Nhà đầu tư nước ngoài dọa sẽ rời Philippines do chậm hoàn thuế

Công nhân đang làm việc ở nhà máy điện tử Kinpo Electronics tại Malvar, thị trấn cách thủ đô Manila 65 cây số theo hướng đông nam. Philippines đang bị tụt hậu trong thu hút đầu tư nước ngoài so với Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Ảnh: Reuters

Quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhiêu khê và phức tạp của Philippines đã khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia ngán ngẩm và đang cân nhắc việc rút khỏi thị trường này. Hệ thống thuế phức tạp đã khiến việc hoàn thuế trở thành gánh nặng chi phí mới lớn hơn mức hoàn thuế VAT 12%. khác.

Philippines đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh đối đầu địa chính trị gia tăng. Việc chậm trễ trong hoàn thuế có thể trở thành nguồn cơn cho một cuộc xung đột thương mại mới. Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu gây sức ép buộc chính quyền Manila phải hành động.

Nhà đầu tư thúc giục cải cách thủ tục hoàn thuế

“Nếu chuyện chậm hoàn thuế cứ kéo dài, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc rút lui”, đại diện một tập đoàn đa quốc gia nói với Nikkei Asia. Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Philippines, nhưng Manila vẫn chưa đưa ra kế hoạch giải quyết căn cơ.

Một loạt công ty Nhật Bản, bao gồm các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và công ty thương mại, cũng đang chờ được giảm thuế VAT. Thiết bị điện tử là mặt hàng xuất khẩu chính của Philippines và các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng.

“Ngay cả sau khi nộp các thủ tục giấy tờ theo yêu cầu cho Cục Doanh thu nội địa (BIR), cơ quan này vẫn từ chối hoàn trả các khoản VAT bằng cách trích dẫn các quy tắc không được ghi rõ ràng trong luật thuế hoặc các luật và quy định khác”, đại diện một công ty Nhật nói.

Tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia Dole, chuyên xuất khẩu chuối, chưa nhận được hoàn thuế 12% đối với chi phí bán buôn. Tổng số tiền ước tính đến 67 triệu đô la. Tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ cũng đã khiếu nại về việc chậm trễ trong hoàn thuế VAT.

Jules Riego, đồng chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính, thuế và thuế quan của AmCham (Phòng Thương mại Mỹ) tại Philippines nói rằng: “Chúng tôi không có con số chính xác. Nhưng có lẽ đây là khó khăn chung với các bên. Chuyện này ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp”. AmCham đang thúc giục các bên có liên quan sửa đổi luật để đơn giản hóa hay hợp lý các thủ tục giấy tờ.

Hệ thống thuế rối rắm

Nhiều công ty đa quốc gia chuyển hướng đầu tư sang Philippines với kỳ vọng được giảm thuế. Và giờ thì họ phải đối mặt với mức chi phí tăng vọt 12% mà họ không lường được trước đó.

Một hãng tư vấn thuế nói rằng: “Thủ tục hoàn thuế của Philippines đã chặt chẽ hơn sau các đợt cải cách. Nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã ngán ngẩm và muốn bỏ luôn khoản hoàn thuế do thời gian, nhân công và chi phí giao dịch với cơ quan thuế”.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng miễn cưỡng, không mạnh mẽ đòi lại các khoản hoàn thuế bởi lo ngại phải đối mặt với các cuộc kiểm toán trả đũa của BIR.

Các tập đoàn đa quốc gia đang chịu thiệt vì chậm hoàn thuế đang suy đoán về các ý định của Manila. “Doanh thu thuế ngày càng eo hẹp do các năm Covid, nên họ đang nhắm vào các tập đoàn nước ngoài”, một doanh nghiệp phàn nàn. Một doanh nghiệp khác lý giải rằng phía chính phủ “có hạn ngạch cần hoàn thành” bởi các khoản thuế cần hoàn lại đang chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách.

Các nhà sản xuất xuất khẩu do Cơ quan quản lý đặc khu kinh tế Philippines (PEZA) chỉ định được miễn thuế VAT. Nhưng vào năm 2021, chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã ban hành Đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (CREATE). Luật này đã giảm thuế doanh nghiệp nhưng cũng làm cho cách diễn đạt miễn thuế VAT trở nên kém rõ ràng hơn. Nhưng về cơ bản, Nikkei Asia bình luận, đạo luật CREATE lại tạo ra vấn đề, tức thu hẹp phạm vi miễn trừ.

Cụ thể, luật CREATE nói việc miễn thuế VAT “sẽ chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ được sử dụng trực tiếp và độc quyền trong các dự án hoặc hoạt động đã đăng ký của một doanh nghiệp kinh doanh đã đăng ký”. Nhiều người cho rằng “trực tiếp và độc quyền” là những thuật ngữ mơ hồ.

Các nhà sản xuất có thể yêu cầu hoàn lại chi phí mua sắm linh kiện và dây chuyền sản xuất được miễn thuế VAT. Nhưng đã lời than phiền rằng các chi phí liên quan đến nhà vệ sinh, nhà kho, phòng ăn và phòng nghỉ nằm trong khuôn viên nhà máy được xác định là không được miễn thuế.

Sửa đổi luật thuế để thu hút FDI

Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang trở thành trung tâm sản xuất cho ngành công nghiệp điện tử và xe hơi trong làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Philippines có vẻ tụt hậu so với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Manila đang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành xe hơi, hàng không và điện tử, đặc biệt là từ các công ty ở Nhật Bản và Mỹ, những quốc gia có quan hệ gắn bó với Manila. Năm ngoái, vốn nước ngoài vào Philippines đã giảm 22% xuống còn 9,3 tỉ đô la. Đầu tư nước ngoài hiện đã ngang bằng với mức của năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát.

Bắt đầu nhiệm kỳ vào năm ngoái, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã tích cực kêu gọi và chào mời các tập đoàn nước ngoài đầu vào Philippines trong các chuyến công du nước ngoài. Vào năm 2022, Philippines đã sửa đổi luật đầu tư nước ngoài, gỡ bớt các hạn chế với vốn nước ngoài trong ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, việc thiếu hành động lộ trình cải cách trong quy trình hoàn thuế VAT đã khiến tăng trưởng FDI tại nước này rất ì ạch. Nobuo Fujii, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Philippines (JCCP), cho biết: “Chính phủ đang cố gắng hình thành chuỗi cung ứng nội địa trong các ngành công nghiệp cốt lõi, những các quy trình hoàn thuế phức tạp đã đảo ngược mọi chuyện”.

BIR gần đây đã ký một biên bản ghi nhớ với chín tổ chức, bao gồm cả AmCham và JCCP, hứa hẹn sẽ cải thiện dịch vụ cho người nộp thuế. Cơ quan thuế dường như có chuyển động sau khi có nhiều phàn nàn, khiếu nại từ các tập đoàn đa quốc gia.

Ricky Hồ / BSA Media