Như một Sơn Đoòng thứ 2 ở Phong Nha-Kẻ Bàng

Khu vực Bách xanh thuần chủng sống trên núi đá ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việc phát hiện ra rừng Bách xanh núi đá ở Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) được ví như tìm ra Sơn Đoòng thứ 2 bởi tính kỳ vĩ, cũng như sự hiếm hoi trên toàn cầu của loại cây này.

Gia tài của nhân loại

Rừng Bách xanh núi đá được phát hiện năm 2004 bởi giáo sư Leonid Averyanov (Viện Thực vật Khamarop, Nga), GS Phan Kế Lộc (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học Việt Nam) và các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ động vật hoang dã của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Hiện trên thế giới chỉ có 3 loài Bách xanh được nhận diện.

Lâu nay, Bách xanh núi đá được biết sống rải rác một phần ở vùng núi Tây Nguyên, nhưng không thuần chủng mà phân tán. Duy nhất trên thế giới có vùng núi đá vôi ở Phong Nha-Kẻ Bàng là xuất hiện loài Bách xanh núi đá thuần chủng với 5.000ha, trong đó có 2.000ha dày đặc Bách xanh cổ thụ với mật độ 600 cây/ha.

Do nguyên tắc bảo tồn bí mật loài cây đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt trên toàn cầu này, không chỉ tọa độ và địa danh mà ngay cả nhân viên kiểm lâm dẫn đường cũng yêu cầu không được tiết lộ danh tính trên truyền thông.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý vườn quốc gia này cho biết: “Các nhà khoa học đánh giá rừng Bách xanh này là tài sản quý giá không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại. Nó độc đáo, hùng vĩ, có tuổi đời hơn 500 năm, lại mọc thuần chủng là điều không có bất cứ địa điểm thứ 2 nào trên thế giới. Nhiều người ví khu rừng này như một Sơn Đoòng thứ 2 về sự bí ẩn và nguyên sơ mà mãi thế kỷ XXI con người mới đặt chân đến”.

Rất ít người được tiếp cận khu rừng linh mộc độc nhất vô nhị thế giới.

Linh mộc nơi không đất 

Bách xanh núi đá có tên khoa học là Calocedrus rupestris, mọc hoàn toàn trên nền đá. Ở những đỉnh cao của rặng đá vôi Kẻ Bàng, “chúng sống sót và phát triển từ 500 năm qua mà không cần bất cứ chất dinh dưỡng nào từ đất”, GS Averyanov đánh giá.

Thân của chúng cứng như sắt, toát ra mùi thơm xá xị, bộ rễ vừa như mũi khoan vừa mềm mại như sợi tơ ken dày xuống kẽ đá, kết dính lại để lấy và trữ nước nuôi sống thân. Chúng tự tiết ra dung dịch như acid bào mòn, đâm xuyên các thớ đá vôi và biến thành vô số hạt li ti, tạo chất mùn có dinh dưỡng nuôi sống thân cây cộng thêm quá trình quang hợp… Dinh dưỡng của Bách xanh còn được lấy từ hàng triệu thân địa y, rêu tảo phủ lớp dày trên bề mặt núi đá sau mỗi mùa đông.

Loài lan Hài quý hiếm dưới bóng Bách xanh.

Các nhà khoa học còn phát hiện tuy cách xa cả trăm cây số nhưng Bách xanh lấy được nguồn khí ni-tơ của đại dương để duy trì sự tốt tươi. Nhưng trong khi chỉ lấy được 1% khí ni-tơ từ đại dương thì Bách xanh lại sản sinh ra rất nhiều ni-tơ để tạo bầu không khí trong lành cho con người sinh sống dưới đồng bằng.

Cũng vì đặc tính sinh thái trên mà tộc người bản địa gọi Bách xanh núi đá là Linh mộc. Mỗi năm khi làm lễ mở cửa rừng, đầu tiên họ phải cầu xin thần rừng Bách xanh cho phép vào rừng săn bắn.

Dưới tán Linh mộc

Có một điều đặc biệt là dưới tán loài Linh mộc này xuất hiện 3 loài lan Hài cực kỳ quý hiếm.

Lan Hài là hoa có cánh ở giữa hình túi giống chiếc hài công chúa. Theo GS Averyanov, lan Hài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1922 gần Nha Trang (Khánh Hòa) và được gửi về Pháp trồng. Nhiều cuộc tìm kiếm sau đó ở Nha Trang đã không thể gặp lại loài lan này.

Một góc thân Bách xanh xù xì và ít hoa lan mọc bám vào.

Khoảng 70 năm sau, những giò lan Hài tái xuất ở Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Lần theo nguồn tin trên, năm 1996, GS Averyanov và các cộng sự đã tìm được loài lan quý này trên các vách đá cheo leo của núi Hòn Giao, cách Nha Trang khoảng 50km về phía Tây. Lúc đó, lan Hài được thu mua với giá 1-3USD/kg, năm 1995 tăng lên 10USD/kg và cũng từ đó lan Hài tái biến mất do nạn thu mua, khai thác quá bừa bãi.

Sau đó nó lại được phát hiện ở vùng núi Cao Bằng và để đảm bảo an toàn, những người phát hiện đã không công khai điểm phân bố chi tiết. Nhưng chỉ sau 2 tháng, giới buôn lan đã tìm ra nơi phân bố và toàn bộ quần thể loài lan Hài ở đây bị khai thác đến mức liệt vào nhóm tuyệt chủng.

Rừng Bách xanh không chỉ có lan mà có hàng trăm loài chim, động vật sinh sống được ví như Sơn Đoòng thứ 2.

Khi lan Hài ở Việt Nam được cho là tuyệt chủng thì GS Averyanov đã tái phát hiện chúng tại Phong Nha-Kẻ Bàng, dưới tán rừng Bách xanh núi đá với 3 loại xanh, đốm và xoắn.

“Đây là thông tin chấn động giới nghiên cứu lan thế giới. Trước việc tái phát hiện này, tôi khuyến cáo phải huy động một số viện tham gia nghiên cứu, sưu tập, lấy hạt, nhân giống ra với số lượng lớn rồi bán ra thị trường. Như vậy, việc khai thác trái phép loại hoa này trong tự nhiên sẽ không còn ý nghĩa mới có thể bảo tồn chúng tốt trong tự nhiên”, ông nói.

Hoàng Long (Theo Thời Đại)