Nhật Bản thu hút khách giàu có bằng dịch vụ y tế và ẩm thực cao cấp

Các công ty du lịch lữ hành Nhật Bản chú trọng trải nghiệm thiên nhiên của du khách trên đỉnh Fuji, nhất là mùa vắng khách. Ảnh: Nikkei Asia

Các công ty Nhật Bản đang cố gắng thu hút khách du lịch nước ngoài giàu có bằng các dịch vụ y tế độc quyền, ẩm thực sang trọng hoặc các cơ hội trải nghiệm thiên nhiên độc đáo. Họ nhắm tới những vị khách có thể chi hơn 1 triệu yen (6.700 USD) mỗi người trong một chuyến đi, tức là gấp chín lần so với du khách thông thường.

Hãng lữ hành JTB đã hợp tác với FonesLife, hãng con của tập đoàn NEC, để cung cấp xét nghiệm máu có thể xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư và đau tim của khách. Đây là một phần của gói khám sức khỏe tổng quát. Ban đầu dịch vụ này chỉ có tại ba cơ sở, sau mở rộng ra 10 địa điểm.

Số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch y tế thông qua JTB đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 9. Số lượng du khách đến Nhật Bản chữa bệnh đã hồi phục gần 80% mức độ năm 2019.

Takanori Matsushima, người đứng đầu bộ phận kinh doanh y tế và chăm sóc sức khỏe của JTB, cho biết hãng này có nhiều khách từ Đông Nam Á.

Khách sạn Mitsui Garden Kashiwanoha Parkside, một chi nhánh của nhà phát triển bất động sản Mitsui Fudosan, nằm cạnh một bệnh viện điều trị ung thư. Khách sạn đã tiếp cận với các hãng du lịch và lữ hành vào mùa hè để thu hút các du khách có nhu cầu khám chữa bệnh tại Nhật Bản.

Theo công ty thẻ tín dụng Sumitomo Mitsui Card, dịch vụ y tế chiếm phần lớn chi tiêu của những du khách giàu có. Một phân tích về những người chi hơn ba triệu yen ở Nhật Bản trong năm qua cho thấy một phần lớn thuộc về hạng mục “bệnh viện và phòng khám”, chiếm 30% chi tiêu trong nước. Phân loại này đứng sau chi tiêu cho “kim loại quý và đồng hồ”.

Các doanh nghiệp Nhật cũng nỗ lực “móc túi” du khách ở mảng ăn uống.

Archis, ở thành phố Yamaguchi, đã tung ra thị trường rượu sake cổ điển “Mujaku” với giá 980.000 yen, khoảng 6.630 USD. Nắm bắt đúng tâm lý của các gia chủ giàu có, Archis cũng mở cơ sở lưu trú cho phép khách đem theo thú cưng. Công ty đã đón ba cặp vợ chồng giàu có từ Hồng Kông với bữa ăn được nấu bằng sản vật địa phương. Mùa thu vừa rồi, Archis cũng tố chức dịch vụ cắm trại, với các nhân viên hướng dẫn nói được nhiều thứ tiếng và đầu bếp thượng thặng.

Ngân hàng Yokohama đã phát triển một số tour ẩm thực và lịch sử với sự hợp tác của Tablecross có trụ sở tại Tokyo. Tour gồm có mặc áo giáp chụp ảnh lưu niệm tại lâu đài cổ Odawara và thưởng thức ẩm thực kaiseki truyền thống khi các geisha đang biểu diễn.

Với thiên nhiên hùng vĩ, đảo Hokkaido đang tập trung thúc đẩy du lịch mạo hiểm, và tệp khách giàu có được chú trọng phục vụ. Chính quyền Hokkaido ước tính du khách tham gia các chuyến du lịch như vậy sẽ chi từ 370.000 – 550.000 yen, gấp đôi số chi tiêu của một du khách thông thường đến Nhật Bản.

Theo kế hoạch xúc tiến du lịch mà nội các Thủ tướng Fumio Kishida thông qua vào cuối tháng 3-2023, Nhật Bản có khoảng 290.000 du khách giàu có đã chi hơn 1 triệu yên, chỉ bằng 1% tổng số du khách vào năm 2019. Nhưng họ lại chiếm tới 11,5% tổng số tiền chi tiêu, khoảng 550 tỉ yen.

Một thách thức để thu hút nhiều du khách giàu có là bảo đảm đủ nhân sự để khi khách gọi là có. Ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Trong cuộc khảo sát vào tháng 7 của Teikoku Databank, 70% nhà trọ và khách sạn nói rằng đang thiếu người.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media 

https://bsa.org.vn/sony-lap-dat-camera-ai-de-phan-tich-thoi-quen-hanh-vi-nguoi-tieu-dung/