Chiều ngày 29/7, tại Văn phòng Trug tâm BSA, một cuộc kết nối, gặp gỡ giữa 14 doanh nghiệp nông nghiệp với những đối tác xúc tiến đưa hàng Việt đi các thị trường thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…
14 doanh nghiệp tham gia kết nối đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. Điểm chung về xuất khẩu của những doanh nghiệp này, là sản phẩm đã (từng) và đang xuất khẩu đến một số thị trường trên thế giới. Đây là những sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng. Trong đó, phần nhiều doanh nghiệp mới xuất khẩu trong khoảng 2 – 4 năm trở lại đây.
Tại cuộc gặp gỡ, kết nối, nhiều doanh nghiệp mong sẽ xúc tiến thêm những thị trường mà họ chưa xuất qua, hoặc đã vào nhưng thất bại.
Những kinh nghiệm từ nhà nhập khẩu
Là một trong 5 đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Úc, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, chia sẻ, các doanh nghiệp phải tìm ra những đặc trưng nhất của sản phẩm mình, thổi hồn vào nó.
Dưới kinh nghiệm xuất khẩu đi Úc, Mỹ, Nga… ông Luận đánh giá, một trong những trăn trở của doanh nghiệp khi xuất hàng được rồi, sản phẩm đó có tồn tại và phát triển ở thị trường được không? Đây mới là vấn đề quan trọng.
“Quan trọng nhất mỗi sản phẩm doanh nghiệp phải chọn được nhà phân phối phù hợp, nó sẽ giúp doanh nghiệp phát triển được kênh, hệ thống phân phối tại đó”, ông Luận nói.
Ông Luận cho hay, nếu không có chiến lược bài bản, mà đưa sản phẩm của mình cho đối tác nước ngoài, bỏ mặc họ làm, gần như chỉ được lô hàng đầu tiên làm theo kiểu thí điểm.
“Tôi chứng kiến nhiều kho lớn của các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam tại Mỹ, Úc, trong kho nhiều hàng Việt không bán được. Doanh nghiệp nói sản phẩm đã xuất đi thị trường này, kia nhưng thực ra sản phẩm đang nằm trong kho, không bán ra ngoài thị trường được bởi làm chưa tốt các khâu”, ông Luận khẳng định.
Do đó, rất cần có những chuẩn bị khi đưa hàng ra nước ngoài, phải nghiên cứu kỹ, “như chúng tôi, tự mình mang cà phên đến những khu vực đông người Việt Nam bên Úc để mời họ dùng thử, cho đến khi họ thích sản phẩm của mình…. Khi đó mới thành công”.
Theo phân tích của ông Luận, khi nhà phân phối không bán được hàng, doanh nghiệp như mất thương hiệu. Nhiều nơi đi bán rẻ ngoài thị trường, “nhưng đây là điều nguy hiểm, bởi sau này doanh nghiệp làm việc với nhà phân phối mới rất khó, người ta sẽ nói sản phẩm bán không được nên không nhập, hoặc sao chỗ kia bán rẻ như vậy”.
Theo ông Luận, doanh nghiệp nên tập trung vào một vài thị trường trọng điểm, đầu tư cho thị trường này, phải làm marketing hàng ngày trên nhiều nền tảng mạng xã hội, báo chí…. Nên cần đội ngũ chăm sóc thị trường bài bản.
Ông Luận cho rằng, với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng ta nên tập trung một số mặt hàng là những món ăn truyền thống, họ rất thích sản phẩm của người Việt Nam, từ bánh tráng cuốn, trái cây chế biến, bún miến, mì…
Thực tế, một doanh nghiệp khởi nghiệp là mật hoa dừa Sokfarm của bạn Phạm Đình Ngãi đã bán hàng rất chạy ở thị trường Đức, doanh số bán hàng của nhà phân phối rất khủng, vì nhà phân phối của Sokfarm là người Việt Nam.
“Nhà phân phối này ngày nào cũng làm món ăn review sản phẩm mật hoa dừa, nước tương từ mật hoa dừa (do họ làm nghề đầu bếp cũng khá nổi tiếng ở Đức). Cuối cùng nhiều clip lên xu hướng cả nước. Từ đây, báo chí địa phương đã viết về câu chuyện này, và những câu chuyện hàng nông đặc sản Việt Nam bên Đức”, ông Luận kể.
Tuy vậy không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tìm được những nhà phân phối có tâm như thế.
Khi làm việc với nhà phân phối, ông Luận cho rằng, không nên quá đà vào việc phải đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu, cần chọn lọc, ưu tiên những dòng phù hợp.
Trong khi đó, cũng là một trong những đối tác xuất khẩu lớn của chuỗi siêu thị Thuận Phát tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – CEO Công ty Hương Quê, nhìn nhận, mỗi thị trường có những tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau.
Đơn cử như, “mua hàng xuất đi Nhật Bản, họ đòi hỏi chất lượng cao nên chúng tôi chọn đối tác rất kỹ. Còn xuất hàng đi Mỹ, tôi may mắn là đối tác của chuỗi siêu thị Thuận Phát bên Mỹ, chúng tôi hiện là đơn vị độc quyền với Thuận Phát để xuất toàn bộ đồ chay ở Việt Nam đi Mỹ, các đối tác có nhu cầu thì xuất dưới tên Hương Quê”.
Không quên khẳng định sự lớn mạnh của thương hiệu khi xuất khẩu, ông Tuấn thông tin, “muốn xuất đi được, phải làm thương hiệu đủ mạnh, đủ lớn để người ta giữ thương hiệu của mình. Chúng tôi hiện đang xây hai nhà máy để xuất đồ chay qua Mỹ. Khách hàng đối tác biết đến thương hiệu Hương Quê của tôi phần nhiều qua việc theo dõi kênh Tiktok cá nhân tôi. Quan điểm của tôi khi xuất hàng là phục vụ những người “xa quê hương nhớ mẹ hiền – Có tiền chắc gì ăn được đồ quê hương”.
Do vậy ông Tuấn khẳng định, thông điệp truyền thông phải chọn làm sao để dễ đi vào lòng người, người nghe bỏ tiền ra mua, người ta ăn nó không phải bởi nó ngon nữa. Bởi đó là đồ quê hương Việt Nam, tự nhiên người ta sẽ yêu sản phẩm hơn.
Ông Dương Toàn – Đại diện Công ty Lee’s Coffee, một đơn vị chuyên mua hàng đặc sản phân phối cho chuỗi 50 siêu thị của Lee’s Sandwich tại Hoa Kỳ. Chia sẻ về những thế mạnh của nông đặc sản vùng miền Việt Nam, ông Toàn nói, thời điểm đỉnh cao, chúng tôi xuất khoảng 40 container bánh Pía Tân Huê Viên đi thị trường Mỹ, Úc.
“Cách làm của chúng tôi là luôn đồng hành từng bước, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt. Chúng tôi giúp họ xây dựng nhà xưởng, tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu tại thị trường xuất khẩu…”, anh Dương Toàn nói.
Bên cạnh đó, Lee’s Coffee hiện cũng có cửa hàng “xuất khẩu tại chỗ” tại 84 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. HCM, chuyên mua bán hàng đặc sản các vùng miền, có mặt ở đây cũng là thêm những cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, thị trường hiện nay người tiêu dùng, khách mua hàng thay đổi quá nhanh. Những người làm xúc tiến thương mại phải nhanh chân kết nối với nhau, chứ không chỉ có doanh nghiệp kết nối, để tạo một thế mạnh trong đàm phán.
“Lâu nay mình cứ nói hợp tác theo kiểu hô khẩu hiệu, nó không có ý nghĩa. Bây giờ là hợp tác về mặt thị trường. Bây giờ mình cần một cái chất keo thật sự kết nối. Thành ra đó là sắp tới chúng tôi làm tiếp những chương trình kết nối bằng hoạt động kinh doanh, chứ không kết nối bằng ký kết hợp đồng hay những lời cổ vũ”, bà Hạnh nói.
Danh sách các doanh nghiệp chào hàng tham gia– Công ty TNHH Tây Cát – Đồng Tháp– Công ty TNHH Nông Trại 123 – Đồng Tháp: Chuyên sản xuất các loại trái cây sấy dẻo.– Doanh Nghiệp Tư Nhân Sản Xuất Thực Phẩm Chay Bình Loan – Đồng Tháp– Công ty TNHH MTV Hygie and Panacee – Cần Thơ: Sản xuất Dược trà.– Công ty TNHH 2G – Lâm Đồng (Bánh tráng Vị)– Công ty TNHH Phô Mai VN – TP. HCM: Sản xuất các loại yaourt sấy.– Công ty TNHH Dala Group – TP. HCM: Sản xuất các loại bột rau củ.– Công ty TNHH Tân Nhiên- Tây Ninh: Chuyên sản xuất bánh tráng cuốn không cần nhúng nước từ khoai mì và Muối gia vị– Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Thương Mại Lê Gia: Sản xuất dứa sấy.– Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo – Bình Phước: Sản xuất hạt điều thương hiệu Bà Tư Bình Phước.– Công ty Hữu cơ Huế Việt: Sản xuất trà sen, bánh sen.– Công ty Huenix: Sản xuất các sản phẩm thủ công từ mây tre, cỏ bàng và gốm handmade.– Công ty mật dừa nước Việt Nam (Vietnipa)– Công ty Danny GreenDanh sách các Nhà nhập khẩu:1 – Ông Dương Toàn, đại diện Công ty Lee’s Coffee: Chuyên mua hàng đặc sản có tên tuổi, phân phối cho chuỗi 50 siêu thị của Lee’s Sandwich tại Hoa Kỳ. Lee’s Coffee hiện cũng có cửa hàng “xuất khẩu tại chỗ” tại 84 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. HCM, chuyên mua bán hàng đặc sản các vùng miền.2 – Ông Richard Nguyễn (Nguyễn Ngọc Luận): Mua hàng xuất khẩu đi Úc. Ông thường giúp các doanh nghiệp HVNCLC và các doanh nghiệp khởi nghiệp xuất hàng đi Úc, hiện đã mở siêu thị tại Úc chuyên bán hàng đặc sản Việt Nam.3 – Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn: Nguyên CEO Công ty Sông Hương, hiện là CEO Công ty Hương Quê, là đối tác xuất khẩu vào chuỗi siêu thị Thuận Phát tại Hoa Kỳ.4 – Bà Lê Mai Hân: Phụ trách sales quốc tế và vận chuyển hàng hóa cho Công ty TNHH Sáu Ri. |
Sự kiện “Kết nối đặc sản địa phương với các nhà mua hàng xuất khẩu” là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên của Trung tâm BSA. Hoạt động này không chỉ giúp các doanh nghiệp địa phương giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.
Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nhà nhập khẩu, lắng nghe những yêu cầu và xu hướng tiêu dùng từ thị trường quốc tế. Đây cũng là dịp để các nhà nhập khẩu tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn các sản phẩm đặc sản phù hợp với thị trường của mình, mở rộng danh mục sản phẩm nhập khẩu.
Trung tâm BSA luôn nỗ lực hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường!
Một số hình ảnh tại sự kiện: