Nhật Bản đứng đầu 5 năm liên tiếp về đầu tư nước ngoài tại Mỹ

Nhật Bản dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Mỹ với 783 tỷ USD trong năm ngoái. Ảnh: Reuters

Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ trong năm 2023 với 783 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 14,9% trong tổng vốn FDI, theo dữ liệu của Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BAE). Đây là năm thứ năm liên tiếp Nhật Bản giữ vững vị trí này kể từ năm 2019 sau khi vượt qua Canada. Các doanh nghiệp Canada đứng thứ hai với 750 tỷ USD, xếp trên Đức và Anh.

BAE đã thống kê theo quốc gia là chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng.

Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Mỹ đạt 5.250 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 16% từ con số 4.600 tỷ của năm 2020. Với 3.500 tỷ USD trong năm ngoái, châu Âu là nguồn cung FDI lớn nhất tại Mỹ, chiếm 65%.

BAE công bố các dữ liệu đầu tư nước ngoài hôm 23-7, bao gồm các các khoản mua bán và sáp nhập (M&A), vốn lập các liên doanh mới giữa chủ sở hữu nước ngoài và công ty Mỹ, các giao dịch như tái đầu tư thu nhập hoặc hoạt động cho vay.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất của Mỹ là phổ biến nhất, chiếm 41% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong khi tài chính và bảo hiểm chiếm thị phần lớn thứ hai với 11%. Trong lĩnh vực sản xuất, phần đầu tư lớn nhất của Nhật Bản thuộc về hóa chất, thiết bị vận tải, máy tính và điện tử.

Tính theo quốc gia nơi công ty nước ngoài đặt trụ sở, Hà Lan đứng đầu danh sách với 718 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 688 tỷ USD. Khi tính đến chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng, Hà Lan bị tụt hạng trong khi Nhật Bản lại vươn lên. Điều này cho thấy phần lớn khoản đầu tư từ các tập đoàn đăng ký tại Hà Lan cuối cùng có thể thuộc sở hữu của công ty mẹ ở các nước khác.

Các dữ liệu của BAE công bố hôm 12-7 cũng cho thấy vốn nước ngoài tập trung vào lĩnh vực M&A, mở rộng các hoạt động đã có từ trước và thành lập doanh nghiệp mới của các thực thể nước ngoài. Số vốn từ các loại hình này đã giảm 28% xuống còn 149 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 206 tỷ USD vào năm 2022. Khoản đầu tư mới trị giá 15 tỷ USD của Nhật Bản chỉ đứng sau 53 tỷ USD của Canada.

Trong các giao dịch mua sắm mới – chẳng hạn như các nhà máy được xây dựng từ đầu – sản xuất là lĩnh vực nhận đầu tư lớn nhất với thiết bị điện và linh kiện, bao gồm cả pin xe điện, chiếm khoảng 71% tổng vốn đầu tư. Các quốc gia từ châu Á – Thái Bình Dương đầu tư con số kỷ lục 988,7 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng tại Mỹ.

Các khoản đầu tư mới trùng hợp với đồng đô la mạnh và sự giám sát ngày càng tăng của chính phủ Mỹ đối với đầu tư nước ngoài, vì an ninh quốc gia đã trở thành tâm điểm chính của chính quyền.

Hôm 23-7, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố báo cáo thường niên của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) trong năm 2023. CFIUS đã xem xét hoặc đánh giá 342 giao dịch trong năm 2023, giảm so với 440 giao dịch vào năm 2022. Trong những năm gần đây, CFIUS đã mở rộng phạm vi rà soát các lĩnh vực mà Nhà Trắng quan tâm, gồm các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và công nghệ sinh học, và các giao dịch bất động sản gần cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia như căn cứ quân sự.

Từ năm 2021, các nhà đầu tư từ Trung Quốc nộp nhiều báo cáo bổ sung nhất theo yêu cầu của CFIUS, chiếm 14% trong tổng số. Tiếp theo là các nhà đầu tư Singapore, Canada và Nhật Bản.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media