Nhật Bản xây cơ sở sản xuất ống kính, phụ kiện máy ảnh lớn nhất thế giới tại Hà Nội

Tamron – hãng sản xuất ống kính và phụ kiện máy ảnh của Nhật Bản – sẽ khánh thành nhà máy thứ hai linh kiện máy ảnh tại Hà Nội vào tháng 1-2025 sắp tới. Tamron cũng thúc đẩy nhanh sản lượng của hai nhà máy tại Hà Nội, biến nơi đây thành cơ sở sản xuất ống kính, phụ kiện máy ảnh lớn nhất thế giới vào năm 2028.

Nhà máy mới trị giá 4 tỉ yen (26,75 triệu đô la), được xây dựng trên khu đất 28.500m2 ở  một khu công nghiệp ở Hà Nội. Nhà máy sẽ xử lý toàn bộ quy trình sản xuất ống kính, từ đúc khuôn đến sơn và lắp ráp. Dự kiến, khi chính thức khai trương đầy đủ vào năm 2028, nhà máy này sử dụng 1.500 lao động.

Đặt trụ sở tại thành phố Saitama gần Tokyo, Tamron hiện đang vận hành hai nhà máy tại tỉnh Aomori ở miền bắc Nhật Bản, một cơ sở tại Hà Nội và một nhà máy khác tại thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhà máy Phật Sơn hiện chiếm 65% tổng sản lượng của Tamron theo giá trị, riêng cơ sở tại Hà Nội đóng góp 25%. Với việc hoàn thành nhà máy mới, Tamron có kế hoạch nâng tỷ lệ sản lượng của Việt Nam lên 50% vào năm 2030, cắt giảm thị phần của Trung Quốc xuống còn 40%. Chỉ chiếm 10% sản lượng, hai nhà máy tại Nhật Bản sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và công nghệ mới.

Việc xây dựng nhà máy thứ hai tại Việt Nam là chiến lược giảm thiểu rủi ro của các hoạt động sản xuất của Tamron tại Phật Sơn trong bối cảnh đối đầu kinh tế Mỹ – Trung không hạ nhiệt. Cựu Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa sản xuất hay nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hiện vẫn duy trì chính sách này.

Theo chính sách thuế quan hiện tại của Mỹ, ống kính máy ảnh của Tamron phải chịu mức thuế 25% ngoài mức thuế thông thường là 2,3% khi được sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ. Khi sản xuất tại Việt Nam, Tamron có thể tránh được hoàn toàn mức thuế bổ sung 25%.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung được dự đoán là sẽ không sớm kết thúc, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Washington có thể sẽ tiếp tục tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Tamron có kế hoạch biến Việt Nam làm cứ điểm xuất khẩu chính, trong khi nhà máy tại Phật Sơn có khả năng sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trong nước tại Trung Quốc.

Trong năm kinh doanh kết thúc vào tháng 12, Tamron đã tạo ra 52% doanh số từ châu Á – chủ yếu là từ Trung Quốc. “Thị trường Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hơn nữa do nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm như ống kính được sử dụng trong thiết bị quay video cho phương tiện truyền thông xã hội”, Chủ tịch Tamron Shogo Sakuraba nói.

Tamron cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm của mình để bao gồm các ống kính cho hệ thống an ninh và tự động hóa nhà máy, cũng như các thiết bị cao cấp cho xe hơi và thiết bị y tế. Tamron nói thế mạnh của công ty là các hoạt động tích hợp, bao gồm mọi thứ từ nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất và bán hàng. Công ty đạt doanh số 71,4 tỉ yen trong năm tài chính 2023, tăng 12,6% so với năm trước đó.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media 

Công ty Nhật Bản phát đạt nhờ xuất khẩu nước đá tinh khiết