Những cú cúp cầu dao

    146
    Chốt kiểm soát của Đồng Nai đặt tại chân cầu Đồng Nai đo thân nhiệt những người từ TP.HCM vào địa bàn.
    Mờ sáng, mở cửa bước ra con hẻm, hình ảnh đập vào mắt tôi là chị bán bún bò vẫn múc tô bún bốc khói cho anh bán vé số nhà ở Phan Thiết.
    Chị đưa cho anh cái ghế để ngồi ăn ở góc bếp nhà kế bên, vì anh đi bán dạo, làm sao “mang đi” như chỉ thị giãn cách? Chị chỉ lấy tô bún 10 ngàn, giá bán thật là 30 ngàn đồng.
    Tôi nhớ cảnh ở “Phiên chợ Xanh tử tế” hôm qua, dù chủ hàng nói “tặng hết”, khách Sài Gòn xúm lại mua hết hoa hồng từ Đà Lạt bị dội chợ vì không “xuất” được ra Hà Nội. Tuần trước, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng sau khi chỉ đạo “cách ly người từ TP HCM 21 ngày” cũng lập tức gửi văn bản cho Sở Công thương TP HCM “đề nghị mở cửa lại chợ hoa Đầm Sen”.
    Lý do: 70% hoa từ Đà Lạt đưa về bán ở đây, mà chợ đang tạm dừng hoạt động bởi TP HCM giãn cách 15 ngày. Người Sài Gòn đến Đà Lạt bị cách ly mà hoa Đà Lạt thì phải về bán được cho người Sài Gòn.
    Chừng một giờ sáng thứ bảy, 5/6/2021, tôi nhận tin nhắn từ một doanh nhân: “Khổ rồi chị ơi, Đồng Nai cách ly mình rồi. Thợ thầy đi làm kiểu gì đây? chi phí tăng vọt, rối loạn hết cho coi”.
    Tính sơ sơ, có 6.000 người từ Đồng Nai làm việc ở các khu công nghiệp TP HCM và 10.000 người từ TP HCM làm việc tại các khu công nghiệp tại Đồng Nai. 16.000 con người là 16.000 gia đình, là bao nhiêu doanh nghiệp, nhà máy của mạng lưới rất rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh liên quan.
    Tam giác TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan hệ kinh tế phải tính quy mô cấp vùng, làm gì có địa giới hành chính trong hoạt động kinh tế. Nhưng nhà quản lý Đồng Nai lại ban bố công văn: sẽ cách ly tất cả người về và đến từ TP HCM trong 21 ngày, tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách hai chiều giữa Đồng Nai và TP HCM; tất cả người ra, vào tỉnh này xét nghiệm “phải tự trả tiền”.
    Tôi đọc thống kê gần nhất của Tổng cục Thống kê, TP HCM có khoảng 9,9 triệu dân. Không rõ số nhập cư chính xác, nhưng các thống kê khác là 13 triệu dân, gồm hơn ba triệu dân nhập cư.
    TP HCM là anh cả trong khu vực. Chừng ấy người nhập cư là chừng ấy nhu cầu nhà ở, cơm ăn, học hành, trị bệnh và nhiều dịch vụ công khác nữa. TP HCM đóng góp hơn 80 đồng trong 100 đồng làm ra cho ngân sách cả nước trong khi mỗi ngày “ôm” mấy triệu dân nhập cư. Đóng góp vào Qũy vaccine, dân Thành phố cũng tham gia ngay gần 2.000 tỷ đồng.
    Và lúc này, xung quanh tôi, doanh nghiệp dù đang rất khó khăn vẫn nhiệt tình cứu trợ người nghèo. Nơi họ nghĩ đến đầu tiên và rủ nhau cùng lo là các khu nhà trọ nghèo, nơi công nhân và lao động tự do nhập cư đang tá túc nhiều nhất.
    Tấm lòng họ là vậy. Nên nhìn bản đồ 26 tỉnh cách ly người về từ TP HCM, có bạn nhắn cho tôi: “Cũng buồn chị ha. Mà thôi, kệ!”.
    Thủ tướng mới nhắc, không được cực đoan “ngăn sông cấm chợ”. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Văn phòng phải gọi điện truyền đạt quyết định chỉ đạo đến địa phương và các địa phương đã có điều chỉnh.
    Cuộc chạy đua với virus biến chủng đang lây lan rất nhanh đã khiến xuất hiện những văn bản gây tranh cãi của các địa phương. Dù Đồng Nai đã thay thế văn bản “hiệu lực ngay 0 giờ” ngay trưa 5/6 bằng văn bản “tạm nới”, từ hiện thực trên, tôi thử đặt mấy câu hỏi:
    Liệu có phải chỉ vì quá lo âu, chưa có kinh nghiệm chống dịch mà các lãnh đạo tỉnh mất bình tĩnh, nghĩ giản đơn rối quyết “cái rụp”?
    Liệu có ai quên nghĩ tới cái khó của dân, doanh nghiệp mà chỉ nghĩ đến gánh nặng trách nhiệm của mình?
    Liệu người ký văn bản có nghĩ tới hậu quả khôn lường, rằng chuỗi cung ứng của vùng kinh tế lớn nhất nước mà gãy ngang, hàng vạn người mất việc? Và khi nguyên liệu, hàng hóa đông cứng thì “ốc đảo” an toàn dịch bệnh (là tỉnh mình) có thể vô sự, tiếp tục lớn mạnh trong cơ thể máu không còn lưu thông? Có thể nào thành tố của vùng kinh tế rộng lớn lại phòng dịch bằng cách “ngắt cầu dao điện” là xong? Và chỉ vài hôm ta đã thấy, thực ra đó là tự tay cắt “mạch máu” chính mình.
    Nếu người quản lý không hiểu cho sâu cơ thể chính mình, rào cản hữu hình có thể tạm nới nhưng rào cản trong tư duy – cái barrie để sẵn các góc đường chờ kéo ra ngay ấy – liệu có dễ dẹp đi? Và điều đáng lo hơn: chủ trương nhất quán về phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép có được thấu hiểu, thông suốt và quán triệt?
    Bối cảnh phòng chống dịch đợt bốn hiện có quá nhiều đột biến khó ngờ, thay đổi quá nhanh đòi hỏi các “tư lệnh địa phương” phải cập nhật được thông tin từng giờ, phân tích tình hình chung thế giới và Việt Nam trên nền chủ trương, quan điểm, tinh thần chỉ đạo thật thấu suốt các cấp. Từ đó mới có thể có giải pháp xác đáng, phù hợp từng biến chuyển cụ thể.
    Những gì diễn ra kiểu “ngăn sông cấm chợ” vừa qua đã thử thách, phơi bày về năng lực thấu hiểu, tính thống nhất, đoàn kết của một số lãnh đạo địa phương theo nhiều cấp. Nó tiếp tục đặt ra câu hỏi: Làm sao để cách ly mà không tách rời?
    Những quyết định đó còn cho thấy: Chỉ khi tháo gỡ được rào cản cục bộ trong tư duy và não trạng “ốc đảo bình yên riêng mình” thì mới xử lý hiệu quả được bài toán mục tiêu kép trong “bình thường rất mới” hiện nay.
    Cả nước là một cơ thể sống, đâu thể một bộ phận nào đó bị “nhuốm bệnh” là chặt phăng?
    Kim Hạnh (Theo VNExpress)
    Mỹ xếp Việt Nam vào mức cảnh báo 1 với tỷ lệ lây lan Covid thấp