm trong ứng dụng
10/ Google đã hợp tác với các công ty chuyển nhận kiều hối Wise và Western Union Co triển khai dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho những người sử dụng ứng dụng thanh toán Google Pay tại Mỹ. Theo đó, Người dùng Google Pay tại Mỹ có thể chuyển tiền cho những khách hàng của ứng dụng này tại Ấn Độ và Singapore và dịch vụ này theo kế hoạch sẽ được mở rộng ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua Wise và 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua Western Union vào cuối năm nay. Sự hiện diện của Google tại thị trường dịch vụ kiều hối trị giá 470 tỷ USD đánh dấu một bước tiến nữa của công ty công nghệ này nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính, tăng cường sự cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán số.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Thực phẩm trở thành rác thải: VẤN NẠN TẠI AI?