Nguyên văn phát biểu của Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng tại Mekong Connect 2021

30
Tham dự Diễn đàn Mekong Connect lần thứ 5, Bộ Khoa học và Công nghệ xin tiếp tục bày tỏ sự đánh giá rất cao đối với việc tổ chức Diễn đàn này. Đồng thời, cũng tiếp tục khẳng định sự đồng hành của Bộ đối với việc phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Vùng nói riêng.
Được mời tham dự Diễn đàn năm nay với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới”, Bộ Khoa học và Công nghệ xin được chia sẻ 2 nội dung có mối liên hệ rất gần gũi với chủ đề này.
Một là, sự hình thành và phát triển của Đổi mới sáng tạo mở. “Đổi mới sáng tạo Mở” – OI (Open Innovation) là khái niệm không có tính chính xác tuyệt đối khi nó đang trong quá trình tự tiến hóa, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là khái niệm bắt đầu được diễn giải vào năm 2003, theo đó, các công ty đang ngày càng suy nghĩ lại những cách thức họ tạo ra các ý tưởng và mang chúng tới thị trường – khai thác các ý tưởng bên ngoài, hoặc tận dụng nghiên cứu và phát triển trong nội bộ về những vấn đề nằm ngoài các hoạt động hiện hành của doanh nghiệp.
Nói một cách khác, đổi mới sáng tạo mở là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty khai thác được các nguồn đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa, hoặc phát hành kết quả ĐMST phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty nhưng có thể được sử dụng hiệu quả ở đâu đó.
Như vậy, ĐMST Mở được nhìn nhận như kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội đòi hỏi trao đổi tri thức cũng như năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, chức trách nhà nước hay công dân. Do vậy, ĐMST không thay thế cho quy trình ĐMST Truyền thống (ĐMST Đóng), mà được nhìn nhận như một bổ sung cần thiết nhằm giúp đỡ các công ty luôn cập nhật được với xu thế công nghệ mới nhất, giúp đỡ giải quyết những vấn đề trong quá trình tìm tòi và phát triển sản phẩm.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, hay liên kết với Vùng Đông Nam Bộ, hay với các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở có thể là 1 giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Vùng. Bản thân Diễn đàn này có thể coi là 1 cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của Vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế – xã hội của Vùng.
          Hai là, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN. Thời gian qua, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH&CN cơ bản được hoàn thiện với 04 Luật, 06 Nghị định và 12 thông tư đã dược ban hành. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới cần tập trung thực hiện 1 số giải pháp phát triển thị trường KH&CN sau:
(i) Ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Đồng bằng sông Cửu Long, lấy hạt nhân nòng cốt là sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Cần Thơ và sàn giao dịch thiết bị và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
(ii) Hình thành và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.
(iii) Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Vùng như: chuỗi tôm, chuỗi cá tra, chuỗi lúa gạo,….
(iv) Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Năm nay, với sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, Mekong Connect 2021 chắc chắn sẽ là một diễn đàn sôi động, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan.