Nhà đầu tư Trung Quốc ào ạt rót vốn vào trường tư quốc tế

    148
    Các trường quốc tế, đặc biệt là các trường thuộc thương hiệu hàng đầu của Anh, mọc lên khá nhiều ở khu vực Thẩm Quyến và các thành phố ở Quảng Đông. Các gia đình trung lưu Trung Quốc muốn bảo đảm an toàn cho con cái trong dịch Covid-19, nhưng vẫn thụ hưởng nền giáo dục đẳng cấp quốc tế. Đây là bước đệm để có thể ghi danh các trường đại học danh tiếng của phương Tây sau này. Nhưng điều quan trọng nhất là Trung Quốc học được mô hình quản lý trường học hiệu quả và du nhập nền công nghệ giáo dục chất lượng cao, nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

    Ghi danh trường quốc tế “mười chọi một”

    Trang Caixin ghi nhận đây là lần đầu tiên “nhu cầu đặc biệt lớn” ở một đô thị khác ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải. Các trường quốc tế của Anh được hưởng lợi từ xu hướng này như các chuỗi Harrow, Dulwich và Wellington vốn đã tăng số chi nhánh của mình gấp ba lần trong 5 năm qua – theo số liệu sơ bộ của Bộ Thương mại quốc tế Anh quốc (DIT).
    Caixin cũng nói rằng khoảng 11 trường quốc tế mới sẽ mở trong năm nay tại khu vực Vùng Vịnh Lớn (GBA), gồm tỉnh Quảng Đông và hai đặc khu Hong Kong và Macao. Con số này là sự tăng trưởng nổi bật của thị trường giáo dục quốc tế ở Trung Quốc, bởi năm ngoái số trường quốc tế ở Quảng Đông chỉ là 12 trong tổng số 53 trường trên toàn Trung Quốc – theo dữ liệu của nền tảng New School Insight Media.
    Các chuyên gia ngành giáo dục nói rằng phụ huynh đang hối hả ghi danh cho con bởi sợ hết chỗ. Giáo viên của một trường ở Thẩm Quyến nói rằng trường này đã đủ chỉ tiêu ghi danh ngay trong năm đầu hoạt động và trong hơn năm qua số ghi danh vẫn tăng đều. Alison Huang, phó hiệu trưởng của Trường giáo dục quốc tế Thẩm Quyến, cho biết số đăng ký ghi danh gấp 10 lần số học sinh trường có thể nhận.
    Tình trạng bất định của đại dịch đã khiến nhiều gia đình Trung Quốc lo lắng về chuyện gửi con đi học ở nước ngoài. Họ buộc phải chọn các trường song ngữ và quốc tế – Tổng lãnh sự Anh tại Quảng Châu Jo Hawley phát biểu. Nhà ngoại giao Anh cũng cho rằng xu hướng này cũng tạo nên cơ hội mới cho thị trường giáo dục phổ thông quốc tế ở đại lục.

    Thương hiệu trường tư Anh quốc luôn dẫn đầu

    Các thương hiệu từ xứ sở sương mù dẫn đầu thị trường giáo dục quốc tế luôn tăng trưởng ở khu vực GBA. Xu hướng này phản ánh sự tin tưởng của các bậc phụ huynh Trung Quốc vào chất lượng hàng đầu của trường tư nước Anh.
    Trong khu vực do Tổng lãnh sự Anh ở Quảng Châu quản lý – gồm các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Tây, Giang Tây và Hải Nam, 10 trường tư Anh Quốc đã mở các chi nhánh song ngữ hay trường quốc tế từ đầu năm 2020, nâng số lượng trường tư Anh quốc lên 17.
    Khoảng 20 thương hiệu trường tư Anh quốc đang chuẩn bị 31 chi nhánh ở khu vực này vào năm 2025. Harrow School, Dulwich College và Wellington College sẽ là những trường dẫn đầu về số chi nhánh ở nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc.
    Các chi nhánh trường tư của Anh ở đây áp dụng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là hệ thống “hợp đồng quản trị”: đối tác Trung Quốc đầu tư vào việc xây dựng và điều hành, trong khi phía Anh chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy và một số vấn đề khác.
    Tốc độ mở rộng nhanh chóng của các trường Anh cốt lõi là từ vấn đề họ bám sát các nhu cầu chưa được đáp ứng. Dulwich và Harrow, chẳng hạn, đã quyết định mở chi nhánh ở Chu Hải, một thành phố có hai triệu dân sát với Macao. Lady Eleanor Holles School, một trường độc lập 300 tuổi đời chỉ dành cho nữ sinh, đã bắt đầu có các campus dành cho cả nữ lẫn nam sinh cho cộng đồng người nước ngoài ở thành phố công nghiệp Phật Sơn có 7 triệu dân.
    Các trường này đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc muốn gửi con đến học ở các trường Anh lâu đời và uy tín – theo lời ông Vương Hân, người sáng lập Hội phụ huynh học sinh trường quốc tế ở Thẩm Quyến. “Thương hiệu của trường là yếu tố đầu tiên các bậc cha mẹ lưu tâm khi chọn một trường quốc tế”, ông Vương nói với Caixin.

    Sân chơi mới rộng mở

    Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng cố sức chen vào thị trường giáo dục trường tư Anh quốc bằng cách mua luôn các trường ngay tại Anh đang vật lộn với khó khăn tài chính do tỷ lệ ghi danh giảm vì dịch bệnh. Ít nhất 17 trường tư của Anh, bao gồm cả Bournemouth Collegiate School và Riddlesworth Hall trên trăm tuổi danh tiếng – đã rơi vào tay các nhà đầu tư đại lục. Đây là ngôi trường mà Công nương Diana đã theo học.
    Trong một số trường hợp, vốn đầu tư Trung Quốc đã thay đổi số phận các ngôi trường xứ sở sương mù. Một nhà đầu tư thuộc nhóm đã mua các trường Thetford và Wisbech Grammar School, nói rằng các trường này từ chỗ chỉ hòa vốn đã có lợi nhuận cao sau khi chuyển nhượng. Một phần các trường này chuyển thành nội trú và đón nhận con cái các gia đình giàu có sẵn sàng chi trả.
    Các chuyên gia giáo dục nói các thương vụ mua bán trường Anh như thế này thường “nhất tiễn song điêu”: một mặt là các nhà đầu tư có nguồn thu nhập tiền mặt ổn định rất đều đặn. Mặt khác là là họ có thể học được những khái niệm giáo dục mới mẻ ở nước ngoài và sau đó có thể áp dụng ở Trung Quốc.
    Thetford Grammar hiện dự định sẽ điều hành các chi nhánh “K12” – tức từ mẫu giáo (kindergarten) lên đến trung học lớp 12 – ở Thẩm Quyến và thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh Triết Giang. Bà Helen Yang thuộc ban giám đốc của trường nói rằng hiện trường chỉ có ba lớp mẫu giáo ở Thượng Hải và một thành phố khác.
    Học phí ở các trường danh tiếng này đang tăng dần và các công ty điều hành đang hưởng lợi nhuận ngày càng lớn – theo phân tích của Essence Securities. Hệ thống trường Maple Leaf, vốn điều hành 120 trường ở 30 thành phố Trung Quốc, đạt được mức tăng lợi nhuận ròng đến 33,3% trong năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận này sẽ tiếp tục tăng nếu nhu cầu vẫn còn. “Tính ổn định của đầu tư vào giáo dục vẫn rất hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nhà nước hay cả các quỹ của chính quyền địa phương. Các quỹ này chú ý nhiều hơn đối với yếu tố lợi nhuận ổn định, khiến họ kiên nhẫn và ủng hộ mục tiêu phát triển dài hạn”, theo ông Ngô Dụ Cương, giám đốc điều hành của PingAn Overseas Holdings.

    Thu hút các tài phiệt bất động sản

    Các nhà đầu tư bất động sản cũng đánh hơi được cơ hội từ thị trường giáo dục quốc tế.  “Một trong những thách thức lớn nhất đối với các trường Anh quốc ở miền Nam Trung Quốc là tìm được đất để xây các cơ sở rộng lớn”, bà tổng lãnh sự Hawley nhận xét. Bà nói đất trống ở các thành phố như Thẩm Quyến là chuyện “đãi cát tìm vàng”.
    Các nhà phát triển bất động sản đang lạc quan nhìn nhận các trường quốc tế là nguồn tạo lợi nhuận ổn định. Ông Lý Bằng, một nhà đầu tư trường quốc tế, còn cho rằng thương hiệu toàn cầu của các trường làm tăng làm tăng giá trị của bất động sản hơn nữa và đẩy giá tăng nhanh khi sang nhượng.
    Có lẽ, công ty đi chiến lược nước đôi – vừa đầu tư bất động sản, vừa đầu tư giáo dục – nổi tiếng nhất là Bright Scholar Education Holdings. Tập đoàn này đang điều hành hệ sinh thái giáo dục khổng lồ, gồm chuỗi giáo dục Country Garden cùng 7 trường quốc tế, 15 trường song ngữ, 58 trường mẫu giáo và 19 trung tâm tiếng Anh ở 10 tỉnh khắp Trung Quốc.
    Bright Scholar mở cơ sở Country Garden đầu tiên ở Quảng Đông và tiên phong áp dụng chương trình tú tài quốc tế IB ở Trung Quốc, niêm yết trên thị trường chứng khoán New York năm 2017. Năm ngoái, tập đoàn này tuyên bố đầu tư 2 tỷ nhân dân tệ, khoảng 305 triệu USD, để hình thành chi nhánh của Fettes College ở Quảng Châu.
    Fettes là ngôi trường danh tiếng ở Edinburgh, Scotland. Ngôi trường thường được xem ngang hàng với trường nội trú Eton dành cho nam sinh tại miền Bắc Vương quốc Anh, nhưng lại dành cho cả nam sinh và nữ sinh.
    Ricky Hồ
    Tiện lợi và nhanh gọn với ứng dụng “Gọi Gas” của Gas South