Nhiều công ty Nhật Bản dời xưởng từ Trung Quốc sang Indonesia

388
Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch để hỗ trợ từ 100 triệu yen đến 5 tỷ yen cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc dời hãng xưởng sang Đông Nam Á hay châu Á hay trở lại Nhật Bản.
Tiêu điểm:
Nhiều công ty Nhật Bản dời xưởng từ Trung Quốc sang Indonesia
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết ba công ty Nhật Bản sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia. Đó là hãng điện tử Panasonic Corp. với dự án 30 triệu USD, hãng linh kiện xe hơi Denso Corp với dự án 138 triệu USD, và Sagami Rubber Industries Co. với xưởng cao su 50 triệu USD.
Ba công ty trên nằm trong số bảy công ty đa quốc gia có kế hoạch chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Indonesia. Trước đó, tập đoàn Toyota cũng bày tỏ quan tâm đầu tư 2 tỷ USD vào Indonesia và cam kết hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Indonesia trong việc giảm lượng khí thải carbon với việc sản xuất xe hơi hybrid và xe điện.
Năm 2020, Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị Khu công nghiệp (KCN) Brebes và một số KCN khác để đón đầu làn sóng di dời nhà máy của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ từ Trung Quốc. Các KCN này được định hướng phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi như dệt may, da giày, thực phẩm và đồ uống, đồ nội thất, dược phẩm và thiết bị y tế.
Bộ trưởng Kartasasmita cho hay Nhật Bản hiện là một trong những đối tác chiến lược của Indonesia, thể hiện rõ qua kết quả hợp tác thương mại song phương ngày càng tăng trong lĩnh vực phi dầu khí trong giai đoạn 2014-2019. Năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia đạt 2,58 tỷ USD.
Theo ông Kartasasmita, trong năm 2021, chính phủ sẽ đầu tư xây dựng 19 KCN mới tại 9 tỉnh. Hiện Indonesia có 103 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 55.000 ha.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ từ 100 triệu yen đến 5 tỷ yen cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc dời hãng xưởng sang Đông Nam Á hay châu Á hay trở lại Nhật Bản. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản khi dịch Covid-19 làm gián đoạn hay đình trệ hoạt động của các chuỗi này tại Trung Quốc trong năm ngoái.
Trong hai đợt di dời có trợ cấp của chính phủ Nhật Bản trong tháng 7 và tháng 12 năm ngoái, có 37/81 doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm điểm đích. Thái Lan là điểm đến được ưa chuộng thứ hai với 19 doanh nghiệp.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,65 – 56,05 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu là 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.715,4 USD/ounce, giảm tới 20,2 USD/ounce, tương đương 1,16% so với chốt phiên trước.
2/ Trong những nước xuất khẩu chuối vào EU, Việt Nam chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, nhưng giá chuối Việt Nam lại tăng mạnh ở mức rất cao. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2020, giá chuối Việt Nam nhập khẩu vào EU ở mức bình quân 3.192,9 Euro/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam vào EU cao hơn rất nhiều so với các nguồn cung cấp khác. Tuy giá cao ngất ngưởng nhưng nhập khẩu chuối từ Việt Nam vào EU lại giảm mạnh, với mức giảm tới 26,7% so với 11 tháng năm 2019 và chỉ đạt 14 tấn. Với lượng xuất khẩu nhỏ bé như vậy, Việt Nam chỉ đứng thứ 55 trong những thị trường cung cấp chuối cho EU. Trong khi đó, chuối vẫn đang là loại trái cây rất được người tiêu dùng EU ưa chuộng và được nhập khẩu nhiều nhất vào khu vực này.
3/ Tổng cục Hải quan vừa công bố một số thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. Theo đó, trong tháng 2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 42,5 tỷ USD, giảm 22,7% so với tháng trước. Với diễn biến này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2021 ước tính thặng dư 500 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan cho biết tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 97,505 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 ước tính thặng dư 2.586 triệu USD.
4/ Theo báo cáo “Chỉ số Nữ doanh nhân 2020” (MIWE 2020) của Mastercard vừa công bố, đánh giá điều kiện hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, thì Việt Nam xếp hạng 25 trong tổng số 58 nền kinh tế được nghiên cứu. So với xếp hạng năm 2019, Việt Nam tụt 7 bậc. Báo cáo này cung cấp một đánh giá tổng thể về mức độ thành công của từng nền kinh tế trong việc thúc đẩy kinh doanh cho phụ nữ so với các nam giới bằng phương pháp luận riêng, với các phân tích chi tiết dựa trên 12 chỉ số chính và 25 chỉ số phụ. Trong khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25 thì tại Đông Nam Á, Thái Lan, Philippines và Indonesia nằm trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới với những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ làm kinh doanh.
5/ Từ 0h hôm nay, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh nhưng chưa đón khách ngoại tỉnh. Theo đó, để thực hiện hoạt động đón khách du lịch nội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch và các điểm, khu du lịch phải xây dựng quy trình đưa, đón khách tham quan đảm bảo an toàn dịch bệnh theo yêu cầu mới của tỉnh; tuân thủ nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế và các quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. Quảng Ninh cũng thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương tiện chở hàng hóa ra, vào tỉnh mà lái xe đi, về từ vùng có dịch vào Quảng Ninh. Mục tiêu chính của Tỉnh là nhằm tạo điều kiện tối đa cho người lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ theo hướng thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ quy trình khai báo y tế.
6/ Sacombank đã lọt vào bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu Ngân hàng lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500) 2021 do công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance (Anh) công bố. Đặc biệt, giá trị thương hiệu Sacombank tăng mạnh 30 bậc so với năm 2020 dựa trên những cải cách nội bộ giúp tăng cường sức mạnh tài chính, tạo đòn bẩy thúc đẩy doanh thu và uy tín, niềm tin vào thương hiệu. Sacombank nói riêng và ngành ngân hàng Việt Nam nói chung trở thành tiêu điểm khi có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong bảng xếp hạng. Sacombank đã cung cấp đa dạng các dịch vụ ngoại hối dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thông qua mạng lưới giao dịch rộng khắp 52/63 tỉnh thành Việt Nam và 2 nước Lào và Campuchia cũng như các kênh giao dịch trực tuyến như Internet Banking, Mobile Banking…
7/ Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất khoản ngân sách bổ sung 15.000 tỷ won (13,3 tỷ USD) để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và những người có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo thông tin từ Bộ Tài chính Hàn Quốc, đây là khoản bổ sung lớn thứ 3 từ trước tới nay, nâng tổng trị giá của gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp thứ 4 của Chính phủ Hàn Quốc lên 19.500 tỷ won. Để có thêm ngân sách, Chính phủ đã có kế hoạch để phát hành 9.900 tỷ won trái phiếu nhà nước. Trong năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp 3 gói cứu trợ khẩn cấp với tổng trị giá 31.400 tỷ won, đồng thời tăng gấp 4 lần ngân sách bổ sung lên tới 67.000 tỷ won để đối phó với suy giảm kinh tế do đại dịch.
8/ Theo Sydney Morning Herald, trong năm nay 2021, chính phủ Australia sẽ dành ngân khoản 300 triệu AUD để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng chiến lược trong khu vực Thái Bình Dương, bao gồm dự án xây dựng tuyến cáp viễn thông dưới biển nối với Palau, dự án xây dựng nhà máy thủy điện tại Quần đảo Solomon và dự án xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời tại Papua New Guinea.
Australia đang kết hợp các khoản vay và tài trợ không hoàn lại để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương. Chính phủ của quốc gia này đã cam kết dành hàng tỷ AUD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tại các quốc đảo Thái Bình Dương là để giúp các quốc gia nhỏ trong khu vực tránh phải vay nợ từ bẫy nợ “nhất đới, nhất lộ” của Trung Quốc.
9/ Theo Nikkei Asia, nhập khẩu thép của Trung Quốc đã tăng trưởng 150% trong năm 2020, đạt 38,56 triệu tấn. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thép diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất thép nước này chật vật đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nước, khi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm tăng trưởng do đại dịch Covid-19 gây ra. Vào thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất thép trên toàn châu Á đang hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu thép của Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của hãng thép Việt Nam Hòa Phát đã tăng 80% trong năm 2020 đạt 13,5 ngàn tỷ đồng nhờ xuất khẩu tăng gấp đôi. Phần lớn xuất khẩu thép của Hòa Phát là bán cho Trung Quốc. Phần lớn thép mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2020 là những sản phẩm rẻ hơn, dùng cho xây dựng và một số mục đích khác. Giá bình quân thép nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm ngoái là 630 USD/tấn, giảm 35% so với năm trước đó.
Năm 2020, nhập khẩu thép của Trung Quốc đã tăng trưởng 150%, đạt 38,56 triệu tấn.
10/ Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, trong năm 2020, thị trường dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến của quốc gia này đã đạt mức tăng trưởng gần 80%. Theo đó, tổng giá trị giao dịch của loại hình dịch vụ này trong năm 2020 đã đạt mức 17.400 tỷ won (tương đương 15,5 tỷ USD), tăng 78,6% so với năm 2019. Mức tăng này cũng gấp gần 6,4 lần so với mức 2.700 tỷ won được ghi nhận vào năm 2017 – thời điểm mà cơ quan thống kê Hàn Quốc bắt đầu theo dõi các dữ liệu liên quan. Lý do thị trường giao đồ ăn trực tuyến đạt được mức tăng trưởng như vậy là do hình thức này phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, đa tiện ích và đặc biệt là góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Thoáng mát và khô ráo với áo mưa Sơn Thủy