Nhà đầu tư trong nước chiếm 99% tổng số tài khoản chứng khoán

103
https://hvnclc.vn/nha-dau-tu-trong-nuoc-chiem-99-tong-so-tai-khoan-chung-khoan/

Có gần 1,09 triệu tài khoản chứng khoán mở mới trong 10 tháng đầu năm thuộc về các nhà đầu tư trong nước, tăng gần gấp ba lần tổng số tài khoản của cả năm 2020. Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) cho biết con số này còn cao hơn 1,03 triệu tài khoản được các nhà đầu tư mở mới trong giai đoạn 2017-2020.

VSD nói chỉ trong tháng 10-2021 đã có 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước đây.

Con số này chỉ đứng sau kỷ lục lập vào tháng 6 vừa qua với hơn 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong một tháng. Như vậy, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 8 tháng liên tiếp số lượng tài khoản mở mới đều nằm trên mốc 100.000.

Trong khi đó, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng tăng vọt lên hơn 370 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 5 trở lại đây.

Tính đến hết tháng 10-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở, trong đó có gần 99% tài khoản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ (gần 3,83 triệu tài khoản). Khoảng 1% còn lại là do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (38.700 tài khoản).

Tuy chỉ nắm giữ 1%, nhưng mỗi bước đi của các nhà đầu tư khối ngoại đều khiến mọi người chú ý. Các chuyên gia tài chính chứng khoán nói “mỗi động thái của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài là chỉ báo thông minh cho các nhà đầu tư khối nội trước mỗi quyết định mua vào hay bán ra”.

Về quy mô, tính đến cuối tháng 10-2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462.000 tỉ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng trong ngày 29-11 tăng trở lại cả ở thị trường trong nước và thế giới, giá vàng SJC xấp xỉ 61 triệu đồng/lượng. Mở cửa ngày giao dịch đầu tuần 29-11, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 60,2 triệu đồng/lượng, bán ra 60,9 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Biên độ chênh lệch mua-bán được các doanh nghiệp giữ ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng, không thay đổi so với những ngày trước. Đến cuối ngày 29-11, vàng miếng SJC được niêm yết mua bán quanh ngưỡng 59,95 – 60,6 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay cũng tăng trở lại sau khi có phiên lao dốc mạnh vào cuối tuần. Trong phiên sáng, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.794 USD/oz, tăng 3 USD/oz so với giá đóng cửa cuối tuần.

2/ Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11-2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong 11 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%)

Đóng góp vào chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), ngành khai khoáng có mức tăng 2,2%, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Về cơ cấu kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng qua, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.

3/ Theo Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021 đã giảm 26%.

Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.100 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%;  14.950 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%, trong đó có 13.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 3,9%; 184 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 25,5%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2021, ước tính đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

4/ Dự kiến, chanh leo (chanh dây) nguyên trái từ Việt Nam sẽ  cập bến và được phân phối trong tháng 12 tới tại thị trường Úc với mức giá dự kiến khoảng 9 AUD/ký, tức 145.000 đồng/ký.

Tuy nhiên, chanh leo tươi Việt Nam hầu như chỉ xuất sang Australia dưới dạng nhân, ruột đông lạnh. Chính điều này đã làm cho trái chanh leo Việt Nam chưa có thương hiệu tại thị trường này. Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Australia cho biết chanh leo là loại quả giữ nguyên được hương vị sau cấp đông, do cấu tạo tự nhiên của lớp vỏ.

Điều kiện thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và nhận được sự yêu thích từ người tiêu dùng tại các thị trường Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan. Với việc xuất khẩu nguyên quả, người tiêu dùng tại Australia sẽ có cơ hội thưởng thức chanh leo Việt Nam với vị ngọt dịu, thơm không bị mất nước và lớp vỏ căng, bóng, mịn.

5/ Black Friday trúng vào dịp cuối tuần nên các nhà bán lẻ công nghệ tại Việt Nam đều ghi nhận doanh thu tăng mạnh so với ngày thường. Năm nay, Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS, Hnam Mobile, Di Động Việt… đều có chương trình giảm giá cho ngày Thứ Sáu Đen. Nhờ đó, nhiều nhà bán lẻ công nghệ tại Việt Nam ghi nhận mức doanh thu ngày Black Friday tăng trưởng gấp đôi so với năm ngoái.

“Chỉ riêng mảng điện thoại, mỗi ngày chúng tôi bán được 200 tỷ đồng, gần gấp đôi năm ngoái thường ở mốc 100-120 tỷ/ngày… Như tháng Tết năm ngoái chúng tôi thu khoảng 4.200 tỷ, nhưng chỉ riêng tháng 10 vừa rồi doanh thu lên 4.600 tỷ đồng”,  ông Phùng Ngọc Tuyên – Giám đốc ngành hàng viễn thông di động của Thế Giới Di Động cho biết.

Thịt bò Kobe, tôm hùm, cua hoàng đế cũng vào danh sách giảm giá Black Friday, mua còn được thêm quà. Tuy nhiên, sức mua ở các siêu thị và trung tâm thương mại theo khảo sát, dù có tăng so với bình thường nhưng vẫn được cho là kém hơn nhiều so với cùng kỳ 2020.

6/ Theo Cục Thống kê Malaysia, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10-2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020 do giá nhiên liệu tăng và chính phủ dừng trợ cấp hóa đơn điện. Nguyên nhân chính dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng xuất phát từ mức tăng 11,3% của nhóm hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực giao thông. Cục trưởng Cục Thống kê Malaysia Mohd Uzir Mahidin dự báo dự báo tỷ lệ lạm phát của quốc gia Đông Nam Á trong những tháng tới sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các nhân tố bên ngoài, nhất là giá dầu thô toàn cầu và giá các mặt hàng thực phẩm. Tiến sỹ Uzir Mahidin cũng chỉ ra, việc mở cửa du lịch đón khách quốc tế trở lại cũng sẽ làm ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng, dịch vụ liên quan tới ngành du lịch.

7/ Không chỉ biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ 3 toàn cầu về số lượng, mới đây Xiaomi (Trung Quốc) đã tuyên bố tham gia cuộc chơi xe điện, tham vọng xây một nhà máy xe điện ở Bắc Kinh với mục tiêu 300.000 chiếc xuất xưởng  mỗi năm – tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD cho 10 năm tới. Nhà máy Xiaomi EV mới dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Chính quyền Bắc Kinh đã tiết lộ và cho biết rằng nhà máy xe điện của Xiaomi sẽ được xây dựng trong hai giai đoạn. Xiaomi cũng sẽ xây văn phòng điều hành đơn vị sản xuất xe EV, trung tâm nghiên cứu và thương vụ tại khu phát triển kinh tế và kỹ thuật Bắc Kinh, có sự hỗ trợ của chính quyền nơi này.

8/ Dịch Covid-19 sẽ gây tổn thất thêm 2.000 tỷ USD cho ngành du lịch toàn cầu trong năm 2021 sau khi ngành đã chịu thiệt hại tương đương trong năm 2020 – theo báo cáo của Tố chức Du lịch Thế Giới Liên Hiệp Quốc (UNWTO) công bố ngày 29-11.

Báo cáo cho biết tổng lượt du khách quốc tế trên toàn cầu trong năm nay vẫn thấp hơn 70-75% so với 1,5 tỷ lượt khách quốc tế được ghi nhận vào năm 2019, trước lúc đại dịch Covid-19 ập đến. Nếu tính cả năm ngoái, ngành du lịch toàn cầu đã chịu tổn thất đến 4.000 tỉ đô la, trở thành một trong những ngành bị thiệt hại nhiều nhất trong khủng hoảng Covid.

Báo cáo cũng dự báo doanh thu của ngành du lịch quốc tế có thể đạt 700-800 tỷ USD trong năm 2021, cải thiện rất ít so với năm 2020 và vẫn chưa đạt phân nửa con số 1.700 tỉ đô la được ghi nhận trong năm 2019.

9/ Cửa khẩu biên giới Singapore – Malaysia đã chính thức mở cửa trở lại hôm 29-11 cho công dân của hai nước đi lại sau gần 20 tháng họ bị chia cắt với gia đình và người thân. Sự kiện cửa khẩu đường bộ đông đảo nhất thế giới hoạt động trở lại đã có phần kém vui trong lúc có nhiều tin tức đáng lo ngại về biến chủng mới Omicron. Quá thiếu thông tin về chủng mới, cả hai nước đều đưa ra những tin tức khá dè dặt. Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng quá trình mở cửa trở lại của Singapore có thể đôi lúc “sẽ phải bước thụt lùi”.

Như vậy trong tháng 11 này, Singapore mở làn nhập cảnh mà không cần cách ly dành cho khách đi đường bộ hoặc bay trên tuyến Kuala Lumpur – Singapore . Việc nhập cảnh đường không và đường bộ đòi hỏi khách phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 48 tiếng đồng hồ trước khi nhập cảnh.

10/ Chính phủ Thái Lan đã cho phép 16 công ty bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan đang thua lỗ vì các hợp đồng bảo hiểm Covid giá rẻ bán ra từ đầu năm ngoái hủy bỏ sản phẩm này. Trong số các công ty trên, có 10 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Báo cáo mới nhất của các công ty này cho biết họ lỗ đến 5,8 tỷ baht, khoảng 176 triệu USD, chỉ trong quý 3.

Hãng Syn Munkong Insurance là hãng lỗ ròng lớn nhất, với phần lớn là do phải chi đến 6,8 tỷ baht tiền bồi hoàn cho các nạn nhân Covid, tăng 339% so với năm trước. Syn Munkong Insurance nói rằng đợt bùng phát mạnh trong quý 3 là nguyên nhân khiến hãng bảo hiểm thiệt hại to lớn.

Mỹ thử nghiệm loại kẹo cao su có thể ngăn chặn Covid xâm nhập cơ thể