Những nẻo đường tiêu chuẩn

104
Anh Củng Quang Tiến bên ruộng lúa LocalGAP của gia đình. Ảnh: KT.
Trong buổi tập huấn tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt cho các HTX cây ăn trái, rau màu và lúa, tôi hỏi lý do gì khiến HTX và nông dân ngại làm tiêu chuẩn.
Một giám đốc trẻ nói thẳng là anh không thấy lợi ích gì từ việc làm tiêu chuẩn. Một nông dân khác thì cho biết vườn nhà anh không xịt thuốc sâu khi gần ngày thu hoạch, nhưng vườn của hàng xóm xịt và thuốc bay qua vườn nhà anh thì cũng như không, tệ hơn nữa là sâu rầy từ hàng xóm bay hết qua bên này tị nạn, “người vậy, người khác” sao mà làm tiêu chuẩn.
Có người thì kêu ca việc ghi chép rắc rối nên làm tiêu chuẩn khó. Mấy lời này khiến tôi nhớ lại câu cám cảnh của một cán bộ dịch vụ nông nghiệp, rằng “vận động” nông dân làm tiêu chuẩn và cái kết là cả đội của trung tâm phải hỗ trợ luôn việc ghi chép cho nông dân, nên giờ nghe nói làm tiêu chuẩn là ngán dữ lắm, vì nông dân cho rằng làm tiêu chuẩn là việc của nhà nước, cán bộ có trách nhiệm làm tiêu chuẩn cho nông dân, chết là ở chỗ này.
Vẫn còn may là không phải tất cả nông dân và hợp tác xã đều nghĩ như vậy. Một ví dụ điển hình là Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương (thuộc dự án hỗ trợ các hợp tác xã làm tiêu chuẩn GlobalGAP và LocalGAP), giám đốc hợp tác xã vừa chịu khó giải thích cho xã viên, vừa tranh thủ sự ủng hộ từ cán bộ trạm khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật để tập huấn sử dụng phân thuốc, cung cấp thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật để có thể đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn.
Buổi đánh giá chứng nhận tại Hợp tác xã Trường Khương. Ảnh: KT.

Buổi đánh giá chứng nhận tại Hợp tác xã Trường Khương. Ảnh: KT.

Những hôm nắng chang chang mà nhóm vẫn lặn lội đến từng vùng trồng để lấy tọa độ hay kiểm tra vệ sinh vùng trồng. Có hôm cả buổi xã viên ngồi giải thích cho cán bộ chi tiết dọn vườn, thu hoạch, phân thuốc sử dụng (phiên dịch từ ghi chép tay của nông dân vì có phần khó đọc) để cán bộ giúp nhập dữ liệu số.
Cô cán bộ Bích Chi và Ngọc Hương sắp xếp tốt, xã viên cứ đúng giờ là xuất hiện, nên cũng không mất thì giờ cho việc chờ đợi nhau, cũng chẳng nghe ai nói gì việc phải trả thù lao đi lại (một chuyện tất nhiên khi mời nông dân đi họp hay tập huấn). Hôm nhận được quyết định chứng nhận, anh giám đốc mừng, vừa cười vừa nói đã có mấy chỗ lớn liên hệ mua trái cây.
Anh Củng Quang Tiến ở Thới Lai (Cần Thơ), ban đầu anh đăng ký làm tiêu chuẩn LocalGAP với hợp tác xã, nhưng sau đó các thành viên khác đổi ý không làm nữa, anh vẫn theo đuổi tới cùng. Vốn dĩ là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm nên anh ghi chép rất rõ ràng, chi tiết. Ngày trao chứng nhận được tổ chức trịnh trọng ở một hội trường lớn, anh dẫn đứa cháu nội 3 tuổi đi cùng.
Vậy nên, nói làm tiêu chuẩn khó là không đúng. Anh Củng Quang Tiến chỉ là một nông dân như bao nông dân khác ở miền Tây, anh đã làm và được chứng nhận trong vòng một vụ trồng lúa đó thôi. Nói làm tiêu chuẩn là việc của nhà nước và cán bộ lại càng không đúng, vì anh giám đốc Hợp tác xã Trường Khương và cả bà con xã viên làm tròn phần công việc của họ, họp hành không yêu cầu chi phí. Tất cả họ đều cho rằng làm tiêu chuẩn là việc của nông dân và hợp tác xã, và rằng muốn bán ổn định cho người mua tử tế thì không thể thiếu tiêu chuẩn được.
Một vườn vú sữa của Hợp tác xã Trường Khương. Ảnh: KT.

Một vườn vú sữa của Hợp tác xã Trường Khương. Ảnh: KT.

Xin được phép mượn lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho đoạn kết: “Ngoài kia, gió đang thổi! Ngoài kia, thế giới đang thay đổi! Xứ sở nào, đất nước nào cũng toan tính cho mình những kế hoạch để đi đến sự thịnh vượng. Ngọn gió của sự thay đổi sẽ là sức đẩy cho ai biết nắm bắt cơ hội, ngược lại sẽ là lực cản cho những ai cứ mãi lặng lẽ đứng bên lề”.
Làm tiêu chuẩn thời hội nhập này không chỉ là tập huấn tiêu chuẩn và miệt mài ghi chép, nhận thức của nông dân và giúp bà con hiểu rằng làm tiêu chuẩn là tự quyết định cách sống còn của mình. Hỗ trợ của nhà nước chỉ là gió, mượn sức gió để cất cánh hay là đứng lại bên lề và bị bỏ lại phía sau, bà con nông dân mình phải tự lựa chọn. Như một kén tằm, tự phá kén chui ra thì sẽ thành con bướm bay, để người khác cắt kén giúp thì suốt đời chỉ có thể làm một con bướm tỵ địa.
Truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng để yên tâm sử dụng sản phẩm, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: RYNAN.

Ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: RYNAN.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu). Văn phòng SPS đã hỗ trợ đăng ký cho 156 doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc với Cục Bảo vệ thực vật; hỗ trợ 92 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đăng ký bổ sung với Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản; hỗ trợ 88 doanh nghiệp đăng ký với Bộ Công thương.
Bộ KH-CN cũng đã công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và các Bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, việc truy xuất nguồn gốc đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”.
Những câu hỏi thường gặp
Hỏi: Vườn hàng xóm xịt thuốc sâu, bay vô vườn rau của tôi sắp đến ngày thu hoạch, tôi phải làm sao?
Đáp: Anh có thể trồng một hàng khoai mì hay chuối, hay cây bụi, trước là ranh, sau có tác dụng cản không cho thuốc bay qua vườn nhà.
Hỏi: Hợp tác xã tôi có người thích trồng rau muống, người thích trồng cải, tôi thì lại trồng giỏi dưa leo, bầu bí, như vậy có làm LocalGAP được không?
Đáp: Tất cả các loại đó gọi chung là rau, hợp tác xã có thể đăng ký đánh giá LocalGAP cho rau và cung cấp danh sách tất cả các loại rau do các thành viên hợp tác xã đang trồng.
Hỏi: LocalGAP với VietGAP khác nhau như thế nào?
Đáp: VietGAP là tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT ban hành, được hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thừa nhận. LocalGAP là chương trình trung gian của GlobalGAP do Học viện Bán lẻ Châu Âu quản lý, được nhà bán lẻ trên toàn cầu biết đến. Khi được chứng nhận LocalGAP, hợp tác xã và nhà vườn sẽ được cấp mã số LGN, giúp nhà mua hàng ngoại quốc có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu của LocalGAP.
Hỏi: Tiêu chuẩn LocalGAP có viết bằng tiếng Việt không?
Đáp: Anh chị có thể liên hệ Ban Dự án Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn Hội nhập để được cung cấp bản dịch. Chi tiết liên hệ: 60/2 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3, TP.HCM; Tel: (84) 935 123 963 – (84) 937 102 797; FAX: (84) 28.38466180; website: https://hvnclc.vn/ https://www.facebook.com/pg/HoiDNHVNCLC
Hỏi: Tại sao tôi phải làm tiêu chuẩn?
Đáp: Để nhà mua hàng hiểu rằng anh bán sản phẩm họ cần, không phải sản phẩm anh có.
Kim Thanh

(*) Bài viết được đăng trên chuyên trang “Tầm nhìn nông nghiệp mới” do Hội DN HVNCLC phối hợp cùng Báo NNVN tổ chức, phát hành vào Thứ 6 hàng tuần.