Nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào bất động sản Việt Nam

534
Mỗi năm có khoảng 760 triệu USD đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam từ các nhà đầu tư ngoại.

Khách sạn và văn phòng là hai loại hình bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại nhiều nhất. Ngoài ra, nhà đầu tư trong nước sẽ dần mở cửa cho nguồn vốn nước ngoài.

Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản của CBRE Việt Nam nhận định: thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp những rủi ro và các loại hình bảo hiểm đang phát triển phức tạp. Nguyên nhân của việc không đắn đo này là nhà đầu tư ngoại nhìn mục tiêu dài hạn hơn lợi nhuận trước mắt.

Hiện nay, mức đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam khoảng 760 triệu USD/ năm.

CBRE cho biết, so với các nước trong khu vực, dòng vốn ngoại đổ về Việt Nam nhiều hơn vì tình hình chính trị ổn định, GDP tăng trưởng mức 6,65% cao hơn các nước Asean.

Hai lĩnh vực của thị trường được nhà đầu tư ngoại quan tâm vẫn là văn phòng cho thuê và khách sạn.

Nguyên nhân được lí giải từ nhu cầu khởi nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở trong nước thành những phong trào. Từ đó, nguồn cung văn phòng ở Hà Nội và TP. HCM luôn được bổ sung. Theo đó, văn phòng cho thuê tại TP. HCM đang có tỷ lệ trống ở đáy và Hà Nội sẽ có văn phòng trống nhiều hơn do nguồn cung được bổ sung liên tục. Cả hai đô thị lớn nhất Việt Nam này phát triển tốt hơn nhờ vào hệ thống giao thông hoàn thiện và các tuyến metro tiện ích.

Bên cạnh đó, khách du lịch sẽ là nhân tố tiếp theo thu hút dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản. Dự đoán của CBRE, dòng vốn ngoại sẽ chảy vào bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang…

Trong một diễn tiến khác, các chính sách về tiền tệ hạn chế dòng tiền vào bất động sản sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó vay vốn ngân hàng. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ mở cửa đón nhà đầu tư ngoại góp vốn. Điển hình như cuối năm 2016, Novaland và Sơn Kim Land đã kêu gọi được 120 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đại diện CBRE cho biết, môi trường Việt Nam đang khá giống Trung Quốc mười năm trước. Các chủ đầu tư trong nước đang chiếm số đông dự án nhưng họ cần tiền để phát triển các dự án bất động sản thương mại. Như vậy, các đầu tư ngoại quốc sẽ đón nhận cơ hội này một cách dễ dàng hơn để hợp tác những dự án hay kế hoạch dài hơi hơn. Về lâu dài, các cuộc hợp tác này sẽ thưa dần.

Hiện nay, nhiều công ty bất động sản Việt Nam niêm yết sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ khá cao, các công ty này khó thu hút nguồn vốn. Vì vậy, cho vay tài chính cũng là kênh hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Thanh Nhã (Theo Thời Đại)