Nhà thơ Lâm Xuân Thi: Xe đạp ‘rất hạp’ với tình thơ

895

(Vietnamtimes) – Quỹ Tình Thơ thành lập một cách rất thầm lặng và hoạt động cũng lặng thầm trên tinh thần lan tỏa cái tình. Gần 10 năm trước, vào Rằm tháng Giêng, Quỹ Tình Thơ ra đời nhằm trợ giúp các nhà thơ gặp khó khăn.

Quỹ Tình Thơ do nhà thơ Lâm Xuân Thi và các nhà thơ cộng sự Hồ Thi Ca, Phan Hoàng điều hành, dưới sự cố vấn của nhà thơ Chim Trắng. Nay nhà thơ Chim Trắng không còn nữa nhưng hai chữ “tình thơ” của Quỹ này vẫn tiếp tục mang sự sẻ chia đến nhiều người.

1. Tiêu chí của Quỹ Tình Thơ cũng thật lạ so với các quỹ từ thiện, nhân đạo khác. Ấy là Quỹ này hoạt động bằng chính ngân sách của mình chứ không hề vận động tài trợ. Nhà thơ Lâm Xuân Thi, cho biết: “Quỹ Tình Thơ có bao nhiêu tiền thì dùng bấy nhiêu. Nếu có nhà hảo tâm nào muốn tài trợ cho quỹ, chúng tôi cũng nhất quyết không nhận”.

Như tên gọi, Quỹ Tình Thơ tức là đem cái tình của những người làm thơ đến những người làm thơ đang có hoàn cảnh khó khăn. Sau chừng ấy năm thành lập bằng các hoạt động khá thầm lặng, Quỹ Tình Thơ đã dùng hơn 1 tỷ đồng nhằm trợ giúp các nhà thơ hoặc gia đình nhà thơ đang gặp khó khăn.

Thường thì các nhà thơ vốn nhạy cảm trong chuyện tiền nong, nên dù khi “cơm áo không đùa…” thì họ vẫn ít chịu chia sẻ với mọi người. Để nhận biết một nhà thơ cần trợ giúp, Quỹ Tình Thơ nhờ các nhà thơ, nhà văn, nhà báo… giới thiệu. Sau khi xác định nhà thơ cần giúp, Quỹ Tình Thơ lặng lẽ đến tận nhà của nhà thơ đó để trao tiền. Số tiền không nhiều, khoảng 10 triệu hay gấp đôi tùy vào hoàn cảnh của từng nhà thơ.

Tuy nhiên, đó lại là sự chia sẻ khá lớn trong lúc ngặt, thể hiện cái tình giữa những người làm thơ với nhau. Nhiều lần cùng Quỹ Tình Thơ đi trao tiền giúp các nhà thơ, người viết bài này nhận thấy cách giúp người khác của quỹ này cũng hay không kém số tiền mà họ đem đến. Thường thì, nhà thơ Lâm Xuân Thi chuẩn bị một cái phong bì và bên trong đựng những tờ tiền mới cáo, rồi trao cho người nhận bằng cả hai tay và tấm lòng. Tại sao phải là tiền thật mới chắc nhiều người đã hiểu?! Điều này thể hiện sự tế nhị dù là mang tiền đi tặng người khác.

Nhà thơ Lâm Xuân Thi (trái) đang trao tiền giúp nhà thơ Hà Nguyên Dũng bị bệnh tim nặng.

2. Trong làng văn Sài Gòn, gần như ai cũng biết nhà thơ Lâm Xuân Thi là chủ hãng xe đạp Martin 107. Thế nhưng khi được hỏi: Anh lập Quỹ Tình Thơ có phải là một cách để quảng bá thương hiệu xe đạp của mình? Lâm Xuân Thi thẳng thắn: “Quỹ Tình Thơ hoàn toàn độc lập với Martin 107. Quỹ này ra đời và duy trì hoạt động vì tôi và các cộng sự luôn nghĩ rằng: tâm hồn của các nhà thơ rất đẹp, tác phẩm của họ mang đến cho cuộc đời này nhiều giá trị, vậy tại sao cuộc sống của họ phải khổ? Quỹ Tình Thơ muốn góp một chút để chia sẻ cuộc sống còn nhiều khó khăn với các nhà thơ mà thôi. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc dùng Quỹ Tình Thơ để đánh bóng công việc kinh doanh của mình”.

Khoảng 3 năm trước, có thông tin chính quyền sẽ triển khai hệ thống xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn của Việt Nam. Nhà thơ Lâm Xuân Thi hào hứng, cho biết: “Nếu được chấp thuận, riêng tại TP.HCM, tôi xin được tài trợ đợt đầu tiên 100 xe đạp cho mô hình xe đạp công cộng. Nếu TP.HCM cần nhiều hơn, tôi sẽ tài trợ toàn bộ xe đạp công cộng đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ai cũng biết các lợi ích khi đạp xe, vừa có lợi sức khỏe vừa bảo vệ môi trường”.

Lâm Xuân Thi nói thêm: “Nếu lãng mạn một chút, sẽ thấy hình ảnh đạp xe thong thả dưới những tán cây xanh đẹp như thơ. Rất tiếc là, ở Sài Gòn hiện nay không có đường dành riêng cho xe đạp. Ngay cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng không có. Muốn mô hình xe đạp công cộng thành công thì phải có đường dành cho xe đạp. Nhiều thành phố lớn ở nhiều quốc gia có đường dành cho xe đạp, hy vọng tương lai ở ta cũng có”.

“Xe đạp công cộng phải có thiết kế riêng với màu sắc riêng gói gọn trong các tiêu chí: bền, đẹp, đơn giản. Phải thiết kế làm sao nhìn vào là biết xe đạp công cộng của thành phố. Tôi nghĩ mình có thể thiết kế một chiếc xe đạp như thế” – nhà thơ, ông chủ Martin 107 nói. Nhưng tiếc thay, từ đó đến nay, mô hình xe đạp công cộng vẫn chưa có thành phố lớn nào của Việt Nam được triển khai.

Martin 107 có những chương trình vì cộng đồng và xã hội trong suốt hàng chục năm qua

3. Nhà thơ Lâm Xuân Thi lấy tên vị thánh Martin để đặt cho doanh nghiệp của ông vì Martin là tên một vị thánh của người nghèo. Doanh nghiệp này có tên đầy đủ là Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 với mong muốn tham gia cả hai lĩnh vực kinh doanh nhưng đến nay chỉ mới có xe đạp.

Dịp 2/9 vừa qua, Thành đoàn TP.HCM tổ chức đám cưới tập thể cho 100 đôi uyên ương là công nhân. Cơ quan này hỏi mượn 100 xe đạp Martin 107 để 100 đôi uyên ương diễu hành, chụp hình xong rồi trả lại. Thế nhưng, nhà thơ Lâm Xuân Thi “ngẫu hứng” tặng luôn 100 chiếc xe cho 100 đôi uyên ương. Lý do thật đơn giản, ông nói: “Doanh nghiệp mình cũng có công nhân, mình hiểu các bạn khá khó khăn, nên tặng xe luôn thay vì cho mượn. Thêm nữa, đây cũng là một món quà kỷ niệm trong ngày cưới dành cho các bạn”. 100 xe đạp này được ông nhà thơ cho sơn màu hồng và trực tiếp xem việc lắp ráp, dặn dò kỹ đến từng con ốc. Đã vậy, ngoài 100 xe đã tặng, ông còn cho lắp dự phòng thêm một số xe cũng sơn màu hồng, để lỡ như trong 100 chiếc kia không may trục trặc thì có xe thế vào ngay.

Có thể so sánh Quỹ Tình Thơ góp vào dòng đời này cũng êm ả như những chiếc xe đạp đang lăn bánh trên đường; cả hai để lại rất nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống này với hình ảnh đầy thi vị, khi mà “xe đạp “rất hạp” với tình thơ” qua sự điều hành của ông nhà thơ “chu đáo” Lâm Xuân Thi.

Chùm thơ của Lâm Xuân Thi

Cuối năm

Chợt nhớ những ngày cuối tháng
Nhớ những ngày xưa bình minh
Còn buổi chiều nay chẳng hạn
Nhớ một người đang ghét mình…

Ở bệnh viện

Mở mắt ra và thấy trần gian
Mới biết mình chưa lên thiên đàng
Mình cũng chưa hóa thành kỷ niệm
Giấc mơ đời chưa hóa trăm năm…

Em và bé X. Nghi

Thiên thần lớn sinh ra thiên thần nhỏ
Ở nhà anh sao thấy giống thiên đường
Chỉ cần thêm một nụ hoa vừa nở
Là mùa nào cũng giống một mùa xuân…

Về Tam Bình

Làng quê chỉ một con đường
Lúc nghe êm ái lúc dường như không
Ngồi xe hơi mới đau lòng
Thấy đàn trẻ nhỏ bên sông gọi đò…

Minh họa

Em đứng trước biển
Giăng tay về phía mặt trời
Chỉ mơ ước mỗi một điều thánh thiện
Giữa muôn ngàn cơn sóng vỗ trùng khơi…

Trần Hoàng Nhân (theo Thời Đại)