Nhật Bản đã vượt qua Thái Lan để trở thành điểm du lịch nước ngoài được du khách Trung Quốc ưa chuộng nhất trong kỳ nghỉ Tết âm lịch vừa kết thúc hôm 4-2.
Năm 2024, Nhật Bản cũng đã vượt qua Thái Lan về tổng số lượt khách du lịch quốc tế, với 36,87 triệu so với 35,55 triệu tương ứng, theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO). Khách Trung Quốc đã đóng góp phần lớn cho kết quả này.
Lượng khách Trung Quốc tăng vọt
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, du lịch xuyên biên giới đến và đi từ Trung Quốc đã tăng 30% so với năm trước, theo trang du lịch trực tuyến Trip.com. Nhật Bản trở thành điểm đến nước ngoài phổ biến nhất với du khách đại lục.
Hãng du lịch tên tuổi Tongcheng Travel ở Trung Quốc cũng nói rằng Nhật Bản là điểm đến nước ngoài hàng đầu, xếp trên các nước Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Giá vé máy bay giảm đã góp phần vào sự gia tăng du lịch nước ngoài của du khách Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trung bình có 1.888 chuyến bay chở khách quốc tế hoạt động hàng ngày trong dịp Tết Nguyên đán – tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2024.
China Eastern Airlines đã tăng 54% số chuyến bay trên các tuyến bay Nhật Bản, với lượng hành tăng 71,2% so với năm trước. Chinese Spring Airlines báo cáo mức tăng 76% trong du lịch nước ngoài so với năm 2024.
Tongcheng cũng báo cáo rằng lượng đặt phòng khách sạn ở các điểm đến nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản, đã tăng vọt hơn 300% vào đêm giao thừa so với năm trước. Lượng đặt vé máy bay đến các điểm đến mới, chẳng hạn như Sapporo và Chiba ở Nhật Bản, Johor ở Malaysia, Đà Nẵng ở Việt Nam và Cebu ở Philippines, đã tăng hơn gấp năm lần, với lượng đặt phòng khách sạn trong bốn ngày đầu tiên của kỳ nghỉ tăng hơn gấp đôi ở các điểm đến này.
Theo Trip.com, Sapporo đã trở thành điểm đến phổ biến thứ ba ở Nhật Bản trong kỳ nghỉ, sau Tokyo và Osaka.
Tập đoàn du lịch lữ hành hàng đầu JTB của Nhật Bản nói Hồ Toya ở Hokkaido đứng đầu danh sách điểm đến của du khách Trung Quốc, theo sau là Hồ Kawaguchiko ở tỉnh Yamanashi và Sapporo. JTB cũng nói rằng du lịch gia đình đặc biệt phổ biến.
Việc nới lỏng chính sách thị thực của Nhật Bản sẽ giúp lượng khách Trung Quốc đến Nhật Bản trong năm 2025 sẽ tăng 33% lên khoảng 9,3 triệu, theo JTB Tourism Research & Consulting (JTRC) – hãng con thuộc JTB. Đơn vị này cũng nói rằng sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa, cũng như đồng yen yếu là hai yếu tố chính thu hút khách đại lục.
“Số lượng du khách Trung Quốc đại lục đi du lịch nước ngoài sẽ khó hồi phục như mức trước Covid-19. Tuy vậy, số khách Trung đi du lịch Nhật Bản đã vượt quá con số trước đại dịch và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong năm 2025”, đơn vị nghiên cứu của JTB nhận định.
Nhật Bản có mục tiêu 60 triệu du khách vào năm 2030, tăng từ 36,8 triệu vào năm 2024, với du khách Trung Quốc là trọng tâm chính. Ngành du lịch Nhật Bản sẵn sàng phục vụ thị trường này.

Doanh nghiệp Nhật Bản hưởng lợi
Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) hợp tác với Trip.com vào tháng 10-2024 để bán vé trực tuyến. Hãng cũng đã triển khai chương trình khuyến mãi vào tháng 1-2025, cung cấp dịch vụ di chuyển nội địa miễn phí trong Nhật Bản cho du khách từ Trung Quốc đại lục. Doanh thu của ANA trên các tuyến bay Nhật – Trung tăng trưởng hơn 50% trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi.
Các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng đang tích cực phục vụ người mua sắm Trung Quốc.
Trung tâm mua sắm Takashimaya nói lượng khách Trung Quốc đến mua sắm ở Takashimaya đã tăng mạnh, đặc biệt là những người trẻ giàu có lũ lượt mua các thương hiệu xa xỉ và mỹ phẩm. Doanh số bán hàng miễn thuế cho khách hàng Trung Quốc đã tăng 50% về giá trị so với năm trước.
Takashimaya đã cử một phiên dịch viên làm việc qua màn hình để phục vụ khách đại lục mua sắm. Takashimaya đã tăng cường sự hiện diện của mình trên mạng xã hội Trung Quốc, mời các KOL/KOC (nhân vật có ảnh hưởng) tại đại lục để thu hút tệp khách ở độ tuổi từ cuối 20 đến cuối 30, những người sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Weibo, Douyin hay RedNote để tìm kiếm các điểm du lịch và mua sắm.
Lượng khách Trung Quốc dồi dào trong Tết Nguyên đán cũng tác động tốt đến nhóm cổ phiếu có liên quan đến ngành du lịch, trong bối cảnh chung có vẻ ảm đạm của thị trường chứng khoán.
Hôm 28-1, trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, chỉ số Nikkei 225 Domestic Exposure 50, theo dõi 50 công ty phụ thuộc vào tiêu dùng ở Nhật Bản, đã tăng gần 1,7%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 Global Exposure 50, chủ yếu là các công ty xuất khẩu, hầu như không thay đổi.
Các nhà điều hành cửa hàng bách hóa của Nhật Bản là những người chiến thắng nổi bật. Cổ phiếu của Isetan Mitsukoshi Holdings tăng 5%, trong khi cổ phiếu của Takashimaya và J. Front Retailing – nhà điều hành chuỗi Daimaru và Matsuzakaya – tăng lần lượt 2% và 3%.
Trong các hãng đường sắt, cổ phiếu của Keio, công ty cũng điều hành các cửa hàng bách hóa và khách sạn, đã tăng 6%. Đường sắt Tobu tăng 4% và Đường sắt Odakyu Electric tăng 2%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng lợi nhuận từ dịp Tết Nguyên đán sẽ chỉ là tạm thời.
“Kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm mạnh mẽ, đặc biệt giới trẻ. Tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh hơn. Vì vậy, khó có thể mong đợi những cơn mua sắm bakugai khi khách không tiếc tiền mua sắm hàng hiệu, mỹ phẩm, đồ điện tử, và các sản phẩm “Made in Japan”… từng xảy ra giữa thập niên 2010”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hồ / BSA Media
Tập đoàn cá ngừ đóng hộp Thái Lan chú trọng mảng thức ăn dành cho thú cưng