Những điểm lưu ý khi ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ

148
Năm 1906, Hoa Kỳ ra Luật Thực phẩm và Thuốc nguyên chất được thông qua, nghiêm cấm thực phẩm có nhãn hiệu sai và bị pha tạp chất. Từ mốc thời gian đó đến nay, nhiều bổ sung, thay đổi đã được phía Hoa Kỳ đưa ra nhằm hoàn thiện hơn về vấn đề nhãn thực phẩm. Đến năm 2016, FDA đề xuất thay đổi bảng ghi nhãn thông tin dinh dưỡng.
Vấn đề thay đổi bảng ghi nhãn thông tin dinh dưỡng là nội dung chính được chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo từ dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập chia sẻ tại: “Khóa đào tạo nhận thức tổng quan và thực hành ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm cho thị trường Hoa Kỳ”, tổ chức ngày 12 – 13/9, tại trụ sở Hội DN HVNCLC.
Bà Phương Thảo thông tin, ngày 20 tháng 5 năm 2016, FDA công bố nhãn “Thông tin Dinh dưỡng mới” cho thực phẩm đóng gói để phản ánh thông tin khoa học mới, bao gồm mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và các bệnh mãn tính như béo phì và bệnh tim. Nhãn mới giúp người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm sáng suốt hơn.
Và FDA quy định rõ rằng, các nhà sản xuất có doanh thu hàng năm từ 10 triệu đô la trở lên phải chuyển sang nhãn mới trước 01/01/2020. Nhà sản xuất có doanh thu bán thực phẩm hàng năm dưới 10 triệu đô la phải tuân thủ cho đến 01/01/2021. Ngoài ra, từ 01/01/2022 là ngày tuân thủ thống nhất các quy định ghi nhãn thực phẩm cuối cùng được ban hành vào các năm 2019 và 2020.
Phân tích sâu hơn, chuyên gia Phương Thảo từ dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho rằng doanh nghiệp cần lưu ý những điểm đáng chú ý sau trong vấn đề ghi nhãn thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm:
Thứ nhất, tên của sản phẩm bằng tiếng Anh, theo cách hiểu của người Mỹ, chứ không theo cách hiểu của Việt Nam.
Thứ hai, liên quan đến thể hiện về khối lượng, trọng lượng, thể tích… luật của Mỹ cũng cho biết, đơn vị tính khối lượng của Việt Nam và Mỹ khác nhau, nên doanh nghiệp cần lưu ý cách tính chuyển đổi cho đúng.
Thứ ba, phía Mỹ quan tâm nhiều đến vấn đề màu trong sản phẩm và chất gây dị ứng trong sản phẩm đó.
Quy định về đường trong sản phẩm
Đặc biệt, so với những quy định ghi nhãn sản phẩm cũ, luật mới quy định một điểm hoàn toàn khác biệt, đó là việc cho đường vào trong sản phẩm.
Chuyên gia Phương Thảo giải thích, “điểm thêm đường vào thực phẩm là nét hoàn toàn mới trong việc ghi nhãn thực phẩm vào Mỹ mà trước nay không có. Đây gần như là vấn đề cách mạng trong ghi nhãn thực phẩm vào thị trường này. Vấn đề thêm đường doanh nghiệp phải tự tính, tự công bố và chịu trách nhiệm”.
Trong luật cũng quy định đến các loại đường khi cho vào trong sản phẩm, loại nào thì được gọi là đường thêm vào, đường bổ sung… . Đường thêm vào là dạng tự do, mật ong, đường, nước trái cây cô đặc, được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình chế biến hoặc lúc đóng gói…
Trường hợp miễn trừ ghi nhãn: Không bắt buộc phải ghi nhãn về hàm lượng đường bổ sung đối với các sản phẩm có chứa ít hơn 1 gam đường bổ sung trong một khẩu phần nếu không có công bố nào về chất tạo ngọt, đường, đường bổ sung hoặc hàm lượng đường alcohol. Tuy nhiên vẫn phải có tuyên bố sau đây được đặt ở cuối bảng giá trị dinh dưỡng: “Không phải là nguồn bổ sung đường đáng kể”. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại đường khác mà luật mới của Hoa Kỳ có quy định, buộc các doanh nghiệp phải tuân theo nếu muốn xuất hàng vào thị trường này.
Đường bổ sung: Thủy phân – phụ thuộc vào việc nó được tiến hành để có được vị ngọt cảm nhận hay không: Maltodextrin và Chất rắn xi-rô ngô (lượng DE và gam đường trên các tờ thông số kỹ thuật).
Đường sau khi lên men và tạo màu nâu không chứa enzyme – Cần kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định xem mức đường cuối cùng có được thêm đường hay không?
Đường Alchohol: Việc khai báo rượu đường là tự nguyện, nhưng nó trở thành bắt buộc nếu doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về rượu đường hoặc đường (như “không đường” hoặc “không thêm đường”) nhưng có rượu đường trong sản phẩm.
Ghi nhãn thực phẩm Plant-based: Đối với thị trường Mỹ, có 4 loại hình Plant-based, là tuyên bố về dinh dưỡng; tuyên bố trực tiếp về sức khỏe; tuyên bố có lợi cho sức khỏe; tuyên bố về đặc thù, cấu trúc, tính năng của sản phẩm.
Trong đó nhấn mạnh rằng, sản phẩm phải được thực nghiệm lâm sàng trước khi sản phẩm ra thị trường, chứ không phải ra thị trường mới làm lâm sàng.
Ông Lê Quang Hiếu, giám đốc phòng QA, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho rằng, luật của Mỹ về ghi nhãn phần dinh dưỡng có nhiều thành phần phức tạp, như về nông sản, hải sản, hay gói gia vị… nên buộc doanh nghiệp phải có sự cập nhật, thường xuyên theo dõi để tránh vi phạm.
Ông Hiếu cũng đặt câu hỏi, thùng các tông đựng bên ngoài sản phẩm thực phẩm xuất vào Mỹ có yêu cầu như bao bì ghi trên nhãn thực phẩm không?
Bà Hồ Ngọc Phương Thảo cho hay, thùng các tông đựng sản phẩm sẽ liên quan đến những đơn vị vận chuyển, không được gọi là nhãn hàng hóa. Thùng này sẽ  tuân theo các quy định kho, hải quan của bên vận chuyển…
Một số hình ảnh của lớp đào tạo:
Gần 20 học viên là đại diện các phòng ban liên quan đến nhãn sản phẩm của doanh nghiệp tham gia lớp học
Chuyên gia Phương Thảo phân tích các vấn đề của luật ghi nhãn sản phẩm
 
Một số doanh nghiệp đăng ký 2 – 4 thành viên tham gia khóa học này
Phân tích bao bì sản phẩm tại lớp học
Ông Lê Quang Hiếu, giám đốc phòng QA, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food chia sẻ
 
Toàn cảnh lớp học
Doanh nghiệp tìm hiểu bao bì sản phẩm thực tế
Bài, ảnh: T. Quỳnh