Nhật Bản chạy đua với phương Tây trong phát triển máy bay siêu thanh chở khách

582
Mô hình máy bay siêu thanh có thể đạt tốc độ Max 3 của Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA). Ảnh: TRTWorld
Tiêu điểm

Nhật Bản chạy đua với phương Tây trong phát triển máy bay siêu thanh chở khách

Các tập đoàn công nghiệp chính của Nhật Bản đang hợp tác với Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) trong việc nghiên cứu và phát triển máy bay siêu thanh chở khách. Đây được xem là bước đi chính yếu để hình thành phương tiện vận chuyển thế hệ mới khi thời gian bay từ châu Á sang Bắc Mỹ có thể giảm xuống còn bốn tiếng.
Japan Supersonic Research là sáng kiến hợp tác công tư được công bố tuần rồi. Các thành viên tham gia gồm các tập đoàn công nghiệp nặng như IHI, Mitsubushi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, hãng xe sang Subaru và Công ty phát triển máy bay Nhật Bản. Nhóm này đặt mục tiêu tham gia các dự án quốc tế với các “đại gia” chế tạo máy bay như Boeing, có thể là vào năm 2030.
Dự án hợp tác có thể tạo cơ hội mới cho ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản, hiện vẫn giữ vai trò chính là cung ứng cánh và thân máy bay cho các hãng lớn như Boeing hoặc Airbus. Tập hợp lại xung quanh một trung tâm nghiên cứu duy nhất có thể cho phép các công ty Nhật Bản vạch ra hướng đi mới trong công nghiệp hàng không và gia tăng biên lợi nhuận của họ.
Máy bay siêu thanh có thể giảm thời gian bay giữa Tokyo và San Francisco từ 10 tiếng xuống còn 4 tiếng, và giá vé sẽ mắc hơn vé máy bay thông thường. Nhưng các chuyên gia ước đoán sẽ có khoảng 1.000 – 2.000 máy bay siêu thanh phục vụ cho nhu cầu đi lại của các CEO, quan chức chính phủ cấp cao và các khách siêu giàu trong thập niên 2030. Máy bay siêu thanh cũng có thể tăng tốc độ ứng phó với thảm họa của con người.
Một trong những trở ngại chính trong việc thương mại hóa máy bay siêu thanh là là hạn chế tiếng ồn của động cơ khi máy bay đã vượt qua bức tường âm thanh. Concorde là máy bay siêu thanh thương mại được Air France và British Airways khai thác trong thập niên 1970. Nhưng hai hãng bay chấm dứt khai thác vào năm 2003 vì tiếng nổ siêu thanh của động cơ, hơn là tai nạn rớt Concorde tại sân bay Charles de Geaulle vào cuối tháng 7/2000.
Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) đã dành thời gian hơn một thập niên để giải quyết tiếng ồn siêu thanh. JAXA đã tạo ra một mô hình máy bay dài, mũi nhọn để hạn chế tiếng ồn và đang phác thảo các chi tiết khác.
Các hãng Nhật tham gia dự án sẽ góp vào vốn chung chuyên môn và thế mạnh công nghệ hàng không của họ. Kawaski Heavy có công cụ có thể đo ảnh hưởng gió đến khung máy bay và tiếng ồn động cơ. Còn tập đoàn IHI có thể tăng hiệu suất năng lượng của động cơ.
Trong năm 2020, JAXA đã thành công trong việc giảm 13% năng lượng tiêu thụ so với công nghệ của Concorde qua những bước như giảm ma sát khí. Cơ quan này cũng làm máy bay nhẹ đi 21% và đang thử nghiệm việc tiêu thụ năng lượng của từng mô hình.
Các hãng chế tạo máy bay siêu thanh khác đã có bước tiến bộ lớn, đặc biệt là hãng Boom Supersonic đặt tại Colorado, Mỹ. Mô hình Overture của hãng này có thể chứa 88 hành khách và có giá đến 200 triệu USD mỗi chiếc. Hãng hàng không United Airlines đã đồng ý chi 3 tỷ USD để đặt mua 15 máy bay siêu thanh Overture và dự định khai thác thương mại từ năm 2029. Hãng bay Japan Airlines của Nhật Bản cũng có vốn góp trong Boom Supersonic.
Ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản đang bị các đối thủ Mỹ và châu Âu qua mặt. Hãng chế tạo máy bay Mitsubishi Aircraft – công ty con của tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy – đã phải đóng băng dự án sản xuất máy bay thương mại đầu tiên của Nhật Bản do chi phí quá lớn và sản phẩm không thể cạnh tranh với Airbus và Boeing.
Đưa máy bay siêu thanh ra thị trường là một thách thức lớn hơn, nhưng các hãng Nhật có cơ hội vượt lên – theo lời giáo sư Masahiro Kanazaki thuộc khoa công nghệ hàng không của Đại học Tokyo Metropolitan University.
“JAXA và các tập đoàn Nhật Bản khác đã tích lũy những công nghệ và các công trình nghiên cứu tốt nhất của thế giới hiện nay”, Giáo sư Kanazaki nói với Nikkei Asia.
Những nghiên cứu trong lĩnh vực máy bay siêu thanh có thể giúp phát triển các ngành công nghệ khác. “Công nghệ chống tiếng ồn và giảm ma sát không khí có thể áp dụng cho sản xuất drone và các loại máy bay khác”, Giáo sư Kiroki Nagai thuộc Viện khoa học chất lỏng ở Đại học Tohoku nhận định.
Nhưng các công ty Nhật Bản đang bước vào lĩnh vực chạy đua ráo riết khi đã có một vài startup nghiên cứu của Mỹ đã tuyên bố sẽ tạo ra máy bay siêu thanh có thể bay bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ và giá vé khoảng 100 USD một lượt. Nhưng để đạt đến mức độ đó, máy bay siêu thanh phải đạt tốc độ Max 4 trở lên, trong khi kỹ thuật hiện tại của nhân loại bị giới hạn từ Max 3 trở xuống.
Mô hình minh họa thiết kế của máy bay. Ảnh: Nikkei
Hoạt động tiếp sức các y bác sĩ chống dịch Covid-19
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và các biện pháp giãn cách trở nên nghiêm ngặt hơn trong tuần vừa qua, nhưng các doanh nghiệp thuộc Hội DN HVNCLC phối hợp cùng Trung Tâm BSA vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tiếp sức cho các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch với các phần quà như bánh kẹo, cơm, mỳ gói, thức uống… và các vận dụng cần thiết khác.

Bất chấp dịch bệnh, DN HVNCLC tiếp tục đồng hành cùng các y bác sĩ tuyến đầu

Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 550.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.778,1 USD/ounce, giảm nhẹ 0,2 USD, tương đương 0,01% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, các yếu tố cơ bản của thị trường đang không vững chắc và giá vàng có khả năng ghi nhận các phiên tăng giảm đan xen khi các nhà đầu tư điều hướng những tín hiệu xung đột từ các quan chức Fed.
2/ 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa được Công ty TNHH SX&TM Rồng Đỏ (TP.HCM) và Công ty TNHH TM&DV Trường Mai (Sơn La) thu mua, đóng gói xuất khẩu sang thị trường Australia. Việc xuất khẩu lô xoài đầu tiên trong vụ này sang thị trường Australia khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường. Cùng với xuất khẩu xoài sang Australia, tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Xoài Sơn La”. Tỉnh Sơn La hiện có hơn 19.000 ha xoài, sản lượng ước đạt 65.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như lai ghép, tỉa cành, tạo tán, bao trái xoài, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP).
3/ Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngoài sự tăng trưởng dương ở một số thị trường hàng đầu thì giá trị xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam sang các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia, Thái Lan, Nga tăng trưởng rất mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, riêng tháng 5/2021, giá trị XK cá tra sang 5 thị trường nói trên đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái tới ba con số. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu của XK cá tra Việt Nam với giá trị đạt gần 165,5 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 26% tổng XK cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị XK cá tra Việt Nam đạt 637,8 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 5 đạt 148,4 triệu USD, tăng 39,3%.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK
4/ Nhật Bản sẽ tặng thêm cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca. Trước đó, 22h ngày 16/6, gần 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca mà Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Như vậy, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca. Được biết, tính đến 16 giờ ngày 24/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.920.248 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 143.121 người.
5/ Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, một số sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái đang gặp khó khi xuất khẩu. Theo đó, hiện giá xuất khẩu giảm sâu, chi phí vận tải tăng cao, lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài cũng rất hạn chế nên tình hình kinh doanh rất khó khăn. Đặc biệt là các DN chế biến chè, tinh bột sắn đang tồn ứ nhiều hàng hóa tại kho, gây áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ mới. Hiện nay ở Yên Bái có hàng chục đơn vị sản xuất chè đen, sản lượng chè khô sau chế biến đạt khoảng 15.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu trực tiếp và ủy thác sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Tây Á, Trung Đông, Đông Âu và Liên bang Nga. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường xuất khẩu nên rất khó khăn trong tiêu thụ.
6/ Tồn kho dầu thô tại trung tâm lưu trữ lớn nhất của Mỹ có thể giảm xuống mức thấp trong lịch sử vào cuối tháng 9, khi nhu cầu phục hồi tiếp tục vượt quá sản lượng. Được biết, các kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng cho các hợp đồng dầu kỳ hạn của WTI đã giảm gần 4 triệu thùng trong 2 tuần qua, đưa tồn kho xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch buộc nước này phải đóng cửa. Các nhà phân tích đang ước tính và các nhà giao dịch đang đặt cược rằng nguồn cung có thể giảm xuống mức theo mùa chưa từng thấy kể từ tháng 9/2018. Với việc sản lượng đá phiến của Mỹ vẫn giảm 15% so với mức đỉnh trước đại dịch và nhập khẩu từ Canada đang ở mức thấp. Các nhà kinh doanh và các nhà điều hành Big Oil ngày càng đồng thuận rằng giá sẽ tăng khi nguồn cung thắt chặt.
7/ Theo Nikkei Asia, tập đoàn Panasonic Corp đã bán toàn bộ cổ phẩn của mình trong Tesla trong năm tài chính trước, giúp hãng này thu về hàng tỷ USD để thực hiện các khoản đầu tư mới. Được biết, Panasonic đã mua 1,4 triệu cổ phiếu của Tesla với giá 21,15 USD/cổ phiếu trong năm 2010. Nhà sản xuất từ xe đạp đến máy sấy tóc của Nhật Bản hiện đang cung cấp pin cho nhà sản xuất xe điện Tesla, và mối quan hệ hợp tác này sẽ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động mua bán cổ phiếu của tập đoàn. Ngoài ra, hồi đầu năm, Panasonic cho biết sẽ mua cổ phần của công ty phần mềm chuỗi cung ứng Blue Yonder của Mỹ, theo một thỏa thuận trị giá 7,1 tỷ USD.
8/ Theo Bloomberg, lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, tạo ra một cơ hội để Bắc Kinh tự do hóa tài khoản vốn, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với nước này. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm 260 tỷ USD trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5 vừa qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2002. Do lượng ngoại tệ chảy vào lớn, lãi suất tiền gửi USD ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ bằng khoảng 1/3 so với lãi suất tương tự ở Mỹ. Điều này càng khuyến khích các nhà giao dịch mua vào nhân dân tệ, xu hướng khiến Bắc Kinh lo ngại vì nhân dân tệ càng tăng giá thì dòng tiền nóng càng chảy mạnh vào Trung Quốc và các nhà xuất khẩu của nước này càng thiệt hại.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Thống kê của công ty theo dõi thị trường Adobe vừa công bố cho biết, doanh thu từ sự kiện mua sắm trực tuyến “Prime Day” hàng năm của nền tảng thương mại điện tử Amazon đã đạt hơn 11 tỷ USD trong năm nay, tăng so với mức 10,4 tỷ USD của năm trước. Giám đốc thông tin kỹ thuật số của Adobe cho biết Prime Day năm nay đạt được con số ấn tượng trên bất chấp mức giảm giá tương đối khiêm tốn trên hầu hết các danh mục sản phẩm. Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến đã bị dồn nén trong giai đoạn người tiêu dùng chờ nền kinh tế trở lại bình thường. Theo Amazon, các thành viên chương trình Prime ở 20 quốc gia đã tham gia mua sắm tại trang web trong sự kiện Prime Day năm nay. Sự kiện mua sắm trực tuyến này đã diễn ra khi Amazon phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ đã thúc ép nhân viên kho hàng làm việc quá sức để tối đa hóa năng suất.
10/ Google Canada hiện đang hợp tác với 8 đơn vị xuất bản tại quốc gia Bắc Mỹ này trong khuôn khổ của một thỏa thuận mà Google sẽ trả tiền cho nội dung tin tức đăng tải trên nền tảng của mình. Đây là một phần trong cam kết trị giá 1 tỷ USD của Alphabet Inc. – công ty mẹ của Google – dành cho các hãng truyền thông trên toàn cầu. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ dự kiến sẽ tung ra một sản phẩm có tên là Google News Showcase tại Canada vào mùa Thu này sau khi đã triển khai tại Vương quốc Anh, Australia, Đức và Brazil trong 6 tháng qua. Các thỏa thuận của Google với các đơn vị xuất bản được đưa ra sau cuộc chiến kéo dài liên quan đến việc cấp phép cho nội dung tin tức đăng tải. Có thời điểm, Google đã cảnh báo đóng cửa dịch vụ tìm kiếm của mình ở Australia. Mới đây, Google cũng thông báo sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực báo chí của Canada thông qua việc mở rộng Google News Initiative, vốn cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ các tổ chức báo chí vừa và nhỏ.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Cập nhật hình ảnh hoạt động tiếp sức các lực lượng tuyến đầu chống dịch