Nhân lực cho ĐBSCL: bài toán phải giải từ góc độ kinh tế

82
Bà Tiêu Yến Trinh – Tổng Giám đốc Công ty Talentnet phát biểu tại buổi thảo luận Chuyên đề: “Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL” tại Mekong Connect 2021, chiều 17/12.
Trong buổi thảo luận Chuyên đề: “Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL” tại Mekong Connect 2021, dù còn nhiều ý kiến khác biệt, nhưng các diễn giả đều thống nhất ở quan điểm: Bài toán nguồn nhân lực cho đồng bằng phải giải từ góc độ kinh tế.
Chủ trì diễn đàn GS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN,gợi mở: Đây là chủ đề mà các địa phương ở ĐBSCL đặc biệt quan tâm. ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhưng ĐBSCL lại đang chịu thiệt thòi nhiều nhất, cả về đầu tư, cả về nguồn nhân lực.
Theo GS Nguyễn Quân hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học của khu vực ĐBSCL, rất thấp, thấp hơn cả khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. “Bản thân tôi cũng ngạc nhiên về thực trạng này. Với thực trạng này, việc công nghiệp hóa sẽ rất khó khăn. Chưa kể làn sóng di cư của ĐBSCL ra các khu vực khác” – GS Nguyễn Quân nói.
Lý giải về hiện tượng trình độ học vấn của người dân ĐBSCL thấp, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên & Nhi đồng cho biết: đây là một nét đặc thù của người đồng bằng. Họ coi trọng thực tiễn hơn là bằng cấp.
“Người ĐBSCL vẫn là người Việt Nam, nhưng rất đặc thù, đây là những người rất năng động và sáng tạo. Họ đi vào cái mới rất hay và rất nhanh. Bà con ta có thể học không cao, nhưng thấy cái mới là nhảy vào làm và học được liền. Họ là những người rất thực tế. Vì thế, nói ĐBSCL đi kiếm một anh tiến sĩ là không dễ đâu” – PGS Bình nói.
Theo ông Bình, đây là cái chúng ta phải hiểu ở ĐBSCL, phải hiểu ở con người ĐBSCL từ đó mới có thể giải quyết được vấn đề của đồng bằng. Tuy nhiên, PGS Bình cũng thừa nhận, với yêu cầu hội nhập và đổi mới công nghệ hiện nay, trình độ học vấn thấp là một vấn đề thực sự của đồng bằng.
Theo GS Bình, trong 20 năm trở lại đây ĐBSCL cũng có nhiều thành quả. Đứng về mặt đào tạo, 13 tỉnh ĐBSCL tỉnh nào cũng có trường đại học hoặc phân hiệu các trường đại học, đặc biệt như Cần Thơ có đến 7 trường, chưa kể các viện nghiên cứu cũng khá nhiều.Tuy nhiên, thực trạng là vẫn manh mún, giẫm chân nhau và kể cả việc nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Qua các nghiên cứu thực tế PGS đặt ra ba vấn đề: Thứ nhất, đó là chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng. “Tôi nhấn mạnh là chiến lược cho cả vùng chứ không phải cho riêng một tỉnh, thành nào cả. Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng. Vấn đề quy hoạch vùng và quản trị vùng phải bài bản từ ngay chỗ này. Bộ KH&ĐT cần phải nhìn lại xem quy hoạch và chiến lược chung cho ĐBSCL cho cả vùng và quản trị cả vùng” – PGS Bình nói.
Thứ hai, về giáo dục ở đồng bằng, theo PGS Bình, không thể dạy ĐBSCL như dạy ở TP.HCM được. Đào tạo phải gắn với yêu cầu phát triển của địa phương. Đào tạo chuyên gia phải từ ĐBSCL, cần những người sống tại chỗ, bám sát thực tiễn của đồng bằng.
Thứ ba là về vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt cho đồng bằng. PGS Bình cho rằng trước hết là TP.HCM và sau đó là Cần Thơ phải nắm giữ vai trò này. TP.HCM hiện là nơi sử dụng nhiều nhất nhân lực, vật lực của đồng bằng, vì thế phải có trách nhiệm qua lại với đồng bằng, phải có chiến lược rõ ràng: chuyển giao kiến thức, chuyển giao chuyên gia, và kể cả dịch chuyển từng phần các cấu phần sản xuất đơn giả về đồng bằng, chứ không thể ôm tất cả.
Cuối cùng PGS Phan Thanh Bình nhấn mạnh là dù có nói gì thì bài toán nguồn nhân lực cho đồng bằng phải để kinh tế dẫn dắt. Nhân lực đào tạo ra thì phải đáp ứng được nhu cầu về lương bổng, thu nhập về điều kiện sống của họ.
3 chiến lược thu hút người tài và 500 doanh nghiệp trọng điểm
Đồng tình với quan điểm kinh tế dẫn dắt và kết nối vùng của PGS Bình, bà Tiêu Yến Trinh – Tổng Giám đốc Công ty Talentnet nói: Đã đến lúc chúng ta phải xác định rõ là định vị cả 13 tỉnh thành là một. Từ đó kết nối chung, phục vụ nguồn nhân lực đầu vào, đầu ra phải phục vụ cho các doanh nghiệp trong cả vùng.
Với kinh nghiệm thực tiễn về nhân lực của mình, theo bà Trinh về nguồn nhân lực chỉ có ba chiến lược cơ bản: thứ nhất, thu hút nhân tài, săn đầu người; Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực; Thứ ba là mượn chuyên gia từ các địa phương hoặc nước khác.
“Về thu hút nhân tài, tôi sẵn sàng ngồi với lãnh đạo 13 tỉnh để bàn về chiến lược này” – bà Trinh nói. “Đầu tiên phải đặt câu hỏi là làm sao để thu hút người tài về Mekong. Thứ nhất, phải tạo câu chuyện để họ tự hào. Mình tạo ra câu chuyện, trao quyền, trao dự án cho họ, họ về ngay. Nhưng như thế phải có dự án trọng điểm”.
Theo bà Trinh câu chuyện này không phải mới, Trung Quốc đã làm rồi. Trung Quốc họ đã có chính sách thu hút người tài về địa phương bằng cách xây dựng cả khu đô thị với đầy đủ các dịch vụ nhà ở, giáo dục, văn hóa xã hội… cuối cùng mới đến lương bổng, phúc lợi. Theo bà Trinh ĐBSCL muốn thu hút được người tài có lẽ cũng phải tính đến cách này.
Về chiến lược đào tạo, theo bà Trinh điểm quan trọng nhất là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp. Trước khi đào tạo cần phải hỏi nhu cầu doanh nghiệp, để cho chính doanh nghiệp đặt hàng, và tốt nhất là phải xây dựng được mô hình trong doanh nghiệp có trường học, trong trường học có doanh nghiệp. Tức là làm sao để sinh viên năm nhất, năm hai có thể có cơ hội bắt tay vào làm việc thực tế luôn, chứ không phải đợi học xong, ra trường mới bắt đầu làm.
Về chiến lược mượn chuyên gia, theo bà Trinh chiến lược này cũng hết sức quan trọng bởi hiện nay có những nguồn lực, đặc biệt là về công nghệ có chuyên môn cao, không thể đào tạo hay thu hút về ngay được, khi đó ĐBSCL phải tính đến việc mượn chuyên gia ngắn hạn từ các địa phương khác và thậm chí cả chuyên gia nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Trinh lưu ý, dù thu hút, đào tạo hay mượn nhân tài thì điều quan trọng là phải có sân chơi để nhân tài dụng võ, không họ sẽ bỏ đi ngay. Đó là vấn đề thực tiễn. Bà Trinh đề xuất một sáng kiến là 13 tỉnh ĐBSCL (đặc biệt, nhấn mạnh là cả 13 tỉnh chứ không riêng tỉnh nào) có thể tìm chọn ra các doanh nghiệp trọng điểm, với quy mô chẳng hạn, từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Sau khi tìm ra được khoảng 500 doanh nghiệp như thế, ĐBSCL sẽ ngồi lại với họ, xem nhu cầu nhân lực ra sao, tầm nhìn chiến lược tương lai thế nào để từ đó phối hợp, hỗ trợ họ không chỉ giải bài toán nhân lực, mà có thể còn hỗ trợ về cả quản trị, công nghệ để nâng tầm họ lên. Họ sẽ là những đầu kéo, là những cây gốc lớn đưa cả hệ sinh thái kinh tế cả vùng đi lên.
“Tôi rất tâm huyết với Mekong Connect, nếu có thể làm gì để giúp các tỉnh ĐBSCL nâng tầm 500 doanh nghiệp của vùng tôi sẽ làm hết sức” – bà Trinh nói.