Nhật Bản hình thành hãng chip mới, quyết tâm lấy lại vị trí thống lĩnh toàn cầu

115
Không đầu tư cho các công nghệ chip tiên tiến, các hãng chip Nhật Bản bị các đối thủ Đài Loan và Hàn Quốc qua mặt. Ảnh: Reuters

Hãng sản xuất chip mới thành lập Rapidus tại Nhật Bản sẽ tuyển dụng nhân tài trên toàn cầu và hợp tác với các hãng chip hàng đầu để có thể sản xuất hàng loạt chip tiên tiến trong 5 năm tới. Rapidus tượng trưng cho nỗ lực tìm lại hào quang của ngành chip Nhật Bản trong thập niên 1980 sau khi bị các đối thủ Đài Loan và Hàn Quốc qua mặt.

Đây là nỗ lực mới nhất của Nhật Bản trong việc xây dựng lại ngành chip sau khi chính phủ thông qua đạo luật và ngân sách hỗ trợ ngành chip.

Sản xuất chip 2nm từ năm 2027

Dự án Rapidus là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản để một lần nữa trở thành cường quốc bán dẫn và có tham vọng sản xuất chip với công nghệ 2nm tại Nhật Bản vào năm 2027. TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm và có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip 2nm từ năm 2025.

 “Chúng tôi đặt tên công ty là Rapidus, có nghĩa là ‘nhanh chóng’ bởi chúng tôi tin rằng điều quan trọng đối với hãng là phải nhanh chóng trong mọi việc, từ thiết kế chip cho khách hàng đến xử lý tấm wafer hay đóng gói chip”, Chủ tịch Atsuyoshi Koike của Rapidus phát biểu tại triển lãm thương mại ngành chip Semicon Japan hôm 14-12.

Rapidus được thông báo thành lập hôm 11-11-2022 tại Tokyo với sự tham gia của tám nhà đầu tư ban đầu gồm hãng điện tử Sony, hãng xe Toyota Motor, hãng viễn thông NTT, quỹ SoftBank… Theo Reuters, trừ ngân hàng MUFG góp 300 triệu yen, mỗi công ty góp 1 tỉ yen. Chính phủ Nhật Bản góp 70 tỉ yen (500 triệu đô la) thông qua các khoản trợ cấp. Tuy vậy, Rapidus lên kế hoạch chi tiêu vốn và đầu tư khác trị giá 5.000 tỉ yen (37 tỉ đô la) trong 10 năm tới.

Chủ tịch Koike cũng nói rằng sự hợp tác quốc tế là điều cần thiết để đạt được tốc độ nhanh trong sản xuất chip. Hôm qua 13-12, Rapidus thông báo sẽ hợp tác với tập đoàn IBM của Mỹ để sản xuất chip 2nm. Trước đó, Rapidus ký thỏa thuận với Viện nghiên cứu IMEC của Bỉ để phát triển kỹ thuật in khắc cực tím –  một công nghệ thiết yếu để sản xuất chip tiên tiến.

“Chúng tôi may mắn khi có được sự hợp tác với IBM. Nếu không có IBM thì rất khó để tự mình phát triển các con chip tiên tiến”, ông Koike phát biểu.

IBM cũng mong muốn có được năng lực sản xuất như vậy. Dario Gil, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc nghiên cứu IBM nói rằng: “Chúng ta cần kiên định trong cam kết thúc đẩy các giới hạn của công nghệ, bởi một lý do đơn giản: Các vấn đề cần giải quyết trên thế giới không bao giờ chấm dứt”.

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện Semicon Japan 2022 diễn ra từ ngày 14 đến 16-12 tại Tokyo, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhấn mạnh. Nhật Bản không thể tự mình phát triển ngành chip hiện đại. “Nhật Bản cần tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản trở thành cơ sở sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo. Chúng tôi đang đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa cuối những năm 2020”.

Quyết tâm này đã được các giám đốc điều hành của Rapidus nhấn mạnh lần nữa.

Tetsuo Higashi, đồng chủ tịch Rapidus, nói rằng Rapidus đã hoạt động như một tập đoàn toàn cầu ngay từ những ngày đầu trong việc xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu về sản xuất và kinh doanh.

Các nhà sản xuất chip Nhật Bản đã thống trị ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm 1980 nhưng đã thua trong cuộc đua đầu tư với các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan trong bốn thập niên qua.

Có rất nhiều hoài nghi về việc liệu Nhật Bản có thể giành lại vị trí dẫn đầu hay không, nhưng Chủ tịch Koike bày tỏ sự lạc quan. “Người Nhật có văn hóa và tính cách phù hợp với sản xuất chất bán dẫn. Chúng tôi có thể đóng góp cho thế giới trong lĩnh vực này”.

Ông Koike nói thêm rằng Rapidus đang tìm kiếm những ý tưởng đột phá từ IBM và người Mỹ, đồng thời nhấn mạnh giá trị của việc kết hợp hai nền văn hóa. “Những ai quan tâm đến sản xuất chip luôn được Rapidus chào đón”, ông nói.

Đạo luật trợ cấp cho các hãng chip

Chất bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm, từ smartphone và đồ gia dụng đến xe hơi, khiến Nhật Bản và các nước khác cố gắng bảo đảm nguồn cung. Vì thế, các con chip đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nền an ninh quốc gia.

Các tập đoàn của xứ sở mặt trời mọc đang nỗ lực tham gia cuộc đua chip ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ngay cả hãng bột ngọt Ajinomoto cũng đã trở thành ngôi sao ngành chip một cách ngẫu nhiên.Thủ tướng Fumio Kishida xem việc xây dựng lại ngành công nghiệp chip của đất nước là một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của mình.

Nhật Bản từng đeo đuổi các thương vụ mua lại (M&A) các hãng chip có công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Tetsuro Higashi, cựu CEO của hãng sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron, kể lại với Nikkei Asia “sự ngạc nhiên về đa dạng nhân sự” khi đến thăm văn phòng của hãng đối thủ Applied Materials tại Mỹ. Tokyo Electron đã theo đuổi việc sáp nhập với Applied Materials năm 2013, nhưng nhà chức trách Mỹ đã không thông qua thương vụ này.

Tokyo đang xây dựng chiến lược hỗ trợ cho các hãng chip tiên tiến xây dựng các trung tâm sản xuất mới ở Nhật Bản. Hồi tháng 3 năm nay, nội các chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã đưa ra dự luật hỗ trợ các hãng chip sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 600 tỉ yen cho ngành chip vào tháng 12-2021.

Chính phủ đưa ra quy định các hãng chip nước ngoài phải duy trì hoạt động sản xuất tại Nhật Bản trong 10 năm để đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp mới. Các quy định này được nêu trong một sắc lệnh của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI). Các yêu cầu khác bao gồm tăng sản lượng trong thời gian thiếu hụt, bảo vệ các công nghệ quan trọng và tiếp tục đầu tư vào các nhà máy được trợ cấp.

Để nhận được khoản trợ cấp, các nhà sản xuất chip phải đệ trình kế hoạch cho các nhà máy mới để METI phê duyệt. Hãng chip phải hoàn trả lại tiền hỗ trợ nếu đi chệch khỏi những kế hoạch đó.

Chính phủ Nhật Bản cũng xem trợ cấp là cách để tăng cường việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn tại nước này, từ đó có thể giúp thúc đẩy sản xuất.

Mở đầu cho kế hoạch này là gói hỗ trợ 400 tỉ yen, gồm khoảng 50% chi phí xây dựng nhà máy đầu tiên của hãng chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan. Số tiền còn lại 200 tỉ yen sẽ được chuyển cho các dự án khác đang được xem xét.

Nhà máy mới TMSC được đặt tại Kumamoto phía Tây Nhật Bản, trên khu đất gần nhà máy sản xuất chip thuộc sở hữu của Sony – khách hàng Nhật Bản lớn nhất của TSMC. Chính phủ Nhật Bản dự kiến ​​sẽ hỗ trợ nhiều năm cho dự án. Nhà máy dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2024 với khoảng 1.500 lao động.

Nhà máy TSMC – Sony sẽ sản xuất nhiều loại chip, chủ yếu là bộ xử lý tín hiệu hình ảnh đến bộ vi điều khiển, sử dụng công nghệ sản xuất chip 22 và 28 nm. Tuy vẫn thua xa công nghệ chip 5nm tiên tiến nhất của TSMC tại các nhà máy ở Đài Loan, chip 22 và 28 nm được coi là những lựa chọn hiệu quả về chi phí nhất, với nhiều ứng dụng cho các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, máy tính và xe hơi.

Ricky Hồ / BSA