Những đầu bếp Chiếc thìa vàng tham dự cuộc thi Khởi nghiệp Xanh

Ngày thứ 2 Vòng chung kết cuộc thi ý tưởng/dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần 10 năm 2024 đang diễn ra tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM, bên cạnh các bạn học sinh, sinh viên, nhà giáo, còn có những đầu bếp. Họ tận dụng thế mạnh của mình để chế biến, làm gia tăng cho nền văn hóa, ẩm thực địa phương các vùng miền.
Dự án bảo tồn và phát triển ẩm thực cộng đồng Kon Tum của anh Nguyễn Đức Hoàng, với nhiều sản phẩm khô bò Chư Mom Ray, tôm lòng hồ Yali khô tộ, muối kiến tiêu rừng, muối tiêu rừng, gà hầm sâm dây, cá mương một nắng…đã góp phần làm đa dạng các sản phẩm ẩm thực địa phương.
Có điều này bởi bản thân anh Hoàng là một đầu bếp, từng tham gia nhiều cuộc thi, trong đó có cuộc thi Chiếc thìa vàng của công ty gốm sứ Minh Long I tổ chức.
Giám khảo Đàm Sao Mai – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghiệp TPHCM cho rằng, nên chuẩn hóa thêm thời gian nấu, thời gian bảo quản,…
Đọc phần báo cáo của dự án của anh Hoàng, giám khảo Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) cho hay, “đến 2026 doanh thu lại giảm dần, trong khi tiềm năng sản phẩm này lớn và có kỳ vọng trên thị trường, nên cần coi lại trong danh mục sản phẩm. Nhất là về quy mô thị trường, doanh số…
Một dự án nữa của anh Trần Huy Cường là “Thương mại hoá sản phẩm từ quả vả Huế (Hue cooking food – Sáng tạo nâng tầm đặc sản Huế)”. Anh Cường cũng là một đầu bếp gần 20 năm kinh nghiệm nấu các khách sạn 5 sao từ Thừa Thiên Huế. Và anh đã sáng tạo ra hàng chục sản phẩm từ quả vả, phân phối ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng như các nhà hàng khác sạn…
Anh Cường cho hay, sản phẩm từ quả vả đã có mặt ở 75 hệ thống siêu thị sạch tại nhiều nơi trên cả nước, với các sản phẩm mứt trái vả và gia vị chế biến từ trái vả.
Có mặt tại buổi thi chung kết, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho rằng, những năm gần đây các bạn trẻ trong cuộc thi khởi nghiệp xanh đã tận dụng nguồn nông sản, đặc sản địa phương để làm phong phú, làm mới, sáng tạo thêm cho rất nhiều món ăn của các vùng miền.
Trong đó, có những thí sinh đang làm đầu bếp, họ nghiên cứu sản phẩm đưa vào trong đó những nguyên liệu mới, món ăn mới, và những món ăn này đã có mặt trong các nhà hàng, khách sạn 5 sao nổi tiếng ở các vùng miền.
“Đây là điều quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch, văn hóa, ẩm thực địa phương. Vì khách du lịch đến để trải nghiệm nhiều thứ, trong đó có những món ăn ngon, đặc sản”, nghệ nhân Bùi Thị Sương nói.
Nhận xét về các dự án này, giám khảo Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á Chuyên gia nhượng quyền, doanh nhân cho rằng, những bạn làm đầu bếp và phát triển sản phẩm sẽ có nhiều chuyên môn hơn, tuy nhiên, không nên ôm đồm quá nhiều dòng sản phẩm, mà nên tập trung vào một số dòng chủ lực, có sức hút để đầu tư phát triển.
Giám khảo Nguyễn Lâm Viên – Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN HVNCLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit cho hay, với những vùng nguyên liệu mình tốt rồi, mình nên suy nghĩ nghiên cứu thêm theo hướng đưa thêm những thông tin về lên men, vi sinh, hữu cơ… và phải thay đổi lại cách đặt tên, ghi nhãn bao bì sản phẩm, vì một số sản phẩm từ quả vả mà trên bao bì không ghi chữ “vả”, đây là điều không nên.
Còn theo giám khảo Phan Bửu Toàn – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, cây vả dễ trồng, do đó dự án nên tập trung thêm trong việc phát triển vùng nguyên liệu, vì sau này thị trường phát triển mà vùng nguyên liệu chưa có sẵn sàng thì cần xem lại về đầu tư nguyên liệu.
Anh Hoàng trong phần trình bày dự án của mình
Phần chia sẻ của nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương
Ban giám khảo chia sẻ về các dự án của đầu bếp
Anh Cường trong phần chia sẻ dự án từ quả vả của mình

Bài, ảnh: Trần Quỳnh